Những con đường một chiều

Xã hội - Ngày đăng : 06:53, 26/06/2012

(HNM)- Không có

Dù rất nỗ lực nhưng Ribery (áo trắng) không thể giúp tuyển Pháp đi tiếp.


Các đại diện của bảng A (CH Czech, Hy Lạp) và bảng D (Pháp, Anh) đều không có lý do gì để nuối tiếc khi gục ngã trước cửa vòng bán kết. Theo cách này hay cách khác, họ đều đã bị đánh bại một cách "tâm phục, khẩu phục" bởi những ứng cử viên vô địch thực thụ.

Tất cả mọi người đều biết khả năng bùng nổ của Cristiano Ronaldo, đều hiểu sự đa dạng trong khả năng tiến công của ĐT Đức, đều "nhắm mắt cũng có thể hình dung" cách ĐKVĐ Tây Ban Nha sẽ hướng tới để kiểm soát trận đấu và cũng đều nhận thức được rằng người Italia sẽ trở nên nguy hiểm thế nào nếu Pirlo được tự do. Song, biết là một chuyện, làm được gì lại là chuyện hoàn toàn khác.

Không thể đòi hỏi gì nhiều hơn ở một CH Czech "què quặt" như thế, khi việc họ vào tứ kết đã là một cú sốc và đặc biệt là khi C.Ronaldo đã lấy lại trọn vẹn lòng tự tin, khả năng tàn phá của mình, giống như những gì anh từng thể hiện dưới màu áo trắng Real Madrid. Kể cả khi chấp nhận "tử thủ", các học trò của HLV Michal Bilek (Czech) cũng không đủ kỹ năng để vô hiệu hóa CR7- biệt danh của Ronaldo, bởi thực chất thì phòng ngự chưa từng là điểm mạnh của họ. Chỉ thất bại với một bàn cách biệt tối thiểu, nhưng khoảng cách trình độ giữa CH Czech với Bồ Đào Nha là quá lớn.

Tương tự như Czech, việc các công sự phòng ngự Hy Lạp bị san bằng bởi những đợt oanh tạc dữ dội của đội tuyển Đức chẳng làm ai bất ngờ. Bị kéo căng ra từ mọi phía, bị tràn ngập ở tuyến giữa, bị đẩy lùi về quanh vòng cấm và gần như không thể tổ chức phản kích, những ảo tưởng về một "hàng phòng ngự thép" mà đội tuyển Hy Lạp đã thể hiện như năm 2004 hoàn toàn tan vỡ.

Không thua kém một cách rõ rệt về tiềm lực so với đối thủ như CH Czech hay Hy Lạp, song hai đội bóng bên bờ eo biển Manche lại vào trận với những khiếm khuyết quá lớn về mặt tinh thần. Les Bleus của HLV Laurent Blanc buộc phải "nghênh chiến" với Tây Ban Nha bằng một đội ngũ đầy nghẹt những hiềm khích nội bộ, trong khi lại chỉ biết tìm kiếm chiến thắng bằng một phương thức mô phỏng "sở trường" của chính địch thủ. Không đủ hưng phấn, không giàu ý tưởng, không có cả sự gắn kết, đội bóng áo lam gần như không tạo dựng được một chút sức ép nào lên các "bậc thầy" của lối chơi tiqui - taca và sự sụp đổ của họ là điều tất yếu.

Sau họ một ngày, "Sư tử Anh quốc" cũng phải trả giá cho việc đi quá xa trên hành trình sao chép bản sắc. ĐT Anh đã chơi phòng ngự rất ấn tượng kể từ đầu giải, nhưng khi thực sự muốn tìm kiếm tấm vé vào bán kết thông qua những loạt sút luân lưu - nơi họ chưa bao giờ là một đối thủ sắt đá thì các học trò HLV Roy Hodgson trở lại điểm khởi đầu. Đội bóng ấy không phải là Chelsea tại Champions League và cách họ phòng ngự cũng hoàn toàn kém xa so với các chuyên gia Italia về độ chủ động. Chỉ cần một lần may mắn hơn trong 90 phút chính thức, Balotelli đã có thể làm phá sản mọi toan tính của đội tuyển Anh. Cú sục bóng phiêu lãng và ngạo nghễ của Pirlo trong loạt sút 11m, dù muộn màng, cũng đủ để khơi bùng lên nỗi sợ hãi trong những "trái tim sư tử".

Chân lý đã thuộc về kẻ mạnh và điều đó là xứng đáng, cho dù vòng tứ kết EURO 2012 này thiếu vắng quá nhiều "phong vị" của sự bất ngờ - sức hấp dẫn lớn nhất trong những thuộc tính của "môn thể thao vua". 9 bàn thắng qua 4 trận không hẳn là ít, nhưng những biểu hiện một chiều thì lại diễn ra quá nhiều, khi những đoàn quân chiến bại không chỉ thua sút về tiềm lực. Đó còn là những khoảng cách về bản sắc, lòng kiêu hãnh, ý chí quật cường và cả tham vọng chiến thắng lẫn sự thanh thản trong tinh thần…

Đông Phong