Điểm cộng trên “đường đua”

Thế giới - Ngày đăng : 06:45, 03/07/2012

(HNM) - Sau 8 tháng thụ lý đơn kiện Luật cải cách y tế được Tổng thống Barack Obama ký hồi tháng 3-2010 là vi hiến, ngày 28-6 (theo giờ địa phương), với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Tòa án Tối cao Mỹ (SCOTUS) đã ra phán quyết luật này là hợp hiến.


Những người ủng hộ Luật cải cách y tế của Tổng thống B.Obama ăn mừng sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ tại thủ đô Washington D.C.

Theo đó, tất cả các công dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế vào năm 2014 nếu không sẽ bị phạt tiền. Phần lớn số tiền mua bảo hiểm y tế sẽ được dùng để hỗ trợ những gia đình có thu nhập dưới 88.000 USD/năm chi trả phí tổn y tế. Đây được coi là một thắng lợi của ông chủ Nhà Trắng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống quan trọng vào tháng 11 tới. Ngay sau khi nhận được phán quyết của SCOTUS, ông B.Obama đã gọi phán quyết của SCOTUS là một chiến thắng cho người dân trên toàn nước Mỹ; đồng thời khẳng định cuộc sống của người Mỹ từ đây sẽ an toàn hơn nhờ luật y tế mới và quyết định duy trì luật của tòa án.

Mỹ là nước chi nhiều tiền cho chăm sóc sức khỏe hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới và là quốc gia có chi phí y tế đắt đỏ nhất (với chi phí y tế bình quân đầu người trên 7.000 USD/năm). Trong khi 45 triệu người Mỹ (15% dân số) khó tiếp cận dịch vụ y tế do không có bảo hiểm y tế, thì kế hoạch cải cách y tế của Tổng thống B.Obama được trông đợi như một trong những thay đổi mà nước Mỹ cần phải có. Theo luật cải cách y tế, mọi người dân Mỹ đều phải mua bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị phạt khoảng 700 USD/năm. Chính phủ Mỹ cũng sẽ hỗ trợ cho người nghèo nhưng sẽ đánh thêm thuế đối với những người có thu nhập cao. Luật này bảo hiểm cho khoảng 32 triệu người hiện không được bảo hiểm và gặp trở ngại về thủ tục bảo hiểm, nâng tổng số dân Mỹ được chăm sóc y tế lên 95%. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), tới năm 2019 Luật cải cách y tế sẽ "ngốn" khoảng 940 tỷ USD, nhưng sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách 138 tỷ USD và giảm thêm khoảng 1.200 tỷ USD trong thập kỷ tiếp theo. Dù được coi là một trong những thắng lợi quan trọng và nổi bật nhất của Tổng thống B.Obama kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ nhưng Luật cải cách y tế đã trở thành một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong cuộc chạy đua tổng thống Mỹ năm 2012. Không một nghị sĩ nào của đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho dự luật vì họ cho là tốn kém và không hiệu quả vì chính quyền sẽ phải chi 938 tỷ USD trong vòng 10 năm tới cho chương trình này.

Đến nay, đã có 26/50 bang chính thức đệ đơn kiện Luật cải cách y tế Mỹ là vi hiến với lập luận rằng Quốc hội đã vượt quá thẩm quyền bằng cách ép người dân mua bảo hiểm trước năm 2014, ngay cả khi họ muốn tự trả các chi phí y tế hoặc chưa có nhu cầu chăm sóc y tế. Đến năm 2014, các công ty có trên 50 lao động phải trả phí cho chính quyền liên bang là 2.000 USD cho một nhân viên làm việc toàn thời gian. Nhưng quan trọng hơn là, luật cải cách y tế chứa đựng rất nhiều điều liên quan đến thuế và tác động tổng thể của nó ảnh hưởng nặng nề đến những người giàu có, đối tượng được đảng Cộng hòa thường xuyên bênh vực. Vì vậy, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney đã cam kết sẽ bãi bỏ dự luật này nếu ông đắc cử vào tháng 11 tới. Thực trạng bức tranh y tế Mỹ hiện nay chứa đầy những nghịch lý, có lợi cho người giàu. Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhóm 34 nước có nền kinh tế tiên tiến (gồm: Mỹ, các nước Châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...), công bố ngày 28-6 thì, chi tiêu cho sức khỏe ở Mỹ chưa đến 50%, thấp hơn nhiều so với 72,2% ở các nước OECD. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người dân ở Mỹ ủng hộ mạnh mẽ luật này. 82% ủng hộ việc cấm các công ty bảo hiểm không được từ chối bán bảo hiểm cho những người đã mắc bệnh, 61% ủng hộ việc để những người con dưới 26 tuổi được tiếp tục ở trong kế hoạch bảo hiểm của cha mẹ và 72% ủng hộ việc đòi hỏi các công ty có hơn 50 nhân viên cung cấp bảo hiểm cho nhân viên của mình…

Luật cải cách y tế vừa được SCOTUS phán quyết là không vi hiến sau nhiều tranh cãi là một điểm cộng cho đương kim Tổng thống B.Obama trên "đường đua" tái cử vào Nhà Trắng. Nhưng, trên một bình diện khác, luật này cũng sẽ khởi đầu một "cuộc chiến" chính trị tiềm ẩn không ít rủi ro cho cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa khi chỉ còn 5 tháng nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Thùy Dương