Đình công dưới góc nhìn người lao động

Đời sống - Ngày đăng : 08:02, 30/06/2012

(HNM) - Tranh chấp lao động, đình công, lãn công, ngừng việc tập thể đang có xu hướng gia tăng cả về quy mô, thời gian và địa bàn, gây tổn hại, không chỉ về kinh tế, cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng này là do các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.


Lợi ích của người lao động bị lãng quên


Khảo sát 6.042 người lao động (NLĐ) và cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn cơ sở tại 69 DN trong đó chủ yếu là các DN có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong hai năm 2010-2011 của Viện Tâm lý học cho thấy, nguyên nhân lớn nhất, chiếm đến 87,8%, dẫn tới các cuộc tranh chấp lao động và đình công là lợi ích của người lao động không được bảo đảm. Dù tiền lương mà DN trả cho NLĐ đều cao hơn mức lương cơ bản do Nhà nước quy định, khoảng 2 triệu đồng/tháng, song 68,5% NLĐ cho biết, mức lương đó không đủ chi tiêu cho cuộc sống của họ. Chỉ riêng tiền ăn và tiền thuê nhà đã chiếm gần hết thu nhập, cụ thể 45,5% số NLĐ được khảo sát tiêu từ 350 nghìn tới 500 nghìn đồng/tháng cho thuê nhà, 37% chi từ 600 nghìn tới 1 triệu đồng/tháng cho tiền ăn.


Lợi ích của người lao động không được bảo đảm, dẫn đến các cuộc đình công.
Ảnh: Bảo Lâm

Chỗ ở tại các khu công nghiệp và chế xuất là một vấn đề nan giải hiện nay đối với NLĐ. Theo kết quả điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì chỉ có 2-7% công nhân được thuê nhà ở do Nhà nước, DN xây dựng, còn lại phải tự thuê chỗ ở. Ngoài ăn, ở họ cũng phải mua sắm quần áo, giày dép, đồ dùng sinh hoạt cần thiết... Đó là chưa kể khoản chi cho chăm sóc con cái nếu đã lập gia đình, riêng tiền gửi trẻ đã mất từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng.

Điều tra cũng cho thấy hơn một nửa số lao động không tiết kiệm được; 1/3 số lao động được hỏi nói rằng để giành được 500 nghìn - 1 triệu đồng/tháng và 11,5% tiết kiệm được trên 1 triệu đồng/tháng nhờ tiền làm thêm giờ và thuộc đối tượng là cán bộ quản lý cấp trung gian. Không dành dụm được nên NLĐ rất khó khăn khi ốm đau, họ cũng không gửi được tiền về quê cho gia đình và nhiều người không có tiền để về thăm nhà vào dịp lễ, tết.

Khi thu nhập thấp, NLĐ ít có điều kiện tham gia các sinh hoạt văn hóa. Khảo sát cho thấy hơn 2/3 số người được hỏi không có tiền để đi xem phim, ca nhạc. Đời sống tinh thần của công nhân tại các khu nhà trọ rất nghèo nàn. Ngoài việc xem ti vi, họ ít được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí vì chủ DN không quan tâm, công đoàn không có kinh phí, các khu nhà trọ không có không gian để tổ chức... Theo số liệu điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì chỉ ít người xem truyền hình, đọc báo, nghe đài mà cũng chỉ là "thỉnh thoảng".

Điều kiện làm việc tồi, thời gian làm việc tăng

Có 87,5% NLĐ cho rằng điều kiện làm việc không được bảo đảm. Tại hầu hết các DN mà đề tài khảo sát, điều kiện làm việc chưa đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường. Ở các công ty chế biến thủy sản, không khí bị ô nhiễm do chất thải của tôm, cá nồng nặc. Tại các công ty sản xuất đồ chơi, dệt may thì bụi vải mù mịt, còn ở các công ty cơ khí thì tiếng ồn vượt mức quy định. Nhiệt độ ở các phân xưởng tăng một cách bất thường do không có đủ quạt.

Cũng theo khảo sát của Viện Tâm lý, có tới 84,7% công nhân cho rằng thời gian làm việc bị kéo dài so với quy định. Theo thực tế tìm hiểu ở các doanh nghiệp thì hầu hết đều tăng ca để chạy theo hợp đồng, thời gian làm việc của công nhân thường kéo dài tới 10 giờ/ngày, nhiều người làm việc thêm 500-600 giờ/năm, trong khi Luật Lao động quy định, công nhân làm việc không quá 300 giờ/năm. Thường xuyên bị kéo dài thời gian làm việc, cường độ lao động cao khiến NLĐ căng thẳng, mệt mỏi và dẫn tới stress. Trong khi đó, có đến 69,5% số DN được khảo sát không quan tâm đến bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Tất cả những lý do trên dẫn tới việc đình công, bởi NLĐ không còn khả năng chịu đựng và họ nhận thấy tiền công làm thêm mà chủ doanh nghiệp trả cho họ không tương xứng với sức lao động mà họ bỏ ra.

Một hành lang pháp lý bắt buộc các DN phải thực thi trách nhiệm xã hội một cách đầy đủ và nghiêm túc để có thể vô hiệu hóa "ngòi nổ" của các cuộc tranh chấp lao động, đình công - là kiến nghị được các nhà nghiên cứu đưa ra sau điều tra, khảo sát.

Lâm Vũ