Quốc Oai quyết liệt vào cuộc

Xã hội - Ngày đăng : 07:07, 27/06/2012

(HNM) - Quốc Oai là huyện đầu tiên của TP Hà Nội tổ chức xóa lò gạch thủ công một cách tích cực. Với sự quyết liệt của chính quyền và ý thức tự giác của người dân, nhiều cam kết được thực hiện theo lộ trình khả thi, thế nhưng vẫn có không ít vấn đề cần tháo gỡ.


Các lò gạch thủ công ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai sẽ bị xóa bỏ trong năm 2012.

Vào thời điểm thu hoạch rộ lúa xuân, bận rộn chỉ đạo sản xuất, nhưng chính quyền cơ sở vẫn dành thời gian vận động người dân tự giác tuân thủ lộ trình xóa lò gạch thủ công, cũng như giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất gạch và xử lý những trường hợp vi phạm. Tại xã Sài Sơn, một trọng điểm tập trung nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, thời điểm cao nhất có tới 92 lò hoạt động, ông Đào Trọng Tiến, cán bộ trật tự xây dựng xã cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xóa lò gạch thủ công với sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền từ xã đến thôn. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân đã ký cam kết không đun đốt gạch thủ công. Có trường hợp dù chưa hết hợp đồng thuê đất vẫn cam kết sớm ngừng sản xuất gạch. Nhiều người dân xã Sài Sơn cho rằng, chủ trương xóa lò gạch thủ công ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và việc làm của hàng trăm lao động địa phương.

Hiện nhiều xã ở Quốc Oai đang rốt ráo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nhanh chóng tìm hướng giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho nông dân sau khi xóa lò gạch thủ công. Tại các xã Cộng Hòa, Đại Thành, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Tân Phú... do nhận thức rõ tác hại của các lò gạch đối với đời sống cộng đồng nên khi có chủ trương của huyện, chính quyền các địa phương đã chủ động vào cuộc quyết liệt. Nhiều xã, chính quyền chỉ đạo chấm dứt cho thuê đất làm gạch thủ công, đồng thời tạo điều kiện cho người dân thuê đất để phát triển trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Do đó, việc xóa lò gạch thủ công đã có những bước chuyển căn bản. Theo kết quả điều tra của huyện, nhiều cơ sở sản xuất gạch thủ công đã ký cam kết trong tháng 8 và 9-2012 tự nguyện tháo dỡ. Ông Nguyễn Quang Thắm, Phó phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, trong tháng 10 và 11, đoàn công tác liên ngành của huyện sẽ đôn đốc lần thứ hai việc thực hiện cam kết của các cơ sở sản xuất gạch, đồng thời lập biên bản xử lý vi phạm, xử phạt hành chính theo quy định và tổ chức cưỡng chế nếu trường hợp cố tình chây ỳ.

Tuy nhiên, việc thực hiện xóa lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Quốc Oai chưa đồng đều. Trong khi một số địa phương tích cực vào cuộc thì số khác chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, nhắc nhở. Tại các xã Tân Hòa, Ngọc Liệp, Hòa Thạch, Phú Cát, Sài Sơn... do biện pháp chưa quyết liệt nên vẫn tồn tại nhiều lò gạch. Ông Nguyễn Nho Kiên, cán bộ địa chính xã Sài Sơn cho rằng, nếu không có thái độ rõ ràng và quyết liệt không thể xóa lò gạch thủ công. Bởi nhu cầu gạch nung phục vụ xây dựng trên địa bàn huyện là rất lớn, trong khi đó chưa có vật liệu xây dựng thay thế. Huyện cũng tính đến phương án giải quyết việc làm cho người lao động bằng việc chuyển hướng sang sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với quy hoạch. Song phương án này không thể triển khai nhanh do quy trình, thủ tục đầu tư công nghệ mới rườm rà, phức tạp và cần sự đầu tư lớn. Do vậy việc giải quyết cho số lao động trong độ tuổi 35-40 chuyển từ sản xuất gạch thủ công sang ngành nghề khác rất khó khăn. Mặt khác, Quốc Oai đang tồn khá nhiều lò gạch thủ công, trong tổng số 187 lò chưa tháo dỡ, có tới gần 1/2 số cơ sở ký hợp đồng thuê đất với chính quyền các địa phương vẫn còn hiệu lực.

Thúy Nga