Gia đình với vai trò giáo dục sớm

Giáo dục - Ngày đăng : 07:00, 28/06/2012

(HNM) - Mahatma Gandhi từng nói: "Không có một ngôi trường nào tốt bằng gia đình và không có người thầy nào tốt như cha mẹ". Jacquie Mc Taggard trong cuốn sách "Từ chiếc bàn của giáo viên" xuất bản năm 2003 cũng nói: "Các bậc cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và tốt nhất của con cái họ. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng mang lại những phần thưởng vô cùng to lớn". Thế nhưng, vai trò của giáo dục gia đình hiện nay, nhất là giai đoạn giáo dục sớm, vẫn chưa được xã hội nhận thức một cách đúng đắn.

Trẻ em cần nhận được sự quan tâm, giáo dục thường xuyên từ gia đình.

Sáu năm đầu đời - thời kỳ phát triển vàng

Sau nhiều năm nghiên cứu trên hơn 1.000 trẻ em, nhà tâm lý học người Mỹ Benjamin Bloom đã đưa ra kết luận: Nếu đến năm 17 tuổi, trí tuệ của một con người có thể phát triển 100% thì vào năm 4 tuổi, trí tuệ của trẻ đã đạt đến 50%, đến năm 8 tuổi phát triển tới 80%, năm 8 tuổi đến 17 tuổi chỉ phát triển thêm tối đa 20%. Như vậy, một phần trong 50% trí tuệ của trẻ đạt được trước 4 tuổi là trong giai đoạn bào thai (giai đoạn 0 tuổi). Chính vì vậy, một trong những nội dung đầu tiên của giáo dục sớm là phải tiến hành thai giáo, làm cơ sở để khai mở và tạo tiền đề cho giáo dục trẻ sơ sinh. Công việc này không ai có thể thay thế được vai trò của bà mẹ với sự hỗ trợ của ông bố tương lai cùng các thành viên trong gia đình. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, thai giáo là ngành khoa học bao gồm 3 phương diện: Thụ thai khi cơ thể trong trạng thái tốt nhất, dưỡng thai trong môi trường tốt nhất và giáo dục thai nhi. Sự phát triển của khoa học hiện đại cũng đã chứng minh rằng, trong thời gian mang thai nếu lặp đi lặp lại nhiều lần những kích thích tốt đối với thai nhi có thể thúc đẩy bộ não của thai nhi phát triển. Hiện nay, giáo dục trong thời kỳ bào thai không còn mới mẻ ở Việt Nam, song việc thực thi vẫn chỉ là bắt chước máy móc, chưa được tổ chức và tư vấn một cách khoa học.

Về giai đoạn tiếp nối, nhà sinh học người Nga, Ivan Petrovich Pavlov nói: "Trẻ sơ sinh đến ngày thứ ba mới bắt đầu dạy dỗ là đã chậm mất hai ngày". Theo các nghiên cứu khoa học về sự phát triển của trẻ nhỏ, giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi là "thời kỳ vàng" để phát triển các tố chất tiềm năng của trẻ. Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 0 đến 3 đang được chăm sóc tại gia đình nên việc áp dụng giáo dục sớm tại gia đình là thực sự cần thiết để không lãng phí tiềm năng của trẻ.

Giáo dục sớm ngày nay đã được nhiều quốc gia quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và trở thành một cuộc cách mạng trên thế giới, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện đại não của trẻ em từ 0 đến 6 tuổi. Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời này thì tiềm năng não bộ của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật.

Gia đình có vai trò quyết định

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của giáo dục sớm như là nền tảng vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo trong cuộc đời của mỗi con người. Với mong muốn "biến gánh nặng dân số thành tài nguyên vô hạn", công trình "Phương án 0 tuổi" của giáo sư người Trung Quốc Phùng Đức Toàn đã tạo nên nhiều thanh, thiếu nhi kiệt xuất trên mọi lĩnh vực. Tại Mỹ, năm 1979, chuyên gia sản phụ khoa Fandeka đã sáng lập "Trường đại học thai nhi" nhằm hỗ trợ thai nhi phát triển trí tuệ, sau khi ra đời có thể học tập dễ dàng hơn, phát triển tinh thần thuận lợi hơn. Singapore cũng coi việc giáo dục sớm tại gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đề án cải cách giáo dục hiện nay. Giáo dục sớm tại gia đình đã thực sự là nhu cầu của các bậc cha mẹ sau khi họ đã nhận thức được tầm quan trọng của nó.

Ở Việt Nam, ngày càng có nhiều bậc cha mẹ tìm hiểu và áp dụng giáo dục sớm cho con cái. Song, giáo dục sớm mới chỉ được áp dụng tại các thành phố lớn, còn ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các ông bố, bà mẹ hầu như không có thông tin và không có điều kiện để giáo dục sớm. Như vậy, giáo dục sớm tại gia đình hiện nay đang được nhen nhóm lên một cách tự phát, theo kinh nghiệm và chưa được tổ chức khoa học, đồng bộ trong cộng đồng cha mẹ Việt Nam.

Giáo dục sớm tại gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Do đó, Nhà nước cần khẳng định lại vị trí của giáo dục sớm tại gia đình, coi đó là nền tảng, còn giáo dục tại nhà trường là sự nối dài của giáo dục sớm tại gia đình. Giáo dục sớm tại gia đình không chỉ là sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, mà ở đây cần có sự nối liền chặt chẽ bằng chính sách và tài chính của Nhà nước. Đó là, coi giáo dục gia đình là một bộ phận truyền thống của giáo dục quốc dân nhằm trả lại cho cha mẹ vai trò đúng nghĩa - những người thầy đầu tiên của trẻ. Như Fridrich Engels đã từng nói: "Nếu vận mệnh của một quốc gia nằm trong tay những nhà cầm quyền, chi bằng hãy nói rằng nó nằm trong tay của những người mẹ".

Vũ Oanh