Thuật toán và quyền mưu
Sách - Ngày đăng : 15:20, 27/06/2012
Trong suốt bề dày lịch sử mấy ngàn năm phát triển văn hóa, xã hội Trung Hoa đã ra đời và phát triển rất nhiều môn phái phương thuật, dự đoán học, binh pháp, mưu lược… mang đậm màu sắc mê tín dị đoan hoặc thần bí tôn giáo. Tuy nguồn gốc xuất xứ của những phương thuật này rất phức tạp, lại được pha trộn, cải biên, mở rộng, phát triển qua nhiều thời đại khác nhau nhưng vẫn được vận dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo thành những ảnh hưởng văn hóa tinh thần rất sâu rộng và bền vững cho đến tận ngày nay. Thế giới văn minh số hóa bây giờ lại đang có trào lưu hoài cổ, nghiên cứu, thực hành những tinh hoa lý thuyết cổ này (có lẽ đã bắt đầu từ Kinh Dịch trong những thập niên cuối của thế kỷ XX rồi). Những cụm danh từ riêng được sử dụng phổ thông trên các trang thông tin mạng hay bài viết, bài luận cùng các tài liệu, sách in… đều bắt nguồn từ thời cổ xưa. Ví như: Thiên can, Địa chi ra đời vào cuối đời nhà Hạ, thế kỷ XVI trước Công nguyên (B.C); Chu Dịch - bộ sách Vạn cổ kỳ thư ra đời thời Tây Chu, thế kỷ XI B.C; Quỷ Cốc Tử xuất hiện thời Xuân Thu Chiến quốc; Thuật Chiêm tinh, chiêm bốc có từ thời Lưỡng Hán năm 202 B.C; Thuật số và Kỳ môn do Gia Cát Lượng vạch ra và được áp dụng rộng rãi thời Tam quốc năm 420; Phương pháp đoán mệnh Bát tự được Lý Hư Trung sáng tạo thời Tùy Đường năm 907; Hệ thống Tứ trụ năm-tháng-ngày-giờ dùng tính mệnh lý được Tử Bình phát minh thời Bắc Tống năm 1127. Trải qua các đời Minh, Thanh, từ các bậc khai quốc công thần cho đến người dân đều biên soạn và sử dụng các kiến thức Tứ trụ, Bát tự, vận số, chiêm bốc. Hiện nay, các môn Dịch lý, Phong thủy, Triết học cổ còn đang được giảng dạy ở các trường học và các Viện nghiên cứu văn hóa khắp đất nước Trung Hoa. Để cùng độc giả hiểu rõ hơn về những lĩnh vực triết học vốn được coi là kỳ bí, mịt mờ này, xin lần lượt giới thiệu sơ lược bản chất, lý thuyết, nội dung những bộ môn thuật toán, những binh pháp nổi tiếng và những mưu lược hay nhất trong lịch sử triết học Trung Hoa. Thế nhưng, trước hết cần phải nhắc đến nội dung học thuyết âm dương ngũ hành căn bản - cái gốc không thể thiếu của mọi nghiên cứu về triết học Đông phương.
Học thuyết âm dương và ngũ hành
Theo sử sách, thuyết âm dương hình thành từ đời nhà Hạ, xuất hiện trong sách cổ Liên Sơn. Đây là học thuyết xương sống để nền triết học cổ đại Trung Hoa hình thành và phát triển. Người ta quan niệm, trong âm dương bao hàm ngũ hành và trong ngũ hành lại chia âm dương. Bên trong vạn vật đồng thời tồn tại hai thuộc tính đối lập nhau, nhưng lại thống nhất chung để biến hóa sinh thành, cho nên trong âm có dương, trong dương có âm và âm thịnh thì dương suy, dương thịnh thì âm suy. Trong sự thịnh vượng bao giờ cũng chứa mầm mống của sự suy, trong sự sống đều có mầm mống của sự chết, nhờ thế mà mọi biến hóa trong thế giới chỉ là một tiến trình hình thành rồi tan biến đi. Âm dương tuy tương phản trái ngược nhưng không tương khắc kiểu nước lửa, mà tương giao, tương thành thay thế lẫn nhau như ánh sáng và bóng tối, nóng và lạnh, mặt trời lặn mặt trăng lên, mùa này nối tiếp mùa kia thành năm tháng. Những động vật chạy nhảy thuộc dương; thực vật mọc vào đất là âm. Cùng sống ở dưới nước nhưng cá tôm là dương còn trai ốc sò là âm. Loài chim bay trên trời là dương trong dương, loài thú chạy trên mặt đất là âm trong dương. Loài vật làm tổ trên cây là dương, loài đào lỗ là âm... Cùng một cây, bộ phận cành lá trên mặt đất là dương, phần rễ dưới đất là âm, phần vỏ cây là dương phần gỗ là âm. Mặt lá cây hướng lên mặt trời là dương, mặt dưới là âm. Cây trên núi là dương, ven bờ nước là âm. Cỏ hướng Nam là dương còn hướng Bắc là âm... Tóm lại, muôn vật đều có âm dương hòa vào nhau, cùng tồn tại và phát triển.
Sự ra đời của học thuyết ngũ hành gần như đồng thời với học thuyết âm dương. Sách “Thương Thư” của Hồng Phạm (văn tự thời đầu Tây Chu) đã nêu ra khái niệm thuyết ngũ hành. Thuyết này cho rằng thế giới do 5 loại vật chất cơ bản tạo nên: Thủy, mộc, hỏa, thổ, kim. Sự phát triển biến hóa của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên (bao gồm cả con người) đều là kết quả vận động và tác động lẫn nhau không ngừng của 5 loại vật chất. Đây cũng là quan điểm biện chứng giản đơn nhất tạo nên quy luật sinh - diệt trong vũ trụ. Giữa các hành tồn tại quy luật sinh khắc giống như âm dương, nó là hai mặt đối lập và thống nhất không thể tách rời. Không có sinh thì sự vật không thể sinh ra phát triển; không có khắc thì không thể duy trì được sự cân bằng điều hòa trong quá trình phát triển. Sinh khắc của một hành cũng có hai vế: Cái nó sinh ra và cái sinh ra nó, cái nó khắc và cái khắc nó. Ngũ hành tương sinh là: Mộc sinh hỏa vì mộc ôn tính ấm áp, đốt cháy gỗ, sẽ sinh ra lửa. Hỏa sinh thổ, vì hỏa cháy thành tro đất. Thổ sinh kim, nằm trong đất. Kim sinh thủy, vì kim tan chảy sẽ thành thủy, khí kim ngầm trong núi sinh ra nguồn nước. Thủy sinh mộc, vì cây cối sinh trưởng tồn tại được nhờ nước. Ngũ hành tương khắc cũng là bản tính của tự nhiên: Mộc khắc thổ (cây đâm rễ vào đất để sống), là tập trung thắng dàn trải. Thổ khắc thủy (đắp đê ngăn nước), là thực thắng hư. Thủy khắc hỏa (nước làm tắt lửa), là nhiều thắng ít. Hỏa khắc kim (lửa nung chảy kim loại, là tinh nhuệ thắng cứng rắn. Kim khắc mộc (dao, cưa chặt cây), là cương thắng nhu. Mỗi hành còn có đặc tính riêng: Mộc màu xanh có tính sinh sôi dài thẳng; hỏa màu đỏ rất nóng, hướng bốc lên trên; thổ màu vàng nuôi lớn, hóa dục; kim màu trắng tính thanh tĩnh nhưng cứng rắn đứt; thủy màu đen, hàn lạnh, nhuận dưới.
Ngũ hành không những sinh khắc, bổ trợ mà còn khống chế lẫn nhau, những trường hợp đó là Thái quá và Bất cập. Vật thịnh quá mức thành dư thừa, cho nên trong mạnh đã có mầm yếu. Ngũ hành không chỉ khắc thuận chiều, như mạnh khắc suy, mà còn bị khắc ngược lại. Kim vượng gặp hỏa, sẽ thành vũ khí có ích. Kim sinh thủy, nhưng thủy nhiều thì kim chìm và kim tuy cứng vẫn bị thủy dần mài mòn. Kim khắc mộc nhưng mộc cứng thì kim bị mẻ, còn mộc yếu sẽ bị kim chặt đứt. Kim nhờ thổ sinh, nhưng thổ nhiều thì kim bị chôn vùi. Thổ sinh kim, nhưng kim quá nhiều thổ thành thiếu. Hỏa vượng gặp thủy, thì có thể ứng cứu lẫn nhau. Hỏa yếu, sẽ bị thổ đè tắt. Hỏa khắc kim, nhưng kim nhiều hỏa sẽ bất lực, còn kim yếu sẽ bị hỏa nung chảy. Hỏa nhờ mộc sinh, mộc nhiều thì lửa mạnh mẽ nhưng hỏa nhiều quá sẽ biến mộc thành than bùn. Thủy khắc hỏa, nhưng hỏa nhiều khiến thủy bốc hơi, hảo yếu bị thủy dập tắt. Kim sinh thủy, nhưng hễ kim nhiều thì thủy sẽ đục. Thổ vượng gặp mộc, sẽ tương hỗ lẫn nhau. Thổ khắc thủy, nhưng thủy mạnh thì thổ sẽ tan rã trôi mất, thủy yếu sẽ bị thổ chặn lại. Hỏa sinh thổ, nhưng hỏa mạnh thổ sẽ bị biến chất; còn thổ nhiều quá hỏa sẽ tự bị tàn lụi. Mộc vượng gặp kim, sẽ bổ trợ kết hợp chắc chắn. Mộc quá cứng, khiến hỏa leo lét. Mộc khắc thổ, nhưng thổ nhiều, mộc sẽ bị cong rúm ró, thổ yếu sẽ bị mộc làm nứt vỡ. Thủy sinh mộc, nhưng thủy nhiều sẽ cuốn trôi mộc, còn mộc dày đặc thì thủy sẽ bị phân tán, co lại.
Ngũ hành là 5 nhân tố sinh ra từ tự nhiên, cho nên sự tồn vong phát triển của nó cũng phải phụ thuộc vào thiên thời, cụ thể là các mùa trong năm quyết định đến sự sinh, vượng, tử, tuyệt của ngũ hành. Mộc thuộc mùa xuân. Hỏa thuộc mùa hè. Kim thuộc mùa thu. Thủy thuộc mùa đông. Thổ thuộc các tháng giao mùa 3-6-9-12 (còn gọi là tứ quý). Có thể thấy rõ: Mộc vượng ở mùa xuân, bình ở các tháng giao mùa, tử ở mùa hạ, tuyệt vào mùa thu và sinh ở mùa đông. Kim vượng ở mùa thu, sinh vào tháng giao mùa, bình mùa xuân, tử mùa đông và tuyệt mùa hè. Thủy vượng mùa đông, sinh mùa thu, bình mùa hạ, tử mùa xuân và tuyệt vào tứ quý. Thổ vượng vào tứ quý, sinh vào mùa hè, bình vào mùa đông, tử mùa thu và tuyệt mùa xuân. Từ vòng Tràng sinh của ngũ hành, người ta đã ứng dụng vào các lĩnh vực sinh học, y học, nhân diện học, tâm lý học để phục vụ đời sống con người rất thành công.
(Xem tiếp số sau)