Bỏ ngỏ tiềm năng công nghệ nano
Công nghệ - Ngày đăng : 06:55, 29/06/2012
Công nghệ nano được coi là một ngành mới đầy triển vọng. Nghiên cứu về công nghệ nano là một lĩnh vực khó, phức tạp và tốn kém. Không chỉ ở những nước phát triển mà ngay những nước đang phát triển cũng cần xác định đây là một lĩnh vực cần ưu tiên trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ (KHCN). Vấn đề là tùy từng điều kiện cụ thể, mỗi nước nên chọn cho mình một hướng đi và xây dựng giải pháp phù hợp.
Phòng thí nghiệm công nghệ nano - Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Bùi Tuấn |
Hiện nay, nước ta đã có một số phòng thí nghiệm nghiên cứu về công nghệ nano, một số trường đã có chuyên ngành đào tạo về công nghệ mới này.
Theo GS.TSKH Nguyễn Xuân Phúc, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, ở nước ta, đã hình thành một số tập thể nghiên cứu về vật lý nano, hóa học nano và sinh học nano, từ nghiên cứu lý thuyết đến thực nghiệm và triển khai ứng dụng với không ít thành công. Đó là việc chế tạo được những chấm lượng tử (quantum dot) có tiềm năng rất lớn trong công tác bảo mật và nghiên cứu sinh học như dùng để đánh dấu hàng hóa, chứng từ, tiền giấy nhằm chống làm giả; tiêm vào cơ thể động vật để quan sát, chụp ảnh các cơ quan, tế bào; sử dụng thăm dò bệnh ung thư, đưa thuốc đến tế bào ung thư... Chấm lượng tử được sản xuất bằng phương pháp hóa học tại Việt Nam có giá thành thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Tuy chậm so với nhiều nước trong khu vực, nhưng công việc nghiên cứu và phát triển công nghệ nano ở nước ta đang có nhiều thuận lợi. Từ một vài nhóm các nhà vật lý khởi đầu bằng các nghiên cứu cơ bản, đến nay đã có nhiều tập thể nghiên cứu trong hầu hết trường ĐH, viện nghiên cứu lớn; không chỉ các nhà vật lý mà cả các nhà khoa học sinh học, luyện kim, điện tử cùng tham gia nghiên cứu và đào tạo. Ðiều đáng mừng là giới trẻ nước ta hiện nay rất hăng hái đi vào khoa học nano, trong số đó có nhiều người đã được cử đi đào tạo, làm việc ở nước ngoài nên học tập được ít nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, xét trên bình diện vĩ mô, Việt Nam vẫn chưa đưa ra một định hướng nào cho việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này nên các nghiên cứu vẫn còn mang tính tự phát.
Cần định hướng rõ ràng
Có một thực tế đáng buồn là rất nhiều phòng thí nghiệm nano hoạt động hiệu quả, cho ra đời những sản phẩm ứng dụng thử nghiệm thành công như vải có khả năng tự diệt khuẩn, bình sữa nano tiêu diệt vi khuẩn gây hại, hạt nano lọc nước, khẩu trang an toàn, các linh kiện điện tử kỹ thuật cao... nhưng đều rất khó khăn để ứng dụng trong cuộc sống.
PGS.TS Phạm Văn Nho, Trung tâm Khoa học vật liệu (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia) Hà Nội cho biết: "Đến giờ, chưa có một sản phẩm nào được đánh giá là thành công trên cả lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng, trong khi đó thành tựu của công nghệ micro nano trong phòng thí nghiệm thì rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là chúng ta chưa có một cơ chế thật sự cởi mở cho lĩnh vực nghiên cứu này. Một khi những nhà sản xuất bị thuyết phục rằng chúng ta có thể đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất, chế tạo linh kiện thì khi đó việc đầu tư xây dựng những nhà máy tại Việt Nam cho những mục đích này là hoàn toàn có tính khả thi".
GS.TS Nguyễn Đức Chiến, Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định, với tiềm năng nghiên cứu lớn mạnh, chúng ta hoàn toàn có thể làm ra được các sản phẩm siêu vi công nghệ cao phục vụ cuộc sống. Ngay cả ung thư là căn bệnh nan y cũng có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu công nghệ micro nano được nghiên cứu một cách bài bản, đầu tư thỏa đáng. Hiện những thành quả nghiên cứu dường như mới chỉ dừng lại ở phạm vi viện, trường và trong giới khoa học, những ứng dụng gắn liền với đời sống chưa được nhiều người biết đến. Các nhà khoa học đều nhận định, nếu được tập trung quan tâm đầu tư thì công nghệ nano sẽ thực sự là một cuộc cách mạng trong khoa học ứng dụng vào đời sống con người.
Việc nhiều nghiên cứu về công nghệ nano chỉ "quanh quẩn" trong phòng thí nghiệm và giới khoa học, cũng phần nào phản ánh thực trạng nền KHCN nước nhà hiện nay.