Cảnh báo từ chỉ số giá tiêu dùng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 26/06/2012
Theo thông báo này, lần đầu tiên CPI của nước ta giảm hơn tháng 5 trước đó 0,26% sau 38 tháng liên tục tháng sau tăng hơn tháng trước. Với mức tăng trưởng âm này, CPI 6 tháng qua chỉ tăng 2,52% so với tháng 12 - 2011 và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Vụ trưởng Vụ giá - Tổng cục Thống kê, tình trạng tăng trưởng âm này là do các nhóm hàng dịch vụ ăn uống; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; giao thông - vận tải có mức giảm rõ rệt do lượng hàng hóa dồi dào hơn và giá xăng dầu; bưu chính - viễn thông giảm; lực kéo do CPI ở hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giảm mạnh kéo CPI của cả nước giảm theo. Tuy nhiên, các nhà điều hành giá cũng vẫn thừa nhận một lý do không thể không tính đến là sức mua đã suy giảm nghiêm trọng do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát đã nảy sinh những phản ứng phụ không mong muốn.
Trước thực trạng này, yếu tố tâm lý vô cùng quan trọng. Trước hết, không nên đổ lỗi cho những biện pháp chống lạm phát, nhất là các biện pháp tài chính, tín dụng như thắt chặt lưu thông tiền tệ từ đó đi đến một cực đoan khác là tạo đà cho lạm phát trở lại. Muốn ngăn chặn giảm phát, có việc nới lỏng lưu thông nhưng điều đó là không đủ. Biện pháp lâu dài, cơ bản là tăng cầu, kích thích thị trường, giảm tồn kho hàng hóa, từ đó đẩy mạnh sản xuất, giảm thất nghiệp. Muốn như vậy, cần sự cố gắng, hỗ trợ lẫn nhau của toàn xã hội, từ tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ tới từng người dân.
Không chỉ ở nước ta, trước sự yếu đi của đồng tiền, người ta thường thắt chặt chi tiêu cả trong mua sắm lẫn đầu tư. Hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, doanh nghiệp không dám vay vốn thêm, sản xuất đình trệ, nợ xấu tăng lên. Thành lập công ty mua bán nợ xấu với số vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng là một cách tháo gỡ cho doanh nghiệp để từ đó kích thích vay vốn nhưng nếu như sức mua không tăng, thị trường trầm lặng thì dù có giảm bớt gánh nặng phải trả lãi, doanh nghiệp cũng không dám bung ra. Vậy các tổ chức tín dụng cần đồng thời cả khoanh nợ và giảm hàng tồn kho cho doanh nghiệp, bằng cách lấy hàng tồn kho làm tài sản thế chấp, tháo gỡ một trở ngại chính hiện nay của hàng vạn doanh nghiệp là thiếu tài sản thế chấp khi vay vốn. Đối với doanh nghiệp, lúc này là thời điểm thử thách khả năng nâng cao chất lượng, giảm giá thành, mở rộng thị trường bằng các hình thức hàng đổi hàng, đưa hàng về nông thôn, giảm giá, khuyến mãi. Đối với người tiêu dùng là tăng khả năng đầu tư, mua sắm. Nếu tình trạng thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, hàng lậu, hàng kém phẩm chất ùa vào nước ta ngày một nhiều, thị trường nông sản bị thương lái thao túng, người ta đổ xô tích trữ vàng, ngoại tệ và thông tin về thực phẩm ôi thiu, thực phẩm nhiễm độc, bị dịch bệnh, xăng kém chất lượng, giá điện đội lên vô lối… tiếp tục róng lên hằng ngày thì việc kích thích tiêu dùng để chống lạm phát đồng thời chống giảm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý thật khó. Cho nên để tháo gỡ những khó khăn, kiềm chế nguy cơ giảm phát hiện nay thì việc đầu tiên chính là giải quyết những vấn đề cụ thể nêu trên.