Loay hoay “bài toán” nước sạch nông thôn
Đời sống - Ngày đăng : 07:47, 30/06/2012
Trạm cấp nước xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ xây dựng xong nhưng chưa phát huy hiệu quả do nhu cầu dùng nước của nhân dân vẫn thấp.
Nước sạch thành hàng hóa đắt đỏ
Kết quả điều tra mới đây của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho thấy, trong tổng số 104 công trình cung cấp nước tập trung được đầu tư xây dựng ở khu vực ngoại thành, nhiều công trình vẫn chưa thể vận hành cung cấp nước sạch cho nhân dân ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Mỹ Đức... Do đó nước sinh hoạt của người dân hầu như phụ thuộc vào nguồn nước mưa, nước ao hồ, sông suối... Tại các xã Chàng Sơn (Thạch Thất), Trường Yên (Chương Mỹ), Thái Hòa, Cẩm Lĩnh... (Ba Vì), để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân phải bán thóc, gạo để mua nước về sử dụng. Phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn than thở: "Nước sạch ở nông thôn bây giờ trở thành thứ hàng hóa đắt đỏ"…
Ông Lê Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, đến nay, 84% dân số nông thôn (tương đương gần 3,3 triệu người) được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 32% dân số (tương đương gần 1,3 triệu người) được sử dụng NS theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trên thực tế, chỉ có 2% dân số nông thôn được sử dụng NS từ hệ thống cấp nước đô thị, chủ yếu là dân cư ở các huyện Thanh Trì và Từ Liêm, 7,9% sử dụng từ các công trình cấp nước tập trung nông thôn, còn lại 74,1% dân số phải tự túc lo nước hợp vệ sinh tại hộ gia đình. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, nguồn nước ở nông thôn đang dần cạn kiệt và bị ô nhiễm. Hiện có tới 50% số trạm cấp nước tập trung ở nông thôn thuộc các huyện Ứng Hòa, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm, Chương Mỹ... có hàm lượng amôni vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 đến 4,8 lần, 12 trạm có độ ôxy hóa KMnO4, 12 trạm có độ đục, PH và hàm lượng colifom cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Với các công trình cấp nước nhỏ tại hộ gia đình, phần lớn có hàm lượng sắt, asen, amôni cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2-10 lần, tập trung tại các huyện Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa...
Quy rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp
Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn ở xóm Đình Đầu, xã Dương Liễu phải dùng nước giếng khoan để sử dụng cho sinh hoạt, mặc dù nhà ở ngay cạnh trạm cấp nước.
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Ông Lê Văn Dương cho biết, tỷ lệ dân số ở nông thôn được sử dụng NS theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế mấy năm qua chỉ tăng 0,65%/năm (tương đương 20.000 người/năm). Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn, đầu năm 2011, UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện "giải cứu" 16 trạm cấp nước nằm "đắp chiếu" tại một số huyện ngoại thành, đồng thời cho phép chuẩn bị đầu tư 6 công trình cấp nước tập trung quy mô liên xã. Thế nhưng, việc triển khai các công trình, dự án bị gián đoạn. Đến nay, mới chỉ có 3/16 trạm cấp nước hoàn thành đưa vào sử dụng. Nguyên nhân khiến nhiều trạm chưa được khôi phục là do vấp phải một số khó khăn như chưa kiểm kê định giá tài sản, chưa chuyển quyền sử dụng đất nên DN đảm nhiệm khôi phục trạm cấp nước thiếu căn cứ pháp lý để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư. Mặt khác, các DN và chính quyền địa phương gặp khó khăn do chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Đề cập đến vấn đề này, trong các cuộc họp bàn về quy hoạch nước sạch nông thôn Hà Nội, lãnh đạo một số sở, ngành của TP đã chỉ rõ cần xem xét lại trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo triển khai các dự án, công trình cấp nước sạch tập trung ở khu vực ngoại thành dẫn đến sự chậm hoàn thành các trạm cấp nước sạch cho nhân dân. Mới đây, trong cuộc làm việc với các sở, ngành về việc "giải cứu" các trạm cấp nước trên và việc lập quy hoạch cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt khá gay gắt trước sự lúng túng trong triển khai các dự án, chương trình cấp nước sạch nông thôn theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP. Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành liên quan và các huyện được thụ hưởng công trình cấp nước sạch liên xã khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để phê duyệt trước ngày 25-10-2012, đồng thời phải xây dựng và ban hành được quy định thực hiện Quyết định số 131 về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn.