Đôi cánh và bầu trời
Xã hội - Ngày đăng : 07:11, 30/06/2012
1. Trước khi tiếng còi khai cuộc vang lên, tượng đài quá khứ của bóng đá Italia, Giuseppe Bergomi, cũng không dám tự tin vào cơ hội dành cho "đội bóng Thiên thanh": "Trái tim tôi muốn Italia vào chung kết, nhưng lý trí của tôi thì nói rằng người Đức sẽ chiến thắng".
Cũng phải thôi! Thậm chí trước khi EURO 2012 khởi tranh, không nhiều cổ động viên tin tưởng Italia có thể tiến sâu đến như vậy. Không còn sở hữu nhiều ngôi sao đẳng cấp, họ còn tự gây sức ép lên chính mình bởi những vấn đề tiêu cực muôn thuở của cả một nền bóng đá. Và trước thềm trận bán kết, Italia còn được nghỉ ngơi ít hơn, sau khi đã phải trải qua một trận "kịch chiến" kéo dài tới 120 phút. Người Đức thực sự được giới chuyên môn đánh giá cao hơn, trên lý thuyết.
2. Thế nhưng, những gì đã diễn ra ở trận bán kết thứ hai chỉ để tái khẳng định một mệnh đề vĩnh cửu đã từng được thốt lên từ cửa miệng Franz Beckenbauer - cầu thủ Đức xuất sắc nhất lịch sử: "Không phải mạnh là thắng, mà thắng mới là mạnh!".
Vấn đề là hầu hết cầu thủ Đức đều nhập cuộc với tâm thức họ mới là kẻ mạnh, và HLV Joachim Loew của họ cũng vậy. Ông đã nghe HLV Prandelli tuyên bố "Italia vẫn sẽ tấn công!". Ông đã thấy Azzurri bị đẩy lùi khỏi trung tuyến trong 15 phút đầu trận. Ông đã yên tâm khi chứng kiến Pirlo phải lui về tận vạch cầu môn tham gia phòng ngự, và dường như hoàn toàn bị lấn át bởi "gọng kìm thép" nơi trung lộ Đức (Schweinsteiger - Khedira). Và phải chăng Loew đã lãng quên một điều quan trọng: Italia luôn là bậc thầy trong những đợt phản kích.
Cả hai bàn thua mà ĐT Đức phải nhận đều xuất phát từ những sai lầm không đáng có (mà thủ quân Philipp Lahm gọi thẳng là "ngu ngốc"), xuất phát từ thái độ truy cản cũng như việc chọn vị trí hời hợt của các nhân tố phòng ngự. Ngược lại, trên tuyến đầu, Loew lại muốn trung phong của mình (Gomez và sau đó là Klose) được hỗ trợ bởi một Podolski tỏ ra quá vô duyên kể từ đầu giải ở cánh trái, và một Kroos chưa từng chơi như một tiền đạo bám biên phải. Đó là những canh bạc thất bại. Hàng thủ áo xanh không bị dẫn dụ bởi cảm giác lạ lẫm, mà ngược lại, chính các hậu vệ Đức, trong tâm lý lơi là khi hồ hởi dâng cao hỗ trợ tấn công, đã dễ dàng bị xuyên thủng bởi những đường chuyền vượt tuyến.
Pirlo không đóng vai trò kiến tạo trong cả hai bàn thắng, nhưng Cassano và Montolivo đã dễ dàng thực hiện công việc đó. Lẽ ra, Die Mannschaft đã có thể tạo nên một diện mạo khác cho trận đấu, nếu lựa chọn kiểu pressing liên tục và tập trung (như ĐT Bồ Đào Nha đã sử dụng trước Tây Ban Nha) để đẩy Italia vào một thứ "cối xay thể lực", trước khi thực sự tăng tốc. Song, Joachim Loew đã đánh giá quá thấp sự vững vàng và sắc bén của đối thủ. Ông, cũng như các học trò, đã chỉ nghĩ đến chuyện "xong sớm nghỉ sớm" và chuẩn bị cho một lần tái ngộ với các nhà ĐKVĐ tại chung kết.
3. Đó không phải là những gì diễn ra trong tâm trí các trụ cột áo Thiên thanh. Sau tiếng còi mãn cuộc, Buffon hầm hầm chạy lên quát mắng đồng đội - những người đã không thể nâng cao thêm cách biệt, bởi "nếu có 7 cơ hội trước người Đức thì phải cố mà ghi được 7 bàn thắng, nếu không muốn thua ngược trong hiệp phụ". Trong khi đó, Pirlo dằn từng tiếng trong phòng họp báo: "Chúng ta chưa đạt được gì hết!".
Sự nghiêm khắc với chính mình, lòng tôn trọng đối thủ và thái độ chuyên nghiệp của hai "lão tướng" ấy là nền tảng để ĐT Italia đứng vững trước giông bão lúc đầu, và vẫn liên tục tạo nên hiểm họa cho đến những phút cuối trận. Đó là tinh túy của "bản sắc Italia", là mấu chốt của nghệ thuật phản công. Ngược lại, quả phạt đền cuối trận chẳng đủ để vãn hồi thứ tinh thần kiên cường cổ điển Đức. Quá mềm yếu và vẫn quá bồng bột, những "cánh đại bàng sông Rhine" non trẻ một lần nữa chưa thể bay vượt qua bầu trời.