Bài cuối: Văn hóa xe buýt - đích đến còn xa
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:46, 28/06/2012
Chị Vũ Lan Mai, công tác ở Bộ Y tế, có mấy lời “răn” chồng, đại để biết bảo vệ sức khỏe khi ở nhà và giữ gìn tính mạng khi ra đường: Uống rượu thì phải ăn cơm. Không hút thuốc khi uống rượu. Đi đường tránh xa xe buýt.
Thái độ phục vụ tận tình của lái, phụ xe sẽ góp phần xây dựng thành công văn hóa xe buýt nói riêng và văn hóa giao thông nói chung. Ảnh: Khánh Nguyên
Quả thực, xe buýt là nỗi kinh hoàng với người tham gia giao thông, đặc biệt là người đi xe máy. Những hình ảnh thường thấy trên các đường phố Hà Nội là xe buýt phóng nhanh, phanh gấp, tấp vào lề đường rất vội, sẵn sàng “lấy thịt đè người” với ô tô con, xe máy... Đánh giá của Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) về xe buýt không được sáng sủa cho lắm: Tình trạng điều khiển xe đánh võng, vượt ẩu... diễn ra phổ biến. Nghiêm trọng hơn là đã xảy ra nhiều tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt, trong đó có nhiều vụ gây chết người.
Chị Phạm Thị Thành (CT 9 Định Công, quận Hoàng Mai) thấm nhuần phương châm đi đường tránh xa xe buýt đến độ hễ thoáng thấy bóng xe buýt hoặc tiếng còi đầy uy lực từ “hung thần” là hốt hoảng nép vào lề đường. Mấy lần chứng kiến tai nạn do xe buýt gây ra khiến chị Thành ám ảnh.
Với cách “ứng xử” trên đường theo kiểu dọc ngang nào biết bên mình có ai, thật khó để xe buýt có thể tham gia xây dựng “văn hóa giao thông”, một khẩu hiệu luôn được nhiều người nhắc những năm gần đây.
“Điểm nóng” lái, phụ xe
Trên nhiều xe buýt, lái xe, phụ xe trở thành “điểm nóng” với hành khách. Những hành vi bất nhã, hách dịch, thậm chí côn đồ của lái xe, phụ xe đã khiến nhiều chuyến xe buýt vốn đã quá tải trở nên ngột ngạt hơn. Bà Nguyễn Thị Tuyến (Định Công, quận Hoàng Mai) hay đi xe buýt sang nhà con ở quận Long Biên chẹp miệng: “Ôi dào, tôi đi xe buýt bị nhà xe quát nạt, mắng mỏ suốt. Đứng không gọn bị mắng, chậm nộp tiền bị mắng... Đấy là mình đã có tuổi, chứ…
Người có tuổi nóng mặt với “nhà xe” thì hạ hỏa bằng cách trút với người nhà, hàng xóm. Thanh niên, sinh viên lại có kênh khác. Các diễn đàn online có hẳn “hộp xả stress” cho người đi xe buýt. Phàn nàn, bức xúc, bực bội... về nhà xe nhiều vô kể. Một người tố vụ việc xảy ra cách đây ít ngày: Xe số... vừa hất văng một cụ già. Cụ đang lên, tay mới bám vào cửa thì lái xe đã đóng, cho xe chạy luôn... Cụ ngã ra đường. Mình ngồi sau xe thấy có người đi đường giúp cụ đứng dậy. Một người khác tố lái xe một tuyến hay chạy không đúng giờ, lại chạy rất chậm. Không những vậy, nhiều hôm bác tài này còn bật nhạc to, làm không ít hành khách khó chịu, thậm chí có hôm còn vui tính trêu ghẹo các cháu gái bằng tuổi con mình...
Nhiều vụ việc hẳn nhiều người chứng kiến không thể nào quên như lái, phụ xe buýt bắt “thượng đế” quỳ xin mở cửa trước sự chứng kiến của hàng chục hành khách khác; lái xe, phụ xe đánh hành khách đến bất tỉnh, bất chấp người trên xe khuyên can...
Ông L.Q.N, một lái xe đã có thâm niên ở đơn vị thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đề nghị giấu tên, kể: “Trước đây, công nhân lái xe buýt còn là một nghề “hot”, quy trình tuyển chọn hết sức chặt chẽ. Nhưng dần dần nghề này không còn hấp dẫn, các tiêu chí buộc phải mở rộng. Lái xe, phụ xe được tuyển từ nhiều nơi, mặt bằng dân trí khác nhau, văn hóa, ứng xử cũng khác nhau. Xảy ra những chuyện nọ kia cũng là điều dễ hiểu”.
Một cán bộ Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị khẳng định đội ngũ quản lý, vận hành xe buýt vừa thiếu vừa yếu. Ông L.Q.N thừa nhận, những bức xúc của hành khách, những vụ lái xe, phụ xe bất nhã, mạt sát, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay là không ít. Là người kỹ tính, không ít chuyện, dù nhỏ, ông thấy khó có thể chia sẻ được với đồng nghiệp: “Đã có quy định không hút thuốc khi lái xe nhưng nhiều người vừa cầm vô lăng vừa phì phèo. Đường đông, xe chật, ngột ngạt mà còn tra tấn như thế thì ai mà chịu nổi. Hay đơn giản như công ty yêu cầu đi làm mặc đồng phục, đi dép có quai thì nhiều người áo một đằng, quần một kiểu, dép lê loẹt quẹt, rất khó coi... - Ông L.Q.N nói.
Một góc nhìn khác
Lê Quỳnh Liên, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân (Trung Tự, quận Đống Đa), có thâm niên đi xe buýt, kể: “Đi xe buýt nhiều khi chuốc lấy sự bực mình, không phải do thái độ, chất lượng phục vụ của nhà xe mà bởi ngay người đi cùng. Nhiều lần, bọn em lên xe, trong khi mình và nhiều người già, em nhỏ không có chỗ ngồi thì nhiều bạn nam điềm nhiên an tọa như không. Có lần em nhường ghế cho một bà cụ thì bị một cậu bĩu môi. Còn chuyện bị va chạm, xô đẩy, dẫm nhừ chân... thì quá bình thường”.
Ông Trần Duy Hạnh, Xí nghiệp Xe bus Thăng Long, đến giờ đã chẵn một thập niên ở đây, đã có hơn 5 vạn kilômét lái xe an toàn. Chừng ấy thời gian cầm lái, ông Hạnh chứng kiến không ít chuyện buồn vui, nói: “Xe buýt cũng như một xã hội thu nhỏ với đủ mọi loại người. Ý thức của hành khách nhiều khi cũng làm cho lái xe, phụ xe ức chế. Chẳng hạn, người già, phụ nữ đứng còn thanh niên khỏe mạnh thì ngồi; quy định lên xe xuống xe đã có nhưng nhiều hành khách làm ngược lại... Nhất là thanh niên bây giờ, nhiều cháu ăn mặc hết sức lố lăng, đã thế lại còn có những hành vi không đúng mực khi điềm nhiên “tâm sự, âu yếm” trên xe đông người. Xe quá tải thì mọi người chen chúc, xe vắng nhiều hành khách lại nằm ngồi như ở nhà mình. Những lần như vậy, anh em phụ xe lại phải nhẹ nhàng nhắc nhở”.
Ớn nhất với ông Hạnh là nhiều “thượng đế” xăm trổ đầy mình, lên xe với thái độ hết sức du côn, sẵn sàng quát tháo, chửi bới lái xe, phụ xe. “Mình làm dâu trăm họ, thôi thì cứ ngậm bồ hòn mà phục vụ cho xong. Lời qua tiếng lại thì mình rách việc trước” - Ông Hạnh cho biết.
Đích có quá xa?
Xóa đi ấn tượng hung thần đường phố, trở thành một “biểu tượng văn hóa giao thông”, giành được thiện cảm của người sử dụng đối với xe buýt liệu có là cái đích quá xa? Đạo đức nghề nghiệp, ứng xử với hành khách đúng là vấn đề đối với đội ngũ lái xe, phụ xe. Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, cùng với việc phối hợp tuyên truyền, vận động người dân sử dụng, cùng xây dựng “văn hóa xe buýt”, đơn vị cũng đã tổ chức các lớp đào tạo chuyên đề về thái độ phục vụ, đặc biệt là dành cho đội ngũ lái xe, bán vé. Năm 2011, Tổng Công ty đã tổ chức hơn 100 khóa học cho trên 3.500 lượt học viên.
Công bằng mà nói, dịch vụ xe buýt cũng như dâu trăm họ. Lời chê nhiều nhưng không phải không có... tiếng khen. Nhiều nhà xe khiến cho “thượng đế” ấm lòng. Một hành khách rất cảm động khi đúng hôm trời mưa to, điểm dừng ngập sâu, “nhà buýt” lựa chỗ để “thượng đế” không phải lội. “Nhà buýt” một tuyến khác lại tận tình xách đồ, che ô cho cặp vợ chồng đưa con nhỏ đi bệnh viện... Chỉ mong rằng, những hình ảnh đẹp như thế, ngày một nhiều hơn, để mục tiêu xây dựng thành công văn hóa xe buýt nói riêng và văn hóa giao thông nói chung, ngày một gần hơn.