Hình thành các HTX kiểu mới
Xã hội - Ngày đăng : 07:09, 27/06/2012
Tích tụ ruộng đất - dồn điền đổi thửa giúp các hộ dân giảm chi phí sản xuất, tiến tới cung ứnghàng hóa có giá trị cao không thể thiếu vai trò của các HTX.Ảnh: Sơn Tùng
Tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, HTX nông nghiệp nhiều năm liền hoạt động khó khăn, không phát huy được vai trò của mình trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Trước khi DĐĐT, bình quân mỗi thửa ruộng của các hộ xã viên chỉ đạt 250m², 60% diện tích làm đất vẫn phải sử dụng sức kéo trâu, bò và 100% diện tích cấy lúa theo cách truyền thống. Sau khi tiến hành DĐĐT bằng hình thức dùng cọc tiêu, phá bờ thửa, UBND xã Mai Đình đã tiến hành thành lập HTX mới trên cơ sở giải thể HTX cũ, từng bước củng cố và tăng cường các hoạt động dịch vụ cho HTX mới. Hiện tại, HTX đã có trên 60 xã viên tham gia, mỗi xã viên đóng góp 2 triệu đồng. Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Mai Đình Trương Quang Nhàn cho biết, HTX đã đảm nhiệm các khâu làm đất, gieo sạ, tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch cho người dân. Với cách làm này, chi phí sản xuất chỉ khoảng trên 260.000 đồng/sào, giảm khoảng 33% so với người dân tự làm. Bên cạnh đó, HTX còn đẩy mạnh ứng dụng KHKT, đưa giống tiến bộ vào sản xuất, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tăng cường đầu tư máy móc, phương tiện phục vụ việc cơ giới hóa trong nông nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ như đầu tư 12 máy cày, 6 máy gặt đập liên hợp, 125 ô tô và 27 máy các loại khác. Hiện HTX đang quy hoạch các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, phát triển nghề trồng nấm…
Bị giải thể từ nhiều năm trước do hoạt động kém hiệu quả, nhờ DĐĐT đầu năm 2012, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Hưng đã được "sống" lại. Từ chỗ không hộ nào có máy cày, đến nay toàn xã đã có 59 chiếc và quy hoạch được vùng gieo trồng lúa hàng hóa 150ha. Vụ xuân 2012, xã đã hỗ trợ các hộ nông dân cấy lúa Bắc thơm 1-1,2kg thóc giống/sào và 4kg kali/sào, khuyến khích người dân tham gia sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hưng cho biết, hiện tại HTX mới đang trong giai đoạn phục hồi nhưng thời gian tới sẽ định hướng hỗ trợ tốt hơn cho bà con nông dân. Cũng như ở Tân Hưng, tại xã Minh Trí, việc DĐĐT đang mở ra hướng đi mới và hy vọng cho người dân. Theo ông Hoàng Văn Tần, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã, trước đây HTX chỉ đảm nhiệm việc thu tiền điện, thủy lợi và bảo vệ, không đủ hạch toán kinh doanh nên phải giải thể. Sau khi DĐĐT, nhu cầu dịch vụ cho các chương trình sản xuất lúa hàng hóa, rau an toàn, hoa, cây cảnh ngày càng cao. Do đó, xã cũng đang xem xét thành lập HTX để đáp ứng dịch vụ trên cho người dân. Tương tự tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, nền nông nghiệp công nghệ cao đang hình thành ở nơi đây. Cánh đồng trồng hoa thôn Tháp và thôn Thu Quế đi mỏi chân vẫn thấy ngút ngàn hoa. Bà Tạ Thị Hải, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Song Phượng cho biết: Xã đã thực hiện xong DĐĐT, mỗi hộ gia đình bây giờ chỉ còn một, hai thửa rộng hàng nghìn mét vuông. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng những mô hình trồng hoa cao cấp cho giá trị gấp cả trăm lần so với trồng lúa.
Theo đại diện Liên minh HTX Hà Nội, qua thực tế kiểm tra đánh giá tại các huyện làm tốt công tác DĐĐT cho thấy: Đây thực sự là cơ hội tốt để khôi phục các HTX đã bị giải thể hoặc hoạt động trì trệ không hiệu quả. Sau khi củng cố, mô hình HTX dịch vụ kiểu mới mà Hà Nội lựa chọn triển khai ở hầu hết các xã đều hoạt động dưới dạng công ích phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Ở đây, mỗi xã viên tham gia HTX phải đóng cổ phần theo quy định để gắn trách nhiệm của mình đối với sự thành bại của HTX. Các khâu dịch vụ bao gồm làm đất, gieo sạ, tưới tiêu, vật tư (phân bón, giống, phòng trừ sâu bệnh) và thu hoạch sẽ được thực hiện thông qua hình thức HTX cổ phần dịch vụ kỹ thuật. Nông dân chính là người đưa ra sự lựa chọn tốt nhất, hiệu quả nhất đối với các loại hình dịch vụ mà mình cần, nhưng muốn như vậy, Nhà nước phải có định hướng và lãnh đạo các cấp huyện, xã phải gương mẫu đi đầu trong cuộc vận động này.