Lãng phí cũng là phạm tội!
Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 02/07/2012
Từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã coi phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng yếu và cấp bách. Thế nhưng, so với tham nhũng thì lãng phí chưa được nhận diện đúng mức cả về quy mô, mức độ tác động đến đời sống xã hội.
Tham nhũng biến tài sản công thành tài sản riêng và được sử dụng đâu đó trong xã hội, còn lãng phí là đánh mất nguồn lực. Do vậy xét trên nhiều khía cạnh, những tổn thất mà tệ nạn lãng phí gây ra rất nghiêm trọng. Lãng phí, do đó, là một nguyên nhân quan trọng kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước.
Có thể nhìn nhận lãng phí ở nhiều biểu hiện khác nhau: Lãng phí chính là chi cho những việc không đáng chi và chi ở những mức không đáng chi; lãng phí là sử dụng không hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực của quốc gia, của từng cá nhân cụ thể; hoặc có thể hiểu một cách nôm na nhưng cũng rất rõ ràng: Lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên, lãng phí chất xám, lãng phí thời gian, lãng phí cuộc đời mỗi con người… Lãng phí có ngay trong tư duy của mỗi con người qua các biểu hiện lệch lạc như thói xa hoa, phô trương hình thức, vung tay qua trán, sống hôm nay không biết ngày mai… và là một căn bệnh nguy hiểm với bất kỳ loại hình xã hội nào. Thế nhưng thái độ của xã hội hiện tại với vấn nạn này lại rất đáng để suy nghĩ.
Lãng phí giờ đây đã trở thành một phần trong cách sống của mỗi con người. Nhận định này có căn cứ bởi ở một góc độ, có thể thấy lãng phí của công, đầu tư không hiệu quả trong kinh tế không chỉ vì cơ chế hay quản lý yếu kém, mà nhiều hơn do văn hóa và nhận thức của mỗi con người.
Quan điểm sử dụng đồng tiền để khẳng định "đẳng cấp", sự sang trọng, với đủ kiểu "hàng hiệu"… đang ngày càng phổ biến, không chỉ ở tầng lớp trên và những người có nhiều tiền. Không ít bạn trẻ sống bằng mồ hôi, công sức của cha mẹ nhưng sẵn sàng mua những chiếc túi xách đeo vai vài ba chục triệu đồng, đôi giày mười mấy triệu đồng… quần áo, điện thoại di động đắt tiền thay xoành xoạch, chưa kể những ô tô "xịn" trị giá hàng tỷ đồng… Ở nhiều vùng nông thôn, có không ít người đã đập phá ngôi nhà mới xây được vài năm để dựng lên trên nền cũ những ngôi nhà mới đẹp hơn cho "bằng anh bằng em". Rồi những đám cưới "siêu xe", "siêu sang" lan từ Nam ra Bắc... Sự quá đà trong cách chi tiêu của một bộ phận cư dân không còn là bệnh sùng bái hàng ngoại mà thật sự là biểu hiện rất đáng lo ngại về sự sa sút trong văn hóa ứng xử, văn hóa tiêu tiền.
Nhiều người nói: "Tiền của tôi thì tôi có quyền tiêu". Đương nhiên là như vậy. Luật pháp không thể cấm người ta tiêu những đồng tiền kiếm được một cách hợp pháp. Thế nhưng nhìn từ góc độ xã hội, thói tiêu pha rửng mỡ, những cuộc hoang chơi thừa mứa có thể tính bằng hàng chục năm dành dụm của những người nông dân chân lấm tay bùn, là biểu hiện của sự vô cảm.
Bệnh hình thức là cha đẻ của bệnh quan liêu và lãng phí. Nhà nước đã và đang ban hành nhiều chính sách, đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng căn bệnh này không bị đẩy lùi. Khoan nói đến chuyện lãng phí trong việc tổ chức hàng nghìn lễ hội mỗi năm, có cơ quan bỏ tới vài ba tỷ đồng để xây cổng ra vào trụ sở, mua sắm ô tô vượt chỉ tiêu, tiêu chuẩn… Không ít tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ nhưng vẫn bỏ "tiền tấn" thuê khách sạn sang trọng, mời khách nườm nượp kèm theo các món quà hậu hĩnh chỉ để công bố chương trình tiết kiệm của mình, đã cho thấy căn bệnh hình thức phát tác thế nào trong cơ quan nhà nước. Và với tư duy như vậy, thì việc vung tay tiêu "tiền chùa" (tiền từ ngân sách nhà nước) cho những cuộc tiếp khách linh đình, những chuyến liên miên công tác nước ngoài hay sử dụng điện thoại, điện, nước một cách thoải mái… cũng là bình thường. Nhưng điều đáng lo ngại là những biểu hiện của sự lãng phí lại được số đông chấp nhận, coi đó là bình thường và cán bộ công chức, những người được trao quyền quản lý xã hội, không coi sự lãng phí là… lãng phí.
Nếu làm phép so sánh, có thể thấy lãng phí trong chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước chưa thấm vào đâu so với lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công và hệ lụy do thiếu tri thức, thiếu tầm nhìn và tư duy nhiệm kỳ mang lại. Chuyện đất bờ xôi ruộng mật trở nên hoang hóa đến đau lòng vì dự án chậm triển khai; chuyện thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trong đầu tư của một số "đầu tàu" của nền kinh tế đã được phơi ra trước công luận, để lại nhiều bài học đau đắng, có lẽ không cần bàn thêm. Nhưng việc tỉnh, thành nào cũng muốn có công trình trọng điểm, khu công nghiệp, cũng muốn làm sân bay, xây cảng biển, rất đáng để suy nghĩ. Chưa nói đến chuyện vụ lợi, với tư duy người khác có thì mình cũng phải có và chủ trương quy hoạch, đầu tư như hiện nay, thì hiện tượng các khu công nghiệp, cảng biển chồng lấn nhau, phá vỡ tính liên kết, tạo sự cạnh tranh không đáng có… sẽ dẫn đến kết cục tất yếu là lãng phí cực lớn… Việt Nam là nước nghèo, việc đầu tiên là phải sử dụng đồng vốn cho hiệu quả nhưng thực tế không như vậy. Đây là những biểu hiện lãng phí ở cấp độ cao. Đương nhiên, mức độ nguy hại cũng rất nghiêm trọng.
Trong thời đại mà thông tin và tri thức có vai trò quyết định đối với sự phát triển, chất lượng nguồn nhân lực và trí tuệ con người có vai trò đặc biệt quan trọng. Một công trình khoa học bị bỏ ngăn kéo đã là lãng phí, nhưng đầu tư quá nhiều vào các công trình không có tính ứng dụng cao, thực tế lại lãng phí nhiều hơn. Trong nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa hiện nay, sự thụt lùi về thông tin, khoa học công nghệ sẽ phải trả giá rất lớn, thậm chí có thể là đánh mất những cơ hội phát triển của cả đất nước.
Tham nhũng bị liệt vào tội phạm. Nhưng kết tội tập thể, cá nhân cơ quan nhà nước lãng phí rất khó, dù hậu quả của nó rất nặng nề. Còn thói lãng phí của người dân thì không thể kết tội. Không có luật lệ nào kết án những người lãng phí của cải do chính họ làm ra.
Vậy, chống lãng phí từ đâu?
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào cuộc sống từ năm 2005, nhưng lãng phí vẫn là căn bệnh trầm kha. Do vậy, chống lãng phí cần được thực hiện ở một cấp độ mới, cao hơn, quyết liệt hơn và trước hết là việc thay đổi tư duy của người dân và cả xã hội đối với tệ nạn này. Đã đến lúc phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng lãng phí ở nước ta đã đến mức báo động đỏ. Thay vì coi lãng phí như một thứ tệ nạn xã hội, một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, cần nhìn nhận lãng phí là tội ác, là quốc nạn. Bởi thực tế, lãng phí lan tràn trên diện rộng đã và đang gây ra những hệ lụy không thể đo đếm cho sự phát triển của đất nước.
Hình thành thói quen tiết kiệm trong mỗi người dân, xây dựng một xã hội tiết kiệm có lẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để chống lãng phí. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng". Nếu mỗi người đều học và làm theo Bác sẽ tạo được một thói quen tiết kiệm.
Cũng như phòng chống tham nhũng, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm đòi hỏi những giải pháp cấp bách và lâu dài. Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan nhà nước và sự đồng thuận của người dân trong việc tẩy trừ tệ nạn này. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chống lãng phí, thực hành tiết kiệm gắn với cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân thì việc điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản quốc gia cần phải được coi là nhiệm vụ cấp bách. Bên cạnh đó là tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công, hoạt động của các tổ chức tín dụng... Và một vấn đề không kém phần quan trọng là phải nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ công chức - những người được trao trách nhiệm về quản lý nhà nước. Bởi nhiều khi chính sách được ban hành đúng, nhưng người thừa hành không có đủ năng lực triển khai. Căn bệnh của nhiều công chức hiện nay là không am tường công việc và không dám chịu trách nhiệm. Thay vì phải quyết một công việc thuộc về trách nhiệm của mình, họ đưa vấn đề ra bàn bạc và lấy ý kiến số đông. Họp hành liên miên, lãng phí thời gian, chính sách không được triển khai có hiệu quả lại thêm một lần lãng phí.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, mỗi giọt nước, mỗi giọt xăng, mỗi viên than, nếu sử dụng lãng phí hôm nay sẽ không còn cho các thế hệ tương lai. Đã đến lúc thay vì buộc trẻ thuộc lòng những bài học kiểu đất nước rừng vàng, biển bạc, đồng ruộng phì nhiêu, đủ bốn mùa hoa trái… hãy dạy con cái chúng ta biết cách vật lộn với tri thức để sinh ra của cải vật chất, biết làm giàu bằng trí tuệ và biết chắt chiu cho bản thân mình. Nếu ai đó không biết tiết kiệm cho chính mình, không thể hy vọng họ tiết kiệm cho đất nước. Nếu mỗi con người không biết tiết kiệm không thể tạo ra một xã hội tiết kiệm. Thay đổi nhận thức của xã hội với các biểu hiện lãng phí là hết sức cần thiết và giáo dục có vai trò quan trọng.
Hãy chống lãng phí từ việc thay đổi tư duy và lối sống để góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử mới phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.