Bài 3: Người dân, nhà quản lý cùng than thở

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:09, 27/06/2012

(HNM) - Bất kể đã

Cảnh nhếch nhác tại nhà chờ xe buýt như thế này liệu có phải là “thiên đường” của tội phạm?


Những điểm dừng "biết đi"

Cách đây khoảng 3 tuần, anh L. Đ.N, công tác tại một cơ quan nhà nước lớn trên địa bàn Hà Nội, nhà ở quận Hà Đông, đã giật mình khi sau một đêm tỉnh dậy phát hiện điểm dừng xe buýt bỗng dưng cắm chềnh ềnh trước cửa nhà. Sau giật mình, anh N phát bực mình với cái điểm dừng xe buýt "biết đi". Trước đó, nó vốn "đứng" cách nhà anh tới vài chục mét. Thế là gia đình anh N bắt đầu chịu tình cảnh trước nhà người đứng chờ xe nhốn nháo, xe tấp vào rời đi bụi mù mịt… Tìm hiểu cặn kẽ tình hình, nghe "tư vấn" kỹ lưỡng từ một người bạn, anh N đành bấm bụng chi ra một khoản tiền để cái điểm dừng "đi" sang chỗ khác. Việc thi công được tiến hành vào ban đêm, nhanh chóng, trót lọt.

Điều đáng nói là điểm dừng này đã vài lần "di chuyển" như vậy.

Ông Nguyễn Quang Lâm, nhà mặt phố Lê Trọng Tấn (quận Hoàng Mai), cũng sống khá gần một điểm dừng xe buýt, bảo: - Nhà mặt đường thì sướng nhưng thành khốn khổ ngay nếu bỗng dưng bị xe buýt  nhắm  vào  vòng "quy hoạch" bởi nó chả khác nào bến xe thu nhỏ trước cửa nhà mình. Bụi bặm, ồn ào, nhốn nháo, chịu thế nào được.

Một điểm dừng xe buýt luôn là nỗi ám ảnh với nhiều nhà ở Hà Nội, đặc biệt khi họ sống tại những tuyến phố không có vỉa hè. Nỗi sợ chung là "bụi bặm, ồn ào, nhốn nháo, chướng mắt". Tuy nhiên, tại một đô thị mà quỹ đất dành cho giao thông phải đo đếm từng li từng tí như Hà Nội, đấy là điều khó tránh khỏi. Chẳng may bị "chấm" thì đành chịu chứ bị tập kích kiểu như anh N thì ai chịu nổi? Trong khi đó, quy trình lập điểm dừng xe buýt hết sức chặt chẽ. Ông Lương Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết: - Hiện tại, chúng tôi rất ít khi điều chỉnh điểm dừng xe buýt mà chủ yếu là lắp mới. Theo quy trình, để điều chỉnh một điểm dừng xe buýt phải qua rất nhiều khâu - kiến nghị của hành khách, ý kiến của chính quyền địa phương, trên cơ sở này chúng tôi tổ chức khảo sát để thống nhất làm văn bản xin cấp phép điều chỉnh. Sau khi Sở Giao thông - vận tải thông qua thì đơn vị thi công mới được thực hiện, đồng thời chúng tôi phải thông báo cho đơn vị vận hành biết.

Thế mà có những điểm dừng "biết đi" trong đêm. Và tất nhiên, nếu anh N đã "điều chỉnh" được "quy hoạch điểm đỗ", thì người khác cũng sẽ làm được, kinh nghiệm truyền tai mà. Vậy là đã có những cái vượt ra vòng quản lý của cơ quan chức năng.

Những nhà chờ... kinh hồn!

Nếu có xếp hạng về điểm dừng, nhà chờ xe buýt gây kinh sợ nhất, chắc chắn điểm dừng cạnh Bách hóa Kim Liên (phố Lương Định Của) chiếm vị trí cao. Mặc dù được xây dựng nhà chờ nhưng quả thực, phải rất chịu đựng hành khách đi xe buýt mới dám ngồi tại đây. Do chung quanh điểm này là nơi tập kết rác nên nhà chờ xe buýt này thường xuyên bị bao trùm trong mùi xú uế. Giữa ngày 20-6, nóng cật lực, chị Lê Quỳnh Liên, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, đứng chờ xe trong tình trạng mũ, khẩu trang, găng tay kín mít bảo: - Em đi thường xuyên, chịu mãi cũng quen rồi. Xe buýt dừng ở đây, không đứng đây thì biết đứng đâu!

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, mạng lưới điểm dừng xe buýt đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và phù hợp với vận hành xe buýt. Cự ly điểm dừng xe buýt bình quân trong khu vực nội thành 500m, ngoại thành 800m. Trong đó, số điểm dừng được lắp đặt nhà chờ là 300 điểm, chiếm 17% tổng số điểm dừng. Hệ thống điểm dừng xe buýt cũng thường xuyên được duy tu, duy trì, cập nhật thông tin và điều chỉnh hợp lý để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, phù hợp với tổ chức giao thông và mở rộng vùng phục vụ của xe buýt. Theo kế hoạch, năm 2012 đơn vị sẽ thay thế 35 nhà chờ xe buýt cũ xuống cấp, bổ sung thêm 100 nhà chờ tại các điểm dừng có đủ điều kiện mặt bằng và khu vực ngoại thành, nâng tổng số nhà chờ xe buýt lên 400. Tuy nhiên, chính ông Lương Đức Thịnh cũng than thở: - Tình trạng chiếm dụng hạ tầng xe buýt xảy ra thường xuyên. Đối tượng vi phạm là người bán hàng, xe ôm, đỗ xe ô tô… Tại nhiều nơi, nhà chờ, biển báo điểm dừng còn bị biến thành điểm dán quảng cáo rao vặt…

Theo một khảo sát của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, có tới 75 vị trí điểm dừng xe buýt thường xuyên bị chiếm dụng, ngoài ra còn nhiều vị trí khác bị chiếm dụng tại một số thời điểm nhất định. Trong số này, tại 2 điểm trung chuyển xe buýt Long Biên, Cầu Giấy, tình trạng chiếm dụng diễn ra rất phổ biến, lực lượng chức năng đã nhiều lần tiến hành giải tỏa nhưng không xử lý được dứt điểm. Đặc biệt, cùng với điểm Bách hóa Kim Liên, điểm dừng chợ Thượng Đình (Nguyễn Trãi), 212A Khâm Thiên… là những cái tên chắc chắn được đưa vào bảng xếp hạng… gây kinh sợ.

Cầm lái nhiều năm, ông TDH, Xí nghiệp Xe buýt Thăng Long, lại có cái nhìn khác: - Về cơ bản các điểm dừng xe buýt tương đối hợp lý. Tuy nhiên, nhiều điểm đánh đố lái xe. Chẳng hạn, có khu vực mặt đường rất hẹp lại bố trí nhà chờ, lái xe đánh vào đánh ra vừa chật vật, vừa gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.

"Chạy dài" theo xe buýt

Đánh giá về hạ tầng dành cho xe buýt, ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết: - Quỹ đất xây dựng thiếu, trong khi đó nhiều điểm dừng, đỗ xe buýt lại bị chiếm dụng, phương tiện cá nhân đỗ dưới lòng đường gây khó khăn cho xe buýt khi ra vào điểm đón trả khách. Theo khảo sát của chúng tôi, 38% khách đi xe buýt phải đi bộ trên 500m để đến điểm dừng, một số khu vực trong nội thành vẫn trắng xe buýt. Hiện tại, cũng cần phải bố trí lại điểm dừng xe buýt cho phù hợp với phân làn giao thông. Cũng theo Công ty Vận tải Hà Nội, tại những tuyến đường có vỉa hè rộng từ 5m trở lên nên xén vỉa hè, tạo các vịnh cho nhà chờ, điểm dừng xe buýt được ra vào an toàn.

Ông Lương Đức Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cũng thừa nhận những khó khăn này: - Đúng là cần phải điều chỉnh, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng xe buýt như các điểm đầu cuối, trung chuyển, điểm dừng, nhà chờ… đồng bộ.

Như vậy, những bức xúc, những than thở của người dân là có cơ sở.

Trung Nguyên