Những gam màu sáng

Xã hội - Ngày đăng : 06:16, 03/07/2012

(HNM) - Trước khi EURO 2012 diễn ra, rất nhiều phương tiện truyền thông ở Châu Âu lên án UEFA về quyết định trao quyền đăng cai cho Ba Lan và Ukraine với những lo ngại về chính trị, các băng nhóm tội phạm, tình trạng phân biệt chủng tộc, hạ tầng giao thông kém cùng điều kiện thi đấu chưa lý tưởng.


Các cầu thủ Tây Ban Nha nâng cao chiếc cúp vô địch.

Tình trạng phân biệt chủng tộc không phức tạp như những gì báo chí thổi phồng, các CĐV đến dự EURO 2012 đã được đón tiếp nồng hậu. Một số sự cố phân biệt chủng tộc xảy ra chủ yếu do các CĐV nước ngoài mang đến. Công tác an ninh, đặc biệt ở Ukraine đã được kiểm soát tốt, ngoại trừ vụ CĐV Ba Lan tấn công CĐV Nga trước trận đấu giữa hai đội do những vấn đề xã hội, lịch sử để lại. Các đội bóng đều được bảo vệ chặt chẽ, an ninh các trận đấu cũng tốt. Chất lượng sân bãi ở giải đấu lần này cũng được đánh giá cao, nhất là các sân bóng như Donbass Arena (Ukraine), SVĐ QG Warsaw (Ba Lan) được nhiều chuyên gia cho rằng không kém gì những SVĐ 5 sao như Wembley.

Giải đấu này cũng là điểm sáng về công tác trọng tài. Tốc độ các trận đấu ngày càng nhanh, nhưng sai sót của trọng tài diễn ra rất ít. Tình huống sai sót đáng kể nhất là việc tổ trọng tài Viktor Kassai (Hungary) bắt chưa chuẩn xác tình huống Marko Devic (Ukraine) sút vào lưới ĐT Anh. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm là tình huống diễn ra khá nhanh và cú cứu bóng của Terry diễn ra khi bóng chưa chạm mặt cỏ nên rất khó xác định bằng mắt thường là bóng đã qua vạch vôi hay chưa. Thêm nữa, theo xác định của UEFA thì trước khi diễn ra tình huống ghi bàn này, cầu thủ Ukraine đã việt vị.

Sai sót trên không khỏa lấp một giải đấu thành công của công tác trọng tài, trong đó nguyên nhân chính đến từ quyết định sử dụng thêm 2 trọng tài cầu môn. Theo đánh giá của Chủ tịch UEFA Michel Platini, chính sự xuất hiện của 2 trọng tài này đã khiến tình trạng kéo áo, phạm lỗi kín, thậm chí là ăn vạ trong khu vực 16m50 giảm hẳn. Ông Platini cũng cho rằng, việc số bàn thắng đến từ các pha đánh đầu (22 bàn) tăng vọt cũng đến từ nguyên nhân trên.

Giải đấu cũng khá thành công về vấn đề thương mại, nhất là đối với các hãng truyền hình khi thu hút được lượng người xem khổng lồ, vượt xa các kỷ lục trước đây. Chẳng hạn, trận đấu Anh - Italia có đến 20,3 triệu khán giả Anh và 21,8 triệu CĐV Italia bị hút theo từng đường bóng trên sân. Ngay ở một mảnh đất vốn không mấy quan tâm đến bóng đá như Mỹ cũng chiếu trực tiếp cả 31 trận đấu vào giờ vàng ở buổi trưa.

Về chuyên môn, giải đấu cũng mang đến cho khán giả nhiều trận cầu hấp dẫn, kịch tính cùng những ngôi sao nổi bật. Sáng nhất trong chùm sao ở EURO 2012 chính là tiền vệ A.Pirlo với màn trình diễn xuất sắc từ vòng bảng cho đến những trận đấu loại trực tiếp. Bên cạnh đó còn phải kể đến một số gương mặt xuất sắc khác như: Casillas, Iniesta, Xavi, Xabi Alonso, Pique, Balotelli, Buffon, Hummels, Lahm, Ronaldo, Pepe, Dzagoev, Mandzukic, Pilar...

EURO 2012 là giải đấu đánh dấu sự thoái trào của sơ đồ chiến thuật quen thuộc 4-4-2 và sự lên ngôi của sơ đồ có 1 trung phong cắm. Tây Ban Nha thậm chí còn gây ấn tượng mạnh với đội hình xuất phát không có tiền đạo thực thụ nào, chỉ có Fabregas đóng vai trò trung phong ảo. Tuy nhiên, thành công của Tây Ban Nha không đánh dấu xu thế thi đấu không tiền đạo, bởi trên thế giới có rất ít đội có đủ năng lực chuyên môn để chơi theo cách này.

Giải đấu cũng gây ấn tượng tốt nhờ trình độ của các đội khá đồng đều, ngay cả đội vô địch Tây Ban Nha cũng suýt bị loại ở vòng bảng nếu không có pha cứu bóng khó tin của Casillas sau cú đánh đầu của Rakitic (Croatia) ở những phút cuối. Tuy nhiên, vượt trên tất cả, Tây Ban Nha vẫn tỏ ra xứng đáng nhất với ngôi vô địch khi chỉ bị Italia cầm hòa ở trận đầu, còn lại đều giành chiến thắng và không để thủng lưới. Người hâm mộ cũng phải thất vọng với phong độ của những ứng cử viên cho ngôi vô địch như Hà Lan hay Pháp hoặc tiếc nuối cho ĐT Đức đã không lọt vào chung kết dù họ là đội bóng có tiềm lực nhất giải.

EURO 2012 thành công bao nhiêu thì người ta càng lo cho sự thành công của giải đấu tiếp theo ở Pháp năm 2016 bấy nhiêu, bởi đó là giải đầu tiên UEFA mở rộng số đội lên con số 24. Khi đó, những đội tuyển như Estonia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina... cũng có cơ hội dự tranh bên cạnh những đội bóng hàng đầu như Tây Ban Nha, Đức, Italia nên người ta có lý do để lo ngại cho chất lượng giải đấu, nhất là những trận đấu ở vòng bảng.

Những thông tin đáng nhớ về EURO 2012

*Tây Ban Nha xứng đáng đăng quang sau khi giành chiến thắng thuyết phục trước Italia 4-0 ở trận chung kết, trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công ngôi vô địch trong lịch sử EURO.

*Danh hiệu Vua phá lưới thuộc về tiền đạo Tây Ban Nha F.Torres. Cùng có 3 bàn thắng như Mario Gomez (282’), Balotelli, Mario Mandzukic (270’), Cristiano Ronaldo (480’), Alan Dzagoev (253’) nhưng Torres vẫn xếp trên. Tuy ít được ra sân thi đấu nhưng ngoài việc ghi được 3 bàn thắng, Toress còn có một đường chuyền kiến tạo cho đồng đội ghi bàn ở trận chung kết.

*Đội hình tiêu biểu của EURO 2012: Thủ môn: Iker Casillas (Tây Ban Nha); hậu vệ: Pepe (Bồ Đào Nha), Vasilis Torosidis (Hy Lạp), Pique, J.Alba (đều của Tây Ban Nha); tiền vệ: Khedira (Đức), Pirlo. De Rossi (đều của Italia); tiền đạo: Iniesta, David Silva (đều của Tây Ban Nha), C.Ronaldo (Bồ Đào Nha).

Tuấn Khanh