Cần có lộ trình dài hạn, toàn diện
Kinh tế - Ngày đăng : 07:31, 30/06/2012
Nhiều DN thoi thóp và phá sản
Bốn tháng đầu năm, cả nước có trên 17.000 DN giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ. Trong số đó, DN thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chiếm 26,1%; DN ngành công nghiệp, khai khoáng chiếm 14,7%; ngành xây dựng và bất động sản chiếm 10,7% và ngành vận tải - kho bãi chiếm 9,9%.... Con số này bằng 47% năm trước, tăng tới 87% so với bình quân quý năm 2011. Cùng nằm trong dòng xoáy của suy giảm kinh tế, trong 5 tháng đầu năm Hà Nội đã có trên 7.000 DN ngừng hoạt động, bằng 68% năm 2011, trong đó DN tạm nghỉ kinh doanh quý I-2012 đã tăng 26% so với cả năm 2011. Ngoài ra, số DN kê khai lỗ tăng cao so với các năm trước.
Các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình kinh tế suy giảm hiện nay.Ảnh: Trung Kiên
Với các DN may mắn chưa phá sản thì phần lớn cũng đang sống thoi thóp và theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì nếu không có những giải pháp mạnh, có hiệu quả ngay thì số lượng các DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động sẽ còn tăng hơn nữa. Và những hệ lụy của nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Cho rằng việc đưa ra các giải pháp "cứu" DN còn chậm trễ khiến số DN giải thể, ngừng hoạt động tăng nhanh, nên tại kỳ họp đã có tới 95,79% đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường năm 2012. Tuy nhiên, dù nghị quyết đã có hiệu lực thi hành ngay sau đó, song không ít đại biểu băn khoăn, vì thực chất đây mới chỉ là những giải pháp có tính chất nhất thời, tình thế, cái DN cần là một chính sách vĩ mô, một lộ trình tương đối dài hạn và phải xem xét một cách toàn diện, bảo đảm tính cân đối.
Khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp
Ngoài các giải pháp miễn, giảm thuế cho DN đã được quy định tại nghị quyết, có thể nói, mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu dân cử cũng như DN hiện nay là làm sao giải quyết được tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" giữa DN và ngân hàng. Hiện phần lớn cơ cấu vốn của DN dựa vào ngân hàng, nhưng do lãi suất cao nên hầu như DN không tiếp cận được. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo sớm hạ lãi suất tín dụng vay ngân hàng. Có giải pháp cụ thể để các DN dễ tiếp cận vay vốn ngân hàng bằng cách khoanh các khoản nợ cũ của DN do tồn kho hàng hóa chưa bán được. Mặt khác, Chính phủ nghiên cứu tiếp tục giải ngân để các dự án trong kế hoạch trọng tâm đang còn dở dang sớm hoàn thiện đi vào hoạt động. Đồng thời có chính sách đối với hàng tồn kho, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản, lúa gạo, đặc biệt quan tâm các vùng khó khăn, vùng bị thiên tai, dịch bệnh và các doanh nghiệp, các hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Ngoài ra, phải có sự phối hợp giữa các chính sách một cách đồng bộ.
Theo ông Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bên cạnh việc đưa ra các mục tiêu, giải pháp đúng và trúng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, quan trọng nhất là cần triển khai các giải pháp đó phải hết sức khẩn trương, công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục. Có như vậy mới mong giải cứu DN thành công trước những ảnh hưởng nặng nề của suy giảm kinh tế.