Tương xứng với sức làm

Đời sống - Ngày đăng : 06:39, 03/07/2012

(HNM) - Ban soạn thảo và tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về "Chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã" vừa họp lần thứ nhất để lấy ý kiến đối với việc bố trí chức danh, chế độ phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách (KCT) ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố.

Đây là điều được nhiều người mong đợi bởi sau một thời gian triển khai thực hiện, Nghị định 92/2009/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2010) đã bộc lộ một số bất cập.

Đội ngũ cán bộ cơ sở, những người hoạt động KCT đóng vai trò rất quan trọng trong phong trào ở địa phương. Ảnh: Bảo Lâm

Làm nhiều, hưởng ít

Đội ngũ cán bộ cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động ở địa phương. Họ như những cánh tay nối dài của chính quyền trong việc tiếp nhận các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, triển khai trực tiếp tới nhân dân. Từ năm 2010, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP đã đổi tên gọi "cán bộ không chuyên trách" thành "người hoạt động không chuyên trách" để phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 84 Luật Cán bộ, công chức. Theo đó, số lượng những người hoạt động KCT theo phân loại cấp xã: Cấp xã loại 1: không quá 22 người; cấp xã loại 2: không quá 20 người; cấp xã loại 3: không quá 19 người. Mỗi thôn, tổ dân phố không quá 3 người. Để đảm đương công việc, hầu hết người hoạt động KCT phải làm ngày, làm đêm vì vừa tham gia họp hành ở trụ sở chính quyền địa phương, vừa tham gia họp ở thôn, tổ dân phố, rồi đi vận động bà con tham gia các hoạt động phong trào. Đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa thì việc đi lại càng khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, Nghị định 92 quy định phụ cấp của những người hoạt động KCT chỉ được hưởng không quá một lần mức lương tối thiểu và mỗi xã chỉ được hợp đồng số lượng nhất định (từ 19 đến 22 người, tùy cấp xã loại nào). Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu của Mặt trận và các đoàn thể đều cho rằng, tiền phụ cấp không đủ cho chi phí xăng xe đi lại để hội họp, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng hộ dân.

Nghị định 92 có quy định: Căn cứ vào quy định của Chính phủ, HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể chức danh và mức phụ cấp đối với những người hoạt động KCT cấp xã, thôn, tổ dân phố cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đồng thời thực hiện khoán hoạt động phí (nhằm khuyến khích người hoạt động KCT kiêm nhiệm chức danh để được hưởng mức phụ cấp cao hơn). Tuy nhiên, trên thực tế, hình thức này cũng chưa cho thấy hiệu quả nâng mức phụ cấp của người hoạt động KCT. Chế độ đãi ngộ như vậy vừa không động viên được những người đang hoạt động KCT gắn bó lâu dài với công việc, vừa không thu hút được người trẻ, có bằng cấp về công tác tại địa phương. Trong khi đó, việc tạo nguồn cán bộ từ những người hoạt động KCT là cách thiết thực xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, thạo việc.

Phải phù hợp thực tiễn

Tại cuộc họp lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 92, các thành viên Ban soạn thảo và tổ biên tập đã thống nhất phạm vi, đối tượng sửa đổi của nghị định lần này chỉ xem xét đối với những người hoạt động KCT - đối tượng phải làm việc vất vả nhưng lại có chế độ phụ cấp không tương xứng với công sức bỏ ra. Các thành viên Ban soạn thảo đề nghị điều chỉnh sao cho hợp lý chế độ phụ cấp. Có ý kiến đề nghị, mức phụ cấp thấp nhất bằng 1,0 rồi địa phương nào có điều kiện thì bù thêm. Cũng có ý kiến đề nghị nên trả phụ cấp theo vị trí việc làm. Việc khoán số lượng chức danh và quỹ phụ cấp được các đại biểu đồng tình và cho rằng nên quy định rõ điều này trong nghị định. Về bố trí chức danh hoạt động KCT ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố, Ban soạn thảo đưa ra hai phương án: một là, giữ nguyên như quy định tại Nghị định số 92 (cấp xã loại 1: không quá 22 người, cấp xã loại 2: không quá 20 người, cấp xã loại 3: không quá 19 người, mỗi thôn, tổ dân phố bố trí không quá 3 người); hai là, sửa đổi theo tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên. Nhiều ý kiến đồng tình với việc giữ nguyên số lượng chức danh cấp xã, nhưng cho rằng, ở thôn thì tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ, có thể bố trí từ 3 đến 5 người.

Dự kiến, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP sẽ được hoàn thiện trình Chính phủ vào tháng 9-2012. Việc lấy ý kiến là điều cần thiết, song, Ban soạn thảo cũng cần xem lại toàn bộ các nghị định liên quan đến xã và thôn như: Nghị định 73/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã; Nghị định 58/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ; Nghị định 38/2006/NĐ-CP về bảo vệ dân phố… để nghị định sửa đổi phù hợp với thực tiễn, với các văn bản liên quan để thuận lợi cho việc thực thi.

Hiền Chi