Nơi tận cùng nỗi đau, chồi non vẫn mọc
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:17, 30/06/2012
Nhưng khi đến đây, bước chân qua cánh cổng sắt hoen gỉ trong một ngày hè oi bức, tràn vào mắt là màu xanh ngút ngàn của nhãn, của vải, cái cảm giác ngại ngần, e dè đột nhiên biến mất. Khoa điều trị nội trú của Trung tâm da liễu Hà Đông, Hà Nội khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều trong suy nghĩ của tôi. Và điều tôi bất ngờ hơn nữa là những khuôn mặt hồ hởi, những ánh mắt lấp lánh niềm vui, những bàn chân không còn lành lặn gá trên đôi nạng gỗ vẫn ra tận cổng đón khách…
Niềm vui của cụ bà Nguyễn Thị Nghị khi trò chuyện với thành viên nhóm Ước mơ xanh. |
Sự kỳ thị đáng sợ hơn bệnh tật
Được thành lập từ năm 1969, Khoa điều trị nội trú của Trung tâm da liễu Hà Đông, gọi tắt là Khoa phong, nằm tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai hiện có 91 bệnh nhân phong, trong đó có 23 người mất khả năng tự phục vụ, phải có người giúp đỡ trong sinh hoạt hằng ngày. Khoa gồm năm dãy nhà mái bằng được xây dựng khang trang, kiên cố nằm xen lẫn giữa rừng vải, nương ngô rộng đến 25ha, vừa là nơi ở của bệnh nhân và gia đình vừa là khu điều trị. Thời điểm mới được thành lập, nơi đây vẫn còn là một cánh rừng hoang, xen kẽ vài vạt ruộng của người dân bản địa. Nhưng từ khi biết có bệnh nhân phong về sinh sống, dân làng cứ dạt dần ra xa. Ngay cả khi đang cày cấy, thấy bóng người từ Khoa phong đi ra là người ta cắm đầu cắm cổ chạy. Thời đó, bệnh nhân phong hoàn toàn sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Cho dù cánh cổng sắt hoen gỉ kia không bao giờ khóa thì cũng chẳng lo có người xâm nhập. Không chỉ người ngoài mới sợ hãi, đến cả anh em ruột thịt cũng xa lánh người mắc bệnh phong.
Ông Trần Văn Quang, một bệnh nhân đã hơn 30 năm gắn bó với nơi này bùi ngùi: "Đây chính là quê hương tôi rồi, cả gia đình tôi làm gì còn quê nào để về nữa. Nghe bố tôi kể lại, quê gốc của tôi ở mạn Thường Tín nhưng từ khi cụ mắc bệnh phong, dạt đến Trung tâm phong Quả Cảm ở Bắc Ninh, gia đình bặt tin từ hồi đó. Bố tôi ở lại trung tâm, lấy mẹ tôi cũng là một bệnh nhân phong, sinh được ba anh em tôi rồi chuyển về Khoa phong này, tôi là con cả không may mắc bệnh còn hai em tôi vẫn khỏe mạnh. Những ngày ấy, bố tôi có lần báo tin về quê nhưng không ai nhận, cũng chẳng thấy người thăm nom, cụ buồn đến lúc nhắm mắt. Từ đó anh em tôi coi nơi này như quê cha đất tổ của mình, buồn vui gì cũng chỉ ở đây thôi. Vợ tôi cũng là bệnh nhân, sinh được ba con đều khỏe mạnh. Con cái lớn dựng vợ, gả chồng, lễ tết đều về đây, tôi giờ có hai đứa cháu ngoại rồi, chúng sinh sống ở nơi khác nhưng cũng gắn bó nơi này lắm…".
Bệnh nhân như ông Quang còn may mắn vì khi vào đây còn có một gia đình riêng, còn có nhiều cụ nay đã 80, 90 tuổi vẫn lủi thủi một mình. Hầu hết những người cao tuổi đều mang tật nặng nề - di chứng của những năm tháng khổ sở vì thiếu thốn thuốc men, lại bị kỳ thị, xa lánh, hắt hủi, phải sống vạ vật, chui lủi. Họ tìm được đến đây khi bệnh đã quá nặng, thuốc thang chỉ cứu được phần nào những bàn tay co quắp, bàn chân ngón còn ngón mất. Có đến hơn nửa số cụ bệnh nặng bị mất một hoặc cả hai chân, phải đi lại bằng chân giả hoặc nạng gỗ. Cơm đã có Nhà nước lo, ốm đau đã có bác sĩ, nhưng nỗi đau tinh thần khó có gì bù đắp nổi. Nhiều cụ sống ở đây từ ngày thành lập đến nay chưa được người thân đến thăm nom một lần càng làm tăng thêm nỗi buồn đau, mặc cảm về bệnh tật. Cụ nào trước khi nhắm mắt xuôi tay cũng chỉ có một ước nguyện được nhìn mặt người thân và gửi nắm xương tàn về nơi chôn nhau cắt rốn nhưng không phải ai cũng thực hiện được điều ước cuối cùng ấy.
"Chúng tôi sống với nhau hơn anh em ruột thịt. Anh em ruột thịt có thể bỏ chúng tôi nhưng chúng tôi sống với nhau cả đời, chúng tôi không bao giờ bỏ nhau". Tôi ấn tượng câu nói giản dị mà sâu sắc này của một người phụ nữ trong Ban đại diện Hội đồng bệnh nhân. Bà cởi mở, chân thành khi kể về cuộc đời mình nhưng lại đề nghị tôi không nêu tên vì ở quê còn anh em, họ hàng, bà không muốn họ biết. Năm 20 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người, cô sinh viên năm cuối Trường Trung cấp Tài chính - Kế toán phát hiện mình mắc bệnh sau một tuần cùng bộ đội dầm mưa giúp dân mùa lũ lụt. Bà kể, thế là cuộc đời đang vô cùng tươi đẹp bỗng đóng sầm lại, bà như hóa điên trước ánh mắt sợ hãi của bạn bè, sự xa lánh của người thân. Được về đây, bà kết nghĩa vợ chồng với một người đồng cảnh ngộ, nhận nuôi một đứa con gái là con của một bệnh nhân khác có gia cảnh quá khó khăn. Giờ thì ông bà cũng đã có cháu ngoại, hằng ngày con gái con rể đi làm vẫn đưa cháu vào để bà trông. Nhìn bà, ngoài mấy ngón tay co quắp, không hề có dáng dấp của người mắc bệnh phong. Bà bảo, mình còn khỏe mạnh, hằng ngày đến khắp các phòng, nhất là phòng các cụ cao tuổi, ai cần gì thì giúp, không có người thân thì chúng tôi nương tựa vào nhau, người khỏe chăm người ốm, chúng tôi sống như người một nhà lâu rồi…
Những chuyện tình đẹp như cổ tích
Người đồng cảnh ngộ thương nhau đã không còn là chuyện hiếm gặp ở làng phong nhưng chuyện người lành yêu thương sâu sắc người mang bệnh khiến cho ai nghe cũng cảm động. Tại nhà sinh hoạt cộng đồng, tôi đặc biệt chú ý đến ba ông cháu đang vừa xem ti vi vừa cười đùa rất vui vẻ. Hỏi ra được biết ông là Đinh Văn Bông, quê ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Nghỉ hè, ông dẫn hai chắt nội của mình vào đây thăm vợ là bà Đinh Thị Thân đã điều trị tại Khoa phong từ năm 1978. Thấy tôi quan tâm, ông Ngô Tam Cương - Trưởng ban đại diện hội đồng bệnh nhân cho biết, đây là đôi vợ chồng "nổi tiếng" nhất khoa đấy. Ông bà tình cảm lắm. Nghe thế, ông Bông chỉ mủm mỉm cười rồi nói: "Tôi làm sao mà bỏ bà ấy được chớ?".
Năm nay ông Bông 66 tuổi, dáng người vạm vỡ, rắn chắc, khuôn mặt hiền lành. Ông kể, ông về làm bạn với bà từ năm 16 tuổi, đến 20 tuổi mới có đứa con đầu lòng. Bà phát bệnh, phải vào đây điều trị khi đứa con út mới ba tuổi. Thấm thoát mà đã 33 năm, từng ấy thời gian ông một mình gà trống nuôi con để bà yên tâm điều trị, hằng năm vẫn dành dụm chút tiền đưa con vào thăm mẹ. Cũng may có sự giúp đỡ của ông bà nội, các con ông dần trưởng thành, giờ ông bà đã có hai chắt nội, Giang bốn tuổi, Dũng năm tuổi, hè này ông cho cả vào đây chơi, đã hai tuần rồi mà cả ông và hai đứa đều vẫn chưa muốn về. Ông dẫn tôi về căn phòng khoa dành cho bà Thân, trên tường treo la liệt ảnh con, cháu, chắt của hai ông bà, nhìn rất vui mắt. Bà Thân đang lúi húi chuẩn bị cơm trưa trong bếp, vui vẻ bước ra khi tôi ngỏ ý xin chụp một kiểu ảnh. Nhìn bà bước đi khó khăn, tôi mới để ý bà phải sử dụng một chân giả, chân kia cũng không còn lành lặn. Khuôn mặt bà bị biến dạng nặng nề do bệnh tật, miệng méo xệch, một bên mắt luôn mở trừng trừng, không cử động được. Người phụ nữ này 69 tuổi nhưng nhìn yếu và già hơn tuổi rất nhiều. Bà kể, hồi đó tôi bệnh tật, bảo ông ấy đi lấy vợ mà ông ấy không chịu, cứ đi theo. Giờ ai cũng bảo gia đình tôi hạnh phúc nhất khoa đấy…
Ngôi nhà nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp của vợ chồng anh Bùi Văn Chiến, chị Lê Thị Mái nằm riêng ở một khoảnh rừng, lúc chúng tôi đến thăm, anh Chiến vẫn đang cắm cúi bẻ ngô ở vạt đất trước nhà. Chuyện tình của anh chị một thời cũng gây tiếng tăm ở cái xã Đông Yên nhỏ bé này.
Anh Chiến quê tận Thanh Hóa, bị bệnh rồi lưu lạc ra đây. Chị Mái là con gái thôn Gò Chái, xã Đông Yên xinh xắn đến hái chè ở Nông trường chè Long Phú ngay cạnh mảnh ruộng của Khoa phong. Họ gặp rồi thương nhau, gia đình chị phản đối quyết liệt. Năn nỉ không được, chị đành trái lời bố mẹ, bỏ ngoài tai lời khuyên nhủ của bạn bè nhất quyết về làm vợ một bệnh nhân phong. Lãnh đạo khoa cho mượn một vạt đất, giúp đỡ dựng một căn nhà nhỏ. Giờ thì họ đã có hai cô con gái xinh xắn, anh Chiến 6 năm nay không còn phải dùng thuốc, sức khỏe của anh nói như lời chị Mái thì "người khỏe chưa chắc đã bằng". Anh hằng ngày đi làm thợ xây, rảnh thì trồng ngô, chị ở nhà chăm hai con nhỏ. Cuộc sống chưa thể gọi là sung túc nhưng họ đã đủ ăn, có ti vi để xem, con cái được giúp đỡ học hành…
Chỉ một ngày cùng những thành viên nhóm Ước mơ xanh - Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội đến thăm, tặng quà những bệnh nhân phong tại Khu điều trị nội trú, Trung tâm da liễu Hà Đông, tôi đã hiểu, nơi tận cùng nỗi đau bệnh tật vẫn có những chồi non tình người đua nở, giúp họ vượt lên nỗi đau, chiến thắng bệnh tật và tìm thấy hạnh phúc.