"Chệch khớp" khi dân ta ăn tiệc Tây
Xã hội - Ngày đăng : 11:11, 29/06/2012
Món ngon thì... “quét sạch”
Trong một lần được mời dự tiệc buffet kỉ niệm ngày thành lập cơ quan chồng, chị Phạm Hoàng Lan (Nguyễn Trãi, Hà Nội) khá băn khoăn. Hàng ngày, công việc bán hàng tạp hóa khiến chị không mấy để tâm đến “ăn vận”. Giờ đi dự tiệc buffet, chị rất bối rối. Được chồng “làm công tác tư tưởng” khá kĩ nhưng chị Lan vẫn không khỏi “chệch khớp” khi đặt chân vào phòng tiệc. Điều đầu tiên chị Lan nhận thấy là trang phục quá cầu kì khiến chị trở nên lạc lõng. Đặc biệt là chiếc vòng tay “diêm dúa” bất ngờ “phản chủ”. Mỗi lần chị đưa tay ra lấy đồ ăn, chiếc vòng lại lòa xòa, “ăn thử” trước chủ. Loay hoay tháo chiếc vòng, suýt chút nữa chị làm rơi cả chiếc đĩa trên tay.
Ăn "búp - phê" đang trở thành trào lưu (Ảnh minh họa)
Anh Nguyễn Tiến Bình (Hà Đông, Hà Nội) mới làm quen với một cô bạn khá sành điệu. Anh mời cô đến phố Ngọc Khánh ăn tối để “lấy điểm”. Khách sạn sang trọng, tiệc ngon với nhiều món lạ nhưng anh thì “phát ngượng” với những người xung quanh. Cô bạn “sành điệu” của anh bắt đầu bữa tiệc bằng cách lấy thật nhiều đồ ăn vào đĩa. Ăn không hết, cô “hồn nhiên” đặt xuống bàn và lấy một cái đĩa khác chất tiếp đồ ăn. Nhẹ nhàng “nhắc khéo”, anh Bình nhận được câu trả lời: “Mình đã bỏ tiền ra thì ăn cho thoải mái, ăn ít hay ăn nhiều cũng trả từng ấy tiền, chẳng tội gì mà phải “nhìn trước ngó sau””.
Là người đứng ra tổ chức tiệc liên hoan cho công ty, chị Ngô Thu Hà (ngõ Văn Hương, Hà Nội) lên kế hoạch làm tiệc buffet. Mất bao nhiêu thời gian từ lên thực đơn đến thuê người nấu rồi “vẽ sơ đồ” bố trí bàn ăn, chị hi vọng mọi người sẽ vừa thưởng thức đồ ăn vừa trò chuyện. Đây cũng là cơ hội để các phòng ban hiểu nhau hơn, xóa đi tình trạng “cửa đóng then cài” bấy lâu.
Tuy nhiên, chị Hà nhanh chóng bị “vỡ mộng” khi bữa “tiệc đứng” của mình hóa thành “tiệc ngồi”. Ban đầu mọi người cũng đứng trò chuyện nhưng dần dần mọi người dạt sang hai bên, “xẻ” thức ăn vào các đĩa nhỏ rồi bắt đầu kê bàn ngồi “túm tụm” với nhau. Đến giữa buổi, người nào về bàn nấy còn chiếc bàn dài thì bị “quét sạch”, kể cả đồ tráng miệng.
Ăn xong còn lấy phần mang về
Chia sẻ kinh nghiệm ăn buffet của mình, anh Tiến Bình nói: “Tốt nhất khi vào phòng ăn thì đi lướt để xem các món phải ăn, món sẽ thử ăn, rồi hãy chọn món khai vị, điều này giúp ta định hình được phần nào trong đầu là sẽ ăn những món gì và theo thứ tự nào để có lợi nhất và không bị chán. Không nên uống quá nhiều khi ăn. Chỉ nên uống nước ép trái cây từng ít một. Tất nhiên, đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức những loại rượu đắt tiền và thơm ngon”.
Anh Đào Hoài Nam (Cửa Bắc, Hà Nội), giám đốc một chuỗi nhà hàng lớn khẳng định: “Văn hoá ăn buffet” không cho phép để thừa thức ăn, do đó chỉ lấy mỗi món một ít (kể cả món ưa thích). Bạn nên tránh trường hợp lấy và ăn quá nhiều một món đến no mà không có dịp thưởng thức những món ăn ngon còn lại, hay lấy quá nhiều mà không dùng hết. Điều này kỵ nhất trong bữa tiệc, nếu bạn để thừa đồ ăn trên đĩa, người khác sẽ cảm nhận ngay bạn là người chưa biết cách ăn”.
Anh này cũng chia sẻ một kỉ niệm “không biết nên buồn hay vui” trong “sự nghiệp” tổ chức tiệc buffet: “Một thực khách trung tuổi đến gặp và không tiếc lời khen ngợi đồ ăn khiến tôi rất vui. Nói chuyện một lúc, cô này hỏi xin tôi một chiếc... túi để lấy đồ mang về. Tôi không biết xử trí thế nào, cũng may có cô phụ bếp “đỡ lời” rằng nhiều người chưa đến. Thói quen đi ăn “lấy phần” đã “ăn sâu” vào suy nghĩ của dân mình, không phải “một sớm một chiều” mà thay đổi được”.