Tây Ban Nha trong “tâm bão”
Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 27/06/2012
Tây Ban Nha phải xin hỗ trợ tài chính không gây bất ngờ lớn nhưng động thái này đã khẳng định trụ cột thứ 4 của liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới vừa trở thành quân bài domino tiếp theo bị sụp đổ trong cơn giông tố nợ công đang hoành hành tại Châu Âu.
Ngân hàng hàng đầu Tây Ban Nha cũng bị hạ tín nhiệm tín dụng. |
Hy vọng và nỗ lực của Châu Âu để kéo Tây Ban Nha khỏi vết xe đổ của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland giờ đã tan biến. Quốc gia Tây Nam Âu tự "biết bệnh" để tình nguyện gia nhập bản danh sách những nạn nhân cần được trợ giúp được đánh giá còn tốt hơn việc kiên quyết không cầu viện tài chính từ bên ngoài. Ít nhất, quyết định này khiến ngọn lửa trên hệ thống tài chính Tây Ban Nha được kịp thời ngăn chặn trước khi không thể cứu vãn.
Mặc dù cùng chung số phận như những quốc gia đi trước, nhưng vấn đề của Tây Ban Nha hoàn toàn khác biệt. Không lâm vào lạm chi để dẫn đến nợ nần, gót chân Asin của xứ Bò tót nằm ở hệ thống ngân hàng. Quá trình ủ bệnh của Tây Ban Nha diễn ra trong một thời gian khá dài và khá âm thầm. Thỉnh thoảng, Madrid lại khuấy động thị trường bằng những tin tức kinh tế thiếu lạc quan. Tuy nhiên, đỉnh điểm của "cơn sốt" Tây Ban Nha bắt đầu vào tháng 5 khi Madrid phải đưa ra quyết định quốc hữu hóa một phần Ngân hàng Bankia. Tất nhiên, sự can thiệp vào nhà băng lớn thứ 4 của nước này không thể là câu trả lời cho những khó khăn ngày càng lớn dần về tài chính mà ngược lại đã đặt một dấu mốc khẳng định: Vòng xoáy vỡ nợ đã lan tới Tây Nam Âu.
Con đê yếu không thể ngăn được dòng nước lớn, kể từ đó báo cáo kiểm toán của các ngân hàng lớn ở xứ Bò tót đều chung một nhận định, nếu không có hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế, các ngân hàng Tây Ban Nha khó mà vượt qua hoạn nạn. Theo đánh giá của các định chế tài chính quốc tế, đến thời điểm này, Madrid cần từ 51 đến 62 tỷ euro để bù đắp những khoản tiền âm mà hàng loạt các ngân hàng đang gánh chịu sau sự bùng nổ cấp thời của thị trường địa ốc. Quả bóng bất động sản bắt đầu lớn như thổi từ 10% GDP năm 1992 để chiếm tới 43% GDP năm 2009. Như vậy để có thể định lượng được các nhà băng Tây Ban Nha đã mất mát thế nào khi đến cuối năm ngoái, tỷ lệ này chỉ còn 37%.
Các lãnh đạo Châu Âu rất hiểu vấn đề và về nguyên tắc đã thống nhất sẽ bơm tiền giúp Tây Ban Nha chống bão. Thế nhưng, quyết định chóng vánh đó chưa thể làm ấm lên niềm tin đã nguội lạnh. Các nhà đầu tư toàn cầu chưa được thuyết phục rằng, chiếc phao 100 tỷ euro sẽ là đáp án cuối cùng cho bài toán nan giải tại xứ Bò tót. Các hãng đánh giá tín nhiệm dường như nhạy bén hơn cả. Sau nhiều lần liên tiếp hạ tín nhiệm của Tây Ban Nha, nhà đánh giá tín dụng Moody's bên kia bờ Đại Tây Dương lại vừa đánh tụt chỉ số tín nhiệm tới 28 ngân hàng lớn, trong đó có cả hai đại gia Santander và BBVA tại Tây Ban Nha. Sau cú "chinh phạt" này, phong độ của nền tài chính Tây Ban Nha gần như tan biến. Điều này đồng nghĩa với việc Madrid sẽ phải trả chi phí cao để cơ cấu các khoản nợ khi các nhà đầu tư đòi lãi suất cao hơn để giảm thiểu rủi ro. Do vậy, các nhà tài chính xứ Bò tót sẽ phải nỗ lực rất nhiều để gỡ mớ nợ đang gánh.
"Sức khỏe" của hệ thống ngân hàng đang nắm giữ vận mệnh của Tây Ban Nha. 2/3 số trái phiếu chính phủ, các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm tại quốc gia Tây Nam Âu là do các ngân hàng nắm giữ. Do đó, chỉ khi hệ thống này được cải thiện, Madrid mới có khả năng tiếp cận được quỹ đạo hồi phục. Ngược lại, Tây Ban Nha sẽ đến bên bờ vực vỡ nợ. Giải quyết những hậu quả tài chính không bao giờ là dễ dàng; nhất là khi Liên minh Châu Âu đang liên tiếp phải tung tiền giải cứu các quốc gia như đã và đang thực hiện. Song, với quyết tâm chính trị mà Lục địa già đang thể hiện, vẫn còn thời gian để Tây Ban Nha "sửa sai". Thế giới đang hồi hộp chờ đợi những chỉ dấu lạc quan hơn từ nền kinh tế đứng thứ 12 hành tinh để con tàu kinh tế thế giới có thể sớm đến vùng bình yên.