"Cái nôi" hình thành nhân cách

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:18, 28/06/2012

(HNM) - Ngày nào cũng vậy, thông tin về các vụ bạo lực học đường, trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật ăm ắp các trang báo mạng. Nhiều vụ việc oan nghiệt, gây nhức nhối trong xã hội, làm đau lòng những người làm cha, làm mẹ, làm thầy...

Những biểu hiện này có đến mức để nhiều người nhận định, đã có sự xuống cấp về đạo đức, sự suy thoái trong giáo dục hay không? Hạ hồi phân giải. Nhưng có thể khẳng định rằng, những biểu hiện rùng rợn của cái ác có hậu quả từ cách giáo dục của mỗi gia đình. Sở dĩ nói như vậy bởi giáo dục con người là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có ngành giáo dục, nhưng gốc rễ vẫn là giáo dục gia đình.

Gia đình là hạt nhân, là tế bào, là nền tảng của xã hội. Khái niệm trên hoàn toàn đúng. Mỗi "tế bào" gia đình khỏe mạnh sẽ là nền tảng quan trọng cho một "cơ thể" xã hội khỏe mạnh. Giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn của thời kỳ hội nhập và phát triển. Kiểu gia đình truyền thống tam, tứ đại đồng đường đã dần nhường chỗ cho mô hình gia đình gồm vợ chồng và một - hai con. Trong bối cảnh của xã hội hiện đại, mỗi thành viên trong gia đình (vợ, chồng) tham gia các quan hệ xã hội nhiều hơn thì thời gian, tâm sức dành cho gia đình cũng ít hơn. Sợi dây liên kết các thành viên trong mỗi gia đình cũng vì thế trở nên lỏng lẻo hơn.

Thời gian "vàng" đầu tiên của mỗi con người được "đẩy đưa" trong cái nôi gia đình. Cái nôi ấy thế nào sẽ tác động không nhỏ đến việc hình thành tính cách sau này của mỗi con người. Nhưng không phải người làm cha, làm mẹ nào cũng ý thức được điều đó, hoặc có khả năng chuyển nhận thức thành hành động. Trẻ nhỏ nghĩ gì khi phải vùi đầu vào sách vở trong khi cha mẹ chúng điềm nhiên nghe nhạc, xem ti vi; hoặc trong khi chúng bị phạt vì điểm kém thì cha mẹ vẫn "bét nhẹt" về nhà sau những buổi tiệc tùng? Trẻ nhỏ sẽ nghĩ gì khi cha mẹ chúng xua đuổi người ăn xin như đuổi tà hoặc bỏ qua nỗi khốn khó của người khác? Những tấm gương của cha, mẹ, sự đùm bọc giữa các thành viên gia đình và mọi người xung quanh là bài học trực quan giáo dục nhân cách trẻ.

Một vấn đề nữa, không ít bậc cha mẹ chỉ cốt sao kiếm được nhiều tiền cho con cái ăn tiêu thoái mái, thậm chí, muốn gì được nấy, như quần áo sang trọng, xe máy đắt tiền… Sự chiều chuộng thái quá dễ tạo cho trẻ tính xấu: chỉ biết đòi hỏi. Không có thời gian trò chuyện, trao đổi nhưng khi trẻ mắc lỗi, có vị sinh thành sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", thậm chí đánh con thâm tím mặt mày. Nạn bạo hành trong gia đình làm tổn thương, góp phần tạo nên những lệch lạc trong tính cách trẻ nhỏ. Đáng nói hơn, với không ít người làm cha, làm mẹ, chuyện giáo dục con trẻ được coi như thể không phải của họ, mà của nhà trường và xã hội. Sự thiếu chuẩn mực trong tư duy, thiếu trách nhiệm với gia đình của cha mẹ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những biểu hiện phi nhân tính của con trẻ.

Gia đình là cái nôi quan trọng, nhưng nhà trường và xã hội cũng có trách nhiệm rất lớn đối với việc hình thành nhân cách của mỗi con người. Những khiếm khuyết tự thân trong mỗi gia đình, những hạn chế của giáo dục trong nhà trường, đặc biệt trong việc chuyển tải lòng nhân ái, dạy trẻ biết làm người, cộng với những vấn đề bất cập nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày của thời kỳ hội nhập đầy "bão tố" đã góp phần tạo ra những khuyết tật trong đạo đức xã hội, khiến tỷ lệ tội phạm vị thành niên gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Thắp sáng lòng nhân ái bằng tình yêu thương đùm bọc và trách nhiệm của từng thành viên trong mỗi gia đình sẽ góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.

Thế Phương