Bến đò tình thương của ông giáo già

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:16, 02/07/2012

(HNM) - Trên dòng sông Vàm Thuật nối đôi bờ quận 12 với quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) có một người cựu giáo viên đã 16 năm nay ngày nào cũng lặng lẽ chở đò đưa khách qua sông và có nhiều lứa học trò nhờ con đò nhỏ của ông mà đã không phải bỏ học giữa chừng, như được chắp thêm cánh thực hiện những ước mơ bay cao...


Cầm cố vườn tược để chèo đò

Chuyện ông giáo Nguyễn Thanh Hòa làm nghề chèo đò người dân sống dọc con sông Vàm Thuật hầu như ai cũng biết. Tiếng lành đồn xa, vào một ngày trung tuần tháng 6, tôi tìm đến bến đò An Phú Đông để gặp "ông Tám Hòa" - cái tên thân thương mà người dân địa phương dành cho ông. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là một ông già đã ngoài 70 tuổi, tóc bạc phơ đứng đầu mũi phà đang cất giọng hào sảng: "Bà con lên từng người một, đừng chen lấn", "Anh em trong đội phà nhớ hướng dẫn và sắp xếp an toàn cho bà con trước khi di chuyển nhé". Ông liên tục dặn dò, rồi tự tay lấy từng chiếc áo phao khoác lên người hành khách, người già cả, ốm yếu được ông ân cần dìu lên phà… Thấy tôi tỏ vẻ dè dặt, ông liền ôn tồn: "Chú cứ mạnh dạn đi vài ba chuyến xem sao". Nói xong ông đưa tôi lên phà và khi đi được vài vòng tôi mới vỡ ra vì sao người dân địa phương vẫn thường gọi là "bến đò nghĩa tình", bởi cứ mỗi lần phà di chuyển cũng là lúc ông trải lòng với sông nước, đất trời lẫn con người xung quanh…


Ông Hòa khoác từng chiếc áo phao cho hành khách qua sông.

Khi mặt trời đứng bóng, ông Tám Hòa giao việc cho anh em trong đội phà rồi dẫn tôi về nhà. Ông nói: "Trước khi hàn huyên phải lai rai mấy chén, nghe chút đờn ca mới có hứng chú ơi". Câu chuyện của thầy giáo già trường làng cứ thế cuốn theo từng hơi men. Năm 1965, ông Hòa bắt đầu nghiệp "gõ đầu trẻ" ở một ngôi trường cấp II tại một vùng sâu nay thuộc tỉnh Đồng Nai. Đến năm 1994, ông về nghỉ hưu tại quê vợ - xã An Phú Đông (huyện Hóc Môn, nay là phường An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh) sau gần 30 năm dạy học. Nghỉ hưu theo chế độ "một cục" (theo cách người ta vẫn thường gọi) với khoản trợ cấp không đáng kể, gia đình ông nằm trong diện nghèo của địa phương. Cũng bởi vậy vợ chồng ông phải bươn chải đủ nghề để nuôi hai đứa con ăn học. Từ chạy xe đạp thồ, bốc vác, làm thuê cho đến mở tiệm sửa xe đạp... ông chẳng quản ngại gì nhưng cái nghèo vẫn đeo bám.

Cuộc sống bươn chải hằng ngày khiến ông Hòa thường xuyên chứng kiến cảnh đám học trò chen chúc nhau trên một con đò nhỏ cũ nát để tới trường. Nhìn con đò chông chênh mỗi khi gặp mưa gió, nhiều lúc như muốn lật úp khiến tim ông như thắt lại vì lo âu. Bao đêm ông nằm trằn trọc suy nghĩ, quyết tâm phải làm được cái gì đó… Thế rồi vào năm 1996, ông đứng ra đấu thầu mở bến đò trên sông Vàm Thuật. Ngày cái tin ông giáo Hòa "nghèo rách mồng tơi" đứng ra chèo đò khiến người dân An Phú Đông không khỏi hoài nghi. Nhưng lòng quyết tâm cao hơn tất cả, ông Hòa cầm cố ruộng vườn, dành dụm tiền thuê ghe mới đưa đón người dân qua sông. Hoạt động được bốn năm, ông lại băn khoăn: "Cần phải mở được những chuyến phà, đưa mọi người qua sông mới an toàn. Nhưng biết tìm vốn ở đâu?". Tâm nguyện của ông được đền đáp khi tình cờ ông quen một người cán bộ ngân hàng cũng thường xuyên đi lại qua đây và cũng có chung suy nghĩ với ông. Thế rồi chiếc phà đầu tiên trị giá 30 triệu đồng đã ra đời vào năm 2000. Bà Hoàng Thị Minh Thúy (ngụ 2552/2A đường Vườn Lài, phường An Phú Đông), nguyên Giám đốc Ngân hàng NN và PTNT huyện Hóc Môn, nhớ lại: "Biết được câu chuyện trên và quyết tâm sắt đá của thầy Tám Hòa, tôi đã đứng ra bảo lãnh cho ổng vay 30 triệu đồng. Mặc dù số vốn cũng ít ỏi nhưng thú thực lúc đầu tôi cũng hơi e ngại, nhưng cuối cùng ông Hòa đã làm được và trả nợ ngân hàng trước thời hạn 6 tháng". Năm năm sau, ông lại "dở chứng", tiếp tục cầm cố vườn tược, nhà cửa để nâng cấp bến đò, đóng thêm vài chiếc phà mới để đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con. Hiện nay, ông Hòa đang sở hữu 4 chiếc phà máy, trung bình mỗi ngày chở gần chục ngàn lượt người và phương tiện qua sông. Bến đò An Phú Đông không những được Ban An toàn giao thông TP nhiều năm liền đánh giá là bến phà "an toàn, văn minh, lịch sự", mà còn được xem là mô hình "bến đò tình thương" của cả TP.

16 năm không tăng giá

Hẳn bất cứ ai đến bến phà này cũng không khỏi ngạc nhiên khi trên bảng thông báo giá cước qua phà ghi: "Người đi bộ 500 đồng/người/lượt; người + xe đạp 800 đồng/lượt; người + xe máy 1.000 đồng/lượt". Riêng học sinh, sinh viên, những người địa phương có hoàn cảnh khó khăn, hoặc có việc khẩn cấp thì được ông Hòa cho miễn phí hoàn toàn. Chẳng những vậy, nhiều người nghèo tại địa phương còn được ông giúp đỡ tiền bạc và nhiều thứ vật dụng khác. Không ít học trò, sinh viên nghèo còn được ông cho tiền ăn sáng, mua sách vở, quần áo… Chính sự tận tâm cộng với mức giá cước "chẳng giống ai" đã dần chiếm được tình cảm và sự tín nhiệm của người dân, khách đi phà vì thế ngày càng đông. Em Nguyễn Ái Thi, học Trường THCS An Phú Đông, chia sẻ: "Hiếm có bến phà nào như bến này, bởi ở đó có thầy giáo Tám Hòa, chẳng những học sinh chúng em được đi đò miễn phí, mà còn được thầy ân cần hỏi chuyện học hành, chỉ bảo bài vở hay đưa ra những lời khuyên rất bổ ích…". Những câu chuyện người ta kể về ông Hòa thấm đẫm tình người như "cổ tích giữa đời thường", đó là chuyện ông một mình chèo đò đưa người phụ nữ sắp lâm bồn qua sông lúc 2 giờ sáng, dạy học miễn phí cho những em học sinh nghèo nhà ven sông, giúp đỡ từng thân phận nghèo…

Mặc dù luôn phải "chiến đấu" với bao nỗi lo "cơm áo gạo tiền" của cuộc sống đời thường (đơn cử như chuyện năm nào cũng như năm nào giá xăng dầu từ đầu năm tới cuối năm thường tăng đến vài lượt), thế nhưng đã 16 năm nay bến phà An Phú Đông vẫn không tăng giá vé. Chuyện lời lãi gần như không có, thậm chí chi phí bảo trì máy móc, nhiên liệu, lương nhân viên... còn thường vượt quá cả số tiền thu được.

Có một điều ít ai biết là vì kiên quyết đầu tư sắm phà để đem lại sự an toàn cho khách, kiên quyết không tăng giá vé trong 16 năm qua đã khiến ông Hòa lâm vào cảnh nợ nần, phải cầm cố cả căn nhà gia đình ông đang sống. Nói về ông, anh Trương Văn Quang, Chủ tịch Công đoàn phường An Phú Đông, cho biết: "Bến đò An Phú Đông tồn tại từ bao đời nay nhưng phải đến chú Tám Hòa đứng ra làm mới quy củ và an toàn. Hằng năm dù khó khăn đến đâu chú cũng trích một phần kinh phí ra làm từ thiện, tích cực đóng góp vào các cuộc vận động của phường phát động".

Nghe vậy mà tôi không khỏi chạnh lòng bởi biết rằng hằng tháng người chở đò đáng kính ấy vẫn phải gồng mình trả lãi ngân hàng tới hàng chục triệu đồng. Lúc chia tay, tiễn tôi ra cửa, ông giáo già còn bày tỏ: "Bao giờ Nhà nước cho xây một cây cầu để thỏa mãn ước mong sâu thẳm từ bao đời nay của người dân?". Chứng kiến sự tâm huyết cũng như nghĩa cử cao đẹp của người thầy giáo già, song thực tế không khỏi khiến tôi băn khoăn: "Cứ kéo dài tình trạng như thế này thì không hiểu bến phà có thể tồn tại được bao lâu nữa, nếu không có sự chung tay góp sức của các cơ quan chức năng của TP cũng như chính quyền địa phương?".

Hà Tuấn