Cảnh sát Anh triệu tập ông chủ Wikileaks

Thế giới - Ngày đăng : 15:48, 29/06/2012

Đơn vị dẫn độ Cảnh sát thủ đô London đã gửi thông báo triệu tập người sáng lập Wikileaks Julian Assange, hiện đang trú ẩn ở Đại sứ quán Ecuador tại London. Việc triệu tập chuẩn bị cho quá trình trục xuất ông.

Ông Julian Assange tại một buổi họp báo ở London tháng 2-2012 - Ảnh: Reuters


Thông báo của cảnh sát London yêu cầu ông Assange phải rời đại sứ quán và có mặt tại trụ sở cảnh sát “vào thời điểm theo sự lựa chọn của chúng tôi”, cụ thể trong hôm nay 29-6. “Đây là thủ tục thông thường trong các vụ dẫn độ và là hành động đầu tiên trong quá trình trục xuất” - thông báo viết.

Theo thông báo, ông Assange “vẫn đang trong tình trạng vi phạm các điều kiện bảo lãnh tại ngoại và việc không chịu đầu hàng sẽ tiếp tục vi phạm những điều kiện đó, vì thế ông ta phải bị bắt giữ”.

Phản ứng trước đơn triệu tập của cảnh sát, ông Assange cho biết sẽ không rời tòa đại sứ vì lo sợ Mỹ có những kế hoạch bí mật dẫn độ ông về Washington. Trả lời BBC, ông nói đã nhận được lời khuyên rằng luật xin tị nạn được ưu tiên hơn luật dẫn độ, do vậy ông khẳng định sẽ không tuân thủ lệnh triệu tập.

Ông Assange cho biết được đối đãi rất tốt ở Đại sứ quán Ecuador. “Những nhân viên ở đây rất nồng nhiệt và hào phóng. Họ cung cấp cho tôi những nhu cầu cơ bản”.

Theo thỏa thuận ngoại giao quốc tế, cảnh sát London không thể đi vào tòa đại sứ để bắt ông Assange. Tuy nhiên, ông đang đối mặt khả năng bị bắt ngay khi rời khỏi đại sứ quán. Chính quyền Ecuador vẫn đang xem xét đơn xin tị nạn của ông Assage.

Trước đó, ông Assange khẳng định có thể chấp nhận quyết định dẫn độ đến Thụy Điển của tòa án Anh nếu nước Mỹ đưa ra bảo đảm ngoại giao sẽ không truy cứu vụ việc của ông.

Trong tuần, nhiều nhân vật nổi tiếng của Mỹ đã cùng ký vào lá đơn ủng hộ việc Assange xin tị nạn ở Ecuador. Trong số đó có đạo diễn Michael Moore và Oliver Stone, diễn viên Danny Glove và cựu chuyên viên quân đội Mỹ Daniel Ellsberg - người đã tiết lộ các báo cáo về chiến tranh Việt Nam của Lầu Năm Góc năm 1971.

Theo Tuổi trẻ/Guardian, BBC