Quy định về quản lý chất thải rắn

Xã hội - Ngày đăng : 06:40, 29/06/2012

Tôi chuẩn bị mở một xưởng sản xuất, chất thải chủ yếu của quá trình sản xuất là chất thải rắn thông thường nhưng không có phương tiện vận chuyển chất thải. Đề nghị quý báo cho biết, quy định của thành phố Hà Nội về thu gom, xử lý các loại chất thải này và mức xử phạt vi phạm hành chính khi có vi phạm trên địa bàn thành phố? Nguyễn Thị Hường (phường Phú Lương, Hà Đông)

Tôi chuẩn bị mở một xưởng sản xuất, chất thải chủ yếu của quá trình sản xuất là chất thải rắn thông thường nhưng không có phương tiện vận chuyển chất thải. Đề nghị quý báo cho biết, quy định của thành phố Hà Nội về thu gom, xử lý các loại chất thải này và mức xử phạt vi phạm hành chính khi có vi phạm trên địa bàn thành phố?
Nguyễn Thị Hường (phường Phú Lương, Hà Đông)

Luật gia Hoàng Xuân Hiến (ĐT: 0983351928; email: hoangxuanhienqo@gmail.com) trả lời:
- Theo Quyết định số 11/2010/ QĐ-UBND ngày 23-2-2010 của UBND thành phố Hà Nội, chất thải rắn thông thường là chất thải ở thể rắn được thải ra từ quá trình sản xuất công nghiệp, làng nghề, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác nhau. Chất thải rắn thông thường bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng và chất thải rắn công nghiệp không nguy hại (Điều 2). Các tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải có phương tiện, dụng cụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, bố trí điểm thu gom, lưu trữ chất thải rắn sinh hoạt và phải ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường để vận chuyển về nơi xử lý theo đúng quy định (khoản 2, Điều 5). Cơ sở hoạt động làm phát sinh chất thải rắn xây dựng phải thực hiện phân loại thành: bùn hữu cơ; cát đá và chất thải rắn từ vật liệu xây dựng. Những tổ chức, cá nhân làm phát sinh chất thải rắn phải có biện pháp bảo đảm môi trường, không làm bụi bẩn, ô nhiễm, không sử dụng hè phố, lòng đường, nơi công cộng làm nơi lưu giữ chất thải rắn xây dựng; phải ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển phế thải về đúng nơi quy định của thành phố (khoản 1, 2, Điều 7). Những hành vi làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị bị cấm được quy định rõ như: vứt, đổ chất thải rắn không đúng quy định; để chất thải rắn ra vỉa hè, lòng đường, đổ ra hệ thống thoát nước, công viên, vườn hoa, hệ thống đê điều và nơi công cộng; để chất thải rắn xây dựng ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường, bụi bẩn và làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; vận chuyển chất thải không che chắn, làm rơi vãi, bụi bẩn đường phố, nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường (Điều 12).

Mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm được thực hiện theo Điều 46, Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng kinh doanh bất động sản; khai thác sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng… với 3 mức phạt: từ 100.000 đến 300.000 đồng; mức 2 từ 5 triệu đến 10 triệu đồng và mức 3 từ 10 đến 15 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra và buộc thực hiện đúng các quy định về an toàn, bảo vệ môi trường.