Nơi ấy có một đại gia đình

Trái tim nhân ái - Ngày đăng : 07:09, 03/07/2012

(HNM) - Ngày chị đưa những đứa trẻ bại liệt, khoèo tay, thiểu năng trí tuệ về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc, nhiều người nhìn chị với ánh mắt ái ngại, hồ nghi. Người thân tình bảo chị tự


Mặc búa rìu dư luận, chị cứ âm thầm đi theo con đường mình đã chọn để đến hôm nay ngôi nhà của chị đã trở thành mái ấm, chỗ dựa tin cậy của những người thiệt thòi. Chị là Đoàn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa.


Sản phẩm do người khuyết tật ở trung tâm làm ra được khách nước ngoài đánh giá cao.

Mái ấm gia đình

Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa nằm sâu trong con ngõ nhỏ của thôn Thanh Oai (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có 65 người thì có tới 55 người có hoàn cảnh không may mắn, trong đó người thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, người bị câm điếc, khoèo tay, người lại bị thiểu năng trí tuệ, nhiễm chất độc da cam, liệt chân hay tay. Họ sống với nhau như anh chị em ruột thịt và coi trung tâm là mái ấm gia đình.

Chị Lê Hoài Thu, sinh năm 1977, bị câm điếc bẩm sinh, sống ở trung tâm đã được hơn 4 năm. Hoàn cảnh của chị khá éo le. Bố mất sớm, chị sống với mẹ ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hai mẹ con sống dựa vào quán trà đá ở đầu ngõ nên thiếu thốn đủ đường. Đã vậy, chị Thu lại bị người ta lợi dụng, sinh được một bé gái nên cuộc sống càng thêm túng quẫn. "Giữa lúc tôi và đứa con nhỏ không biết bấu víu vào đâu thì được trung tâm nhận vào dạy nghề và tạo việc làm. Tôi rất biết ơn u Hoa. Nơi đây thực sự là mái ấm, là đại gia đình của hai mẹ con tôi", chị Thu tâm sự.

Ở trung tâm, những số phận thiệt thòi được học nghề (may công nghiệp, làm hoa lụa, mộc, thêu) và được tạo việc làm, với mức thu nhập từ 300.000 đồng/người/tháng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng. "Công việc ở đây phù hợp với sức khỏe của em. Nơi đây thực sự là ngôi nhà thứ hai của em. Em không còn tự ti, mặc cảm về mình nữa" - Nguyễn Thị Kiều 26 tuổi, bị gù bẩm sinh, quê ở Yên Bái cho biết.

Tấm lòng của chị Hoa

Năm 2001, chị Đoàn Thị Hoa tình cờ quen biết ông Nguyễn Khánh Thiện, một người thường xuyên đi làm từ thiện và từ đây cơ duyên đã gắn bó chị với những số phận thiệt thòi. "Từ những chuyến đi thực tế, tiếp xúc với những người khuyết tật, tôi biết họ khát khao có được việc làm để tự nuôi sống được bản thân. Tôi nghĩ phải làm một việc gì đó thật thiết thực để giúp đỡ họ". Chị Hoa quyết định đi vay mượn khắp xóm làng để xây hai dãy nhà tạm trên mảnh đất hương hỏa của gia đình, dãy làm nơi dạy nghề, dãy còn lại làm chỗ ở cho trẻ khuyết tật. Ròng rã mấy tháng trời, vợ chồng chị vật lộn nào lo kinh phí để xây nhà xưởng, nào tìm nhà tài trợ, rồi liên hệ đón các em khuyết tật.

Ngày trung tâm đi vào hoạt động (ngày 28-8-2007), 20 em khuyết tật từ Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang đã gõ cửa xin học. Thời điểm đông nhất lên tới 50 em, nhiều em lặn lội từ Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa… Chị Hoa tổ chức nhiều nghề như may, thêu, đan móc, dệt thảm, vàng mã để phù hợp với sức khỏe của từng em. "Năm 2008 chúng tôi làm hoa lụa nhưng chỉ duy trì được 2 năm vì nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài, giá thành cao nên không cạnh tranh nổi với hoa lụa từ Trung Quốc. Duy có nghề giấy cuộn thủ công là bền vững, phù hợp với sức khỏe người khuyết tật và được khách nước ngoài ưa thích. Sản phẩm bán chạy nên thu nhập của các em đã khá hơn", chị Hoa chia sẻ.

Những lúc sản phẩm tồn kho không bán được, chị lại phải đi vay tiền để nuôi học viên ăn học. Chị muốn họ có một mái ấm, mà ở đó không chỉ ăn no, mặc ấm mà còn có hạnh phúc như bao người bình thường khác…

Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã có 115 học viên ra nghề. Hiện mơ ước lớn nhất của chị Hoa là học viên ở Trung tâm Quỳnh Hoa cũng được ngành y tế quan tâm chăm sóc sức khỏe. "Người khuyết tật rất hay ốm đau. Nếu họ được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì tốt biết bao", chị Hoa mong mỏi.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh