Ngành dệt may tiếp tục bứt phá

Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 26/06/2012

(HNM) - Sáu tháng đầu năm 2012, ngành dệt may (DM) tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định và là ngành có kim ngạch xuất khẩu (XK) lớn nhất cả nước.


Giá các loại nguyên liệu "đầu vào" tăng, việc tiếp cận vốn khó và lãi suất vay cao, khiến doanh nghiệp (DN) DM không thể tiếp cận vốn và kinh doanh một cách bình thường. Tình hình kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường XK truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản. Giá bông trên thị trường giảm sâu, chỉ bằng 40-45% giá tại cùng thời điểm năm 2011, gây nhiều khó khăn cho DN kinh doanh sợi... Trước tình hình đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đầu tư có trọng điểm vào các dự án may, sợi có tỷ suất lợi nhuận cao và có khả năng hoàn thành sớm; tập trung sản xuất nguyên liệu trong nước để hạn chế nhập khẩu; đẩy mạnh tiết kiệm, tận dụng nguyên liệu để sản xuất sản phẩm mới… Với những nỗ lực đó, kim ngạch XK hàng DM và xơ, sợi dệt các loại toàn ngành 5 tháng đầu năm nay đạt 6,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, riêng XK hàng DM đạt 5,46 tỷ USD, tăng 11%. Thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch XK hàng DM, với 51%; tiếp đến là thị trường EU 16%, Nhật Bản 13%, Hàn Quốc 6%... Đáng chú ý, lợi thế cạnh tranh của hàng DM Việt Nam tại thị trường Châu Âu vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, tiêu thụ nội địa đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 8,4%. Doanh thu đạt 19.474 tỷ đồng, tăng 11%, đạt 48% kế hoạch.


Năm 2012, Tập đoàn phấn đấu tăng kim ngạch XK khoảng 15-16% so với năm ngoái. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, ngành DM còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, do kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Khi nhu cầu giảm kéo giá XK giảm, lượng hàng DM XK sẽ tăng cao nhưng kim ngạch lại tăng không tương xứng. Toàn ngành đang nỗ lực giúp DN khai thác, mở rộng thị trường.

Mặt khác, ngành đang nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng XK theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm); tăng sử dụng các nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước. Các đơn vị trong ngành tiếp tục tiết giảm chi phí, hạ giá thành, tăng năng suất lao động, tăng cường quản trị DN để nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung thực hiện tăng vòng quay vốn lưu động, tăng hiệu suất sử dụng tài sản cố định, nâng tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phấn đấu kim ngạch XK đạt 18 tỷ USD trong năm nay.

Thanh Hiền