Tai nạn và ùn tắc đều giảm

Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 26/06/2012

(HNM) - Sáu tháng, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 415 vụ TNGT làm 312 người chết, 213 người bị thương (giảm 55 vụ, bằng 11,7%; giảm 55 người chết, bằng 15%; giảm 52 người bị thương, bằng 19,6% so với cùng kỳ); 46/124 điểm ùn tắc giao thông đã được xóa bỏ...


Cầu vượt nhẹ nút giao thông Chùa Bộc - Tây Sơn đưa vào sử dụng góp phần giảm ùn tắc giao thông Hà Nội.Ảnh: Bá Hoạt

Sáng 25-6, tại trụ sở Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, UBND các tỉnh về sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm. Đánh giá chung thời gian qua, nhiều địa phương đã có những mô hình tốt, những cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT. Hơn 50 trong tổng số 63 tỉnh, thành đã giảm cả 3 tiêu chí về ATGT. Trong đó điển hình là Hà Nội với các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm làm giảm ùn tắc và TNGT như phân làn, tổ chức giao thông; thay đổi giờ học, giờ làm; đầu tư xây dựng cầu vượt nhẹ; Tổ công tác 141 của Công an TP Hà Nội tích cực tuần tra, trấn áp tội phạm…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, trong đầu tư xây dựng giao thông, TP đã khẩn trương thi công và đưa vào khai thác 2 cầu vượt nhẹ tại nút Tây Sơn - Chùa Bộc và Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ. TP đang tập trung triển khai 3 cầu vượt nhẹ tại các nút giao: Nguyễn Chí Thanh - Láng, Lê Văn Lương - Láng, nút Nam Hồng, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán năm 2013, đẩy nhanh tiến độ thi công đường Văn Cao - Hồ Tây, đường Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng, đường Kim Mã - Trần Phú, đường Liễu Giai - Núi Trúc - Sơn Tây và một số tuyến trục chính đô thị. Triển khai xây dựng bổ sung một số cầu kết cấu thép lắp ghép tải trọng nhẹ để mở rộng mặt cắt ngang cầu cũ cho phương tiện xe máy, xe đạp hoặc cho ô tô con qua lại sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét…

Trong công tác tổ chức giao thông, TP đã có nhiều cách làm khoa học phát huy hiệu quả cao. Đó là việc triển khai khảo sát, thực hiện đếm xe tại trục giao thông chính và một số nút giao thông quan trọng, khu vực trường học… nhằm xác định luồng di chuyển của các dòng phương tiện cũng như mức độ quá tải của hạ tầng giao thông để đề ra giải pháp tổ chức giao thông mang tính tổng thể, đề xuất dự án ưu tiên đầu tư cải tạo hoặc xây cầu vượt đối với các nút giao đã quá tải. Xây dựng bản đồ điện tử kỹ thuật số để theo dõi, đánh giá tình trạng ùn tắc giao thông theo thời gian thực. Tổ chức lực lượng tình nguyện gồm sinh viên, thanh niên xung kích, cựu chiến binh, dân phòng tham gia giữ gìn trật tự ATGT và điều tiết giao thông tại các khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc. Tiếp tục duy trì, tổ chức phân làn phương tiện trên 5 tuyến phố nội thành (Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng, Xã Đàn). Thu hồi giấy phép và cấm trông giữ phương tiện trên vỉa hè, lòng đường tại 265 tuyến phố…

Nhằm tiếp tục giảm ùn tắc và TNGT, từ nay đến cuối năm 2012 và các giai đoạn tiếp theo, TP tiếp tục tổ chức phân làn trên các tuyến có đủ điều kiện (khoảng 25 tuyến). Triển khai dự án nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Lắp đặt hệ thống camera giám sát tại 200 nút. Thí điểm triển khai đề án giao thông thông minh cho Đại lộ Thăng Long. Giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ. Bố trí lực lượng phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bảo đảm ATGT tại các đường ngang…

Đánh giá chung về tình hình TTATGT trên cả nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhiều địa phương làm tốt công tác tuyên truyền với các hình thức mới như kêu gọi cán bộ công chức không uống rượu bia vào buổi trưa; phát mũ bảo hiểm mới và thu hồi mũ bảo hiểm kém chất lượng; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông; công khai danh tính cá nhân vi phạm pháp luật giao thông trên báo chí… Phó Thủ tướng nhấn mạnh, có nhiều nguyên nhân gây ùn tắc và TNGT nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là ý thức. Các cấp, ngành, địa phương cần triển khai tuyên truyền vận động tích cực, sâu rộng hơn với nhiều hình thức phong phú đến tận mỗi gia đình, cá nhân. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương học tập, nhân rộng mô hình Tổ công tác 141 của Công an TP Hà Nội để nâng cao hiệu quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và trấn áp tội phạm. Xử lý nghiêm lái xe có nồng độ cồn, phương tiện chở quá khổ, quá tải. Trong xử lý cần nghiêm khắc hơn nữa và không loại trừ bất cứ đối tượng nào vi phạm. Bộ GTVT khẩn trương triển khai các đề án trọng điểm, gồm: sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đăng kiểm phương tiện; phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012-2020; hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn...

Tuấn Lương