Tạo sự đồng thuận từ biết lắng nghe

Chính trị - Ngày đăng : 06:39, 28/06/2012

(HNM) - Mới đây, Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) TP Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL (PL 34) của UBTV Quốc hội về thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn.

Qua thực tế kiểm tra ở 3 quận, huyện: Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm; BCĐ TP nhận thấy, bên cạnh việc sáng tạo trong triển khai thực hiện QCDC, một số nơi vẫn còn nhầm lẫn vai trò giám sát, kiểm tra.

Phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy) là đơn vị có nhiều sáng tạo trong triển khai thực hiện QCDC tại cơ sở. Ngay sau khi có PL 34, Đảng ủy phường đã quán triệt đến cán bộ chủ chốt, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc, MTTQ và các đoàn thể chính trị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, gắn với thực hiện cuộc vận động "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Các khu nhà cao tầng đều có bảng thông báo công khai các vấn đề liên quan đến cuộc sống dân sinh ở chân cầu thang. Đảng ủy, HĐND, UBND phường cũng thông báo công khai chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phương án dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm; các công trình, dự án, tiến độ thực hiện, phương án đền bù giải phóng mặt bằng… Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban Giám sát đầu tư cộng đồng (BGSĐTCĐ) phường Nghĩa Tân cho biết, "chúng tôi đã hoạt động dựa trên nguyên tắc dân chủ công khai, thực hiện dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Vì thế, đã tạo sự đồng thuận, bảo đảm tiến độ thi công nhanh. Bài học kinh nghiệm trong đồng thuận ở Nghĩa Tân chính là sự lắng nghe góp ý của nhân dân, tạo cho họ tin tưởng với vai trò giám sát của BGSĐTCĐ. Vì vậy, hơn 20 dự án triển khai trên địa bàn đều nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án triển khai".

Tuy nhiên, việc thực hiện QCDC đã gặp không ít khó khăn. Tại phường Trung Hòa (Cầu Giấy), PL 34 đã được tuyên truyền, quán triệt đến nhân dân bằng nhiều hình thức, nhưng người dân rất ít quan tâm. Do Trung Hòa có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu chung cư cao tầng, nhiều dự án triển khai đã khiến mật độ dân số tăng nhanh (2/3 dân số là người địa phương khác về sinh sống). Họ không mấy quan tâm đến việc thực hiện QCDC, chỉ khi nào liên quan đến quyền lợi thì mới kiến nghị. Thêm vào đó, một số công trình của TƯ và TP Hà Nội đầu tư triển khai trên địa bàn phường, nhưng lãnh đạo phường không được thông báo, hoặc sau khi đưa vào khai thác sử dụng không bàn giao cụ thể cho địa phương, nên việc kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình gặp khó khăn. "Thậm chí ngay ven sông Tô Lịch, chưa giải tỏa xong đã có công ty ra chăng giây làm địa điểm dịch vụ trông giữ xe. Khi người dân bức xúc, phản ánh với chính quyền, hỏi ra thì đã được cơ quan chức năng của TP cấp phép" - ông Lai Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND phường Trung Hòa cho biết.

Làm việc với BCĐ thực hiện QCDC các xã, phường, đoàn kiểm tra đã nghe nhiều kiến nghị về việc điều chỉnh một số điểm không phù hợp với thực tiễn. Ví dụ: Quy định về bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, PL 34 quy định, khi bầu tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn phải đạt số tán thành của hơn 50% cử tri đang sinh sống trên địa bàn. Điều này là không phù hợp, bởi hiện nay, tìm được một người làm tổ trưởng tổ dân phố nhiệt tình, tâm huyết rất khó do không ai muốn làm, vừa dễ va chạm, vừa không có phụ cấp. Vì thế, TP Hà Nội cần linh hoạt, đơn giản thủ tục bầu tổ trưởng tổ dân phố, thay việc quy định hơn 50% cử tri tán thành bằng cách thức khác, phù hợp thực tiễn. Thêm nữa, khi TP và các quận, huyện quy hoạch đô thị thì cần tham khảo, lấy ý kiến đóng góp của chính quyền và nhân dân địa phương nơi quy hoạch, nhằm tạo sự đồng thuận trong lập dự án chi tiết, tạo sự dân chủ, thuận tiện cho quá trình tổ chức thực hiện, tránh đơn, thư vượt cấp…

Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó BCĐ thực hiện QCDC TP Hà Nội Trần Quang Cảnh cho biết, qua kiểm tra PL 34 ở 6 xã, phường cho thấy, đa số cơ sở đều triển khai một cách nghiêm túc, bài bản theo kế hoạch. Tuy nhiên, một số nơi nhận thức của nhân dân chưa đầy đủ về PL, nên trong quá trình triển khai đã gặp trở ngại. Đặc biệt, có cơ sở đã nhầm lẫn giữa chức năng GSCĐ với TTND, nên một số công trình không thuộc lĩnh vực giám sát thì vẫn tổ chức giám sát, không tìm được đồng thuận của chủ đầu tư với tư vấn giám sát của Nhà nước. Những vấn đề kiến nghị, đề xuất của cơ sở, BCĐ TP sẽ tổng hợp, đánh giá, điều chỉnh theo hướng: Những kiến nghị nào thuộc thẩm quyền của BCĐ thì xử lý ngay; vấn đề thuộc trách nhiệm của cấp trên thì báo cáo cấp trên giải quyết; vấn đề của cấp dưới thì đôn đốc thực hiện…

Vũ Thủy