Bình ổn giá: Ai là người được hưởng lợi?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 02/07/2012

(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2012 với tổng số vốn thực hiện hơn 370 tỷ đồng.


Số tiền này được lấy từ quỹ dự trữ tài chính thành phố, được tạm ứng để chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức bán ra các mặt hàng bình ổn giá phục vụ nhu cầu từ tháng 5-2012 đến hết tháng 4-2013, đáp ứng nhu cầu bình ổn giá 10 nhóm mặt hàng thiết yếu là gạo tẻ; thịt lợn; thịt gia cầm; trứng; thực phẩm chế biến; thủy hải sản tươi, đông lạnh; dầu ăn; đường; rau củ tươi và giấy vở học sinh. Trường hợp thị trường có biến động, mức giá DN được phép điều chỉnh phải thấp hơn 10% giá thị trường.


Việc triển khai bán hàng bình ổn giá chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Linh Ngọc

Từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình bán hàng bình ổn giá (BÔG) nhưng đánh giá chung là chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân được chỉ ra là lượng hàng hóa quá ít, mới chỉ đạt khoảng 8%-10% doanh số tiêu dùng xã hội (theo Sở Công thương, một tháng Hà Nội tiêu dùng khoảng 5.000 tỷ đồng tiền hàng hóa, nhưng thành phố mới đưa ra hơn 370 tỷ đồng để cung cấp hàng BÔG thì chỉ bằng chưa đến 10%); số lượng nhóm hàng cũng ít (mới chỉ có 10 nhóm hàng) và mặt hàng cũng vậy (như dầu ăn có hơn 20 loại, nhưng hàng BÔG chỉ có 2-3 loại, gạo có 50 loại thì hàng BÔG cũng chỉ có 5-6 loại…); đối tượng phục vụ lại chưa đúng vì hiện 70%-80% hàng hóa BÔG nằm ở nội thành và bày bán trong siêu thị, được coi là chỉ phục vụ cho các đối tượng là những người có thu nhập trung bình khá; các đối tượng thu nhập thấp, người nghèo ở nông thôn, khu công nghiệp, sinh viên được hưởng rất ít. Thỉnh thoảng các DN mới đưa hàng về nông thôn thông qua những buổi bán hàng lưu động, những "phiên chợ quê" nhưng cũng chỉ diễn ra trong một vài ngày, hàng hóa lại không phù hợp, chủng loại cũng nghèo nàn…

Vấn đề đáng quan tâm nữa là cơ chế BÔG đã tạo ra chính sách hai giá - là chính sách rất lỗi thời của thời bao cấp mà phấn đấu mãi chúng ta mới xóa bỏ được. Người tiêu dùng dễ thấy là những siêu thị bán hàng BÔG thì có giá bán khác so với siêu thị không được tham gia bán hàng BÔG. Từ đó tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Đáng lưu ý là, ở TP Hồ Chí Minh, Sở Công thương tổ chức đấu thầu về giá cho các DN tham gia bán hàng BÔG nhưng Hà Nội lại dùng biện pháp chọn (trong quy chế năm nay còn ghi rõ "ưu tiên những DN đã tham gia chương trình năm 2011"(!) khiến nhiều DN muốn tham gia cũng không dễ). Việc làm này không chỉ tạo ra cơ chế "xin - cho", gây bất công, bất bình đẳng giữa các DN mà còn tạo ra tiêu cực trong cả cơ quan có trách nhiệm cấp vốn BÔG lẫn DN có nhu cầu. Ngoài ra, chính sách hai giá cũng bị tư thương lợi dụng, đi mua vét những hàng hóa BÔG với giá thấp để tích trữ, bán lại cho người tiêu dùng với giá cao.

Một tồn tại nữa mà chương trình bán hàng BÔG thời gian qua bộc lộ là tạo ra việc ép giá mua bởi muốn bán giá thấp, DN bán hàng phải yêu cầu bên giao hàng hạ giá, như vậy là gián tiếp triệt tiêu sản xuất xã hội. Trong khi các DN có các nguồn cung (đầu vào) khác nhau, việc Sở Công thương yêu cầu các DN phải bán ra cùng một giá là việc làm không phù hợp, không có tính dẫn dắt thị trường. Điều hành như vậy sẽ làm mất đi sự cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra cũng phải nói rằng, không nên tham bình ổn nhiều mặt hàng mà chỉ nên tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng nhiều đến đời sống xã hội.

Là người hoạt động lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thương mại, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, theo lý thuyết kinh tế thương mại, khi hàng hóa chiếm thị phần khoảng 60%-70% thì mới có thể chi phối được giá cả. Việc không có lực lượng hàng hóa mà lại muốn áp đảo về giá cả thị trường là duy ý chí. Thế nên, nếu muốn "hạ nhiệt" giá cả hoặc giúp người thu nhập thấp, người nghèo trong cơn bão giá, thay vì rót tiền cho DN để bán hàng BÔG, thành phố nên chọn cách làm thiết thực là cấp tiền từ quỹ BÔG cho người sản xuất, người chăn nuôi, cho các nhà máy… để từ đó bảo đảm được nguồn cung với giá thấp cho các đại lý, cửa hàng, siêu thị… bán lẻ tới tay người tiêu dùng. Có thực tế là, hiện nay rất nhiều nông dân muốn mở rộng quy mô chăn nuôi lợn, gà, rau củ quả và chế biến thực phẩm nhưng thiếu vốn, dẫn đến sản xuất không phát triển, nguồn cung bị hạn chế. Khan hàng thì chúng ta phải giải quyết từ nguồn cung chứ không phải giải quyết từ khâu bán lẻ.

Phải nói rằng, BÔG là một chính sách cần thiết, có ý nghĩa xã hội cao, đặc biệt khi năm nay được triển khai trong lúc chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức thấp, sức mua xã hội giảm sút. Vấn đề là phải khắc phục được những tồn tại, những bất cập nảy sinh. Có thế, tiền tỷ mà Nhà nước bỏ ra mới có tác dụng, hiệu quả đến được với người tiêu dùng và đạt được mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội đã đề ra.

Đỗ Tâm