Cần hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa

Kinh tế - Ngày đăng : 08:37, 30/06/2012

(HNM) - Sau 38 tháng tăng liên tục, lần đầu tiên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã giảm 0,26%. Ngoài những nguyên nhân khách quan giúp CPI


Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc nới lỏng chính sách tiền tệ (CSTT) và chính sách tài khóa (CSTK) để giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng ảm đạm hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, việc điều tiết hài hòa hai chính sách tiền tệ và tài khóa sao cho phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay sẽ đóng vai trò quan trọng. Bởi, nếu chúng ta "xả van" quá liều, lạm phát có thể trở lại bất cứ lúc nào.


Sức mua suy giảm do các gia đình thắt chặt chi tiêu. Ảnh: Đàm Duy

Lượng hàng tồn kho tăng

Theo Tổng cục Thống kê, CPI cả nước tháng 6 đã giảm 0,26% so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng tăng liên tục. So với tháng 12 năm 2011, CPI chỉ tăng 2,52%, còn so với đầu năm nay, lạm phát đã giảm từ mức 17,27% xuống mức 2,52%. 5/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa tính CPI giảm giá. Trong đó, nhóm có giảm lớn nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm 0,23%.

Mặc dù giá nhiều mặt hàng đang giảm mạnh, song những khó khăn của nền kinh tế đã khiến người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu dẫn đến tình trạng sức mua trên thị trường giảm mạnh. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho của các DN lại ở mức khá lớn. Theo Bộ Công thương, tháng 5-2012 tỷ lệ hàng tồn kho của DN ở mức cao. Trong đó, nhóm chế biến và bảo quản rau quả có lượng hàng tồn kho tăng 123,2%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 62,8%; xi măng 52,3%; mô tô, xe máy: 42,3%; Sản xuất giường, tủ, bàn ghế: 10,4%; thuốc, hóa dược và dược liệu: 9,6%... Nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu đang phải đối phó với nhiều khó khăn vì lượng hàng tồn kho tăng cao do không tiêu thụ được. Thực trạng này là một trong những nguyên nhân khiến sản xuất trở nên đình đốn hơn. Một DN kinh doanh trong lĩnh vực dệt may cho biết, sức mua mặt hàng quần áo hiện rất thấp, khiến lượng hàng tiêu thụ của công ty giảm 30-40% so với cùng kỳ. Các DN phân phối cũng rơi vào tình trạng ảm đạm khi liên tục khuyến mãi, giảm giá 20-50% để kích thích sức mua, nhưng kết quả vẫn không như kỳ vọng.

Nhận xét về lần đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng tăng liên tục, TS Vũ Đình Ánh, Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, diễn biến này không bất ngờ vì xu hướng giảm giá đã diễn ra từ đầu năm với các nhóm lương thực, thực phẩm, nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt, hiện tượng giảm giá tiêu dùng của hai "đầu tàu" kinh tế là Hà Nội (giảm 0,17%) và TP Hồ Chí Minh (giảm 0,43%) đã kéo giảm CPI cả nước "hạ nhiệt". Mặt khác, theo quy luật, CPI của tháng 6 và quý II thường là thời điểm có mức tăng thấp nhất trong năm. Nhìn từ số liệu CPI 6 tháng, mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2012 ở mức 7-8% là hoàn toàn có thể đạt được, nhưng "kịch bản" giảm phát cũng đang dần trở thành hiện thực. Với tình trạng đình đốn sản xuất như hiện nay, kết hợp với xu hướng giảm giá của các nguyên liệu đầu vào và tăng trưởng tín dụng thấp, dự báo CPI quý III-2012 sẽ ở mức thấp.

Nới lỏng tiền tệ phù hợp

Theo các chuyên gia kinh tế, giảm phát là sự giảm mức giá cả hàng hóa chung trong nền kinh tế. Khi CPI ở mức âm, có thể gọi đó là giảm phát. Tuy nhiên, để khẳng định rằng nền kinh tế đang trong thời kỳ giảm phát, CPI phải rơi vào tình trạng âm (-) liên tục trong vài tháng. Về lý thuyết, giảm phát xảy ra do bốn nguyên nhân: giảm cung tiền; tăng sản lượng chung; giảm tổng cầu và tăng cầu tiền. Trong đó, giảm tổng cầu là nhân tố quan trọng, bởi đây là hệ quả của việc CSTT bị thắt quá chặt, khiến mặt bằng lãi suất cao, cầu tiêu dùng và cầu đầu tư chung trong nền kinh tế giảm xuống. Việc mở rộng CSTT là giải pháp thường thấy khi giảm phát xảy ra, tuy nhiên nếu chúng ta "mở van" quá nhanh và liều lượng không phù hợp một chu kỳ bong bóng tài sản và lạm phát mới sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào. Nguyên nhân là do năng lực sản xuất của nền kinh tế không kịp đáp ứng với sự gia tăng của cung tiền. Trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ nên mở rộng tiền tệ sao cho mức lãi suất cho vay là 11-14%/năm để DN có thể tiếp cận được thay vì đưa ra các gói cứu trợ hay kích thích.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright lại cho rằng, sự phối hợp giữa CSTK và CSTT là tối quan trọng giúp bảo đảm cân đối vĩ mô. Khi CSTK chi tiêu quá nhiều, CSTT phải có biện pháp để giảm sự "hưng phấn" đó. Ngược lại, khi CSTT tăng lượng cung tiền tín dụng quá lớn, CSTK phải lùi lại một chút nhằm điều phối hài hòa giữa hai chính sách này. Nhìn vào tổng quan của nền kinh tế hiện nay, khi DN không bán được hàng, chỉ số tồn kho quá lớn, thì CSTK cần được điều tiết hợp lý nhằm thúc đẩy đầu ra bằng cách tăng chi tiêu, qua đó giúp tiêu thụ sản phẩm tồn kho. Như vậy, dòng hàng hóa cũng như dòng tiền tệ sẽ quay vòng nhanh hơn và chúng ta có thể khởi động chu kỳ mới của nền kinh tế. Nhưng, quan trọng hơn cả là phải có kỷ luật tài khóa chặt chẽ, minh bạch, bảo đảm CSTK không chỉ hướng tới tăng trưởng mà còn giúp thị trường, người dân hiểu rõ hơn về thực trạng của nền kinh tế, từ đó tạo ra sự ổn định lâu dài cho đất nước.

Hương Ly