Bài 2: Đạo chích hoành hành

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:25, 26/06/2012

(HNM) - Hình ảnh những gã trai lơ đầu đội mũ lưỡi trai, vai khoác ba lô, ăn mặc xuềnh xoàng mắt chẳng bao giờ dám nhìn thẳng người đối diện được rất nhiều hành khách đi xe buýt vạch mặt chỉ tên đích thị là những tên trộm cắp móc túi trà trộn được đăng tải công khai trên các diễn đàn mạng Internet để cảnh báo mọi người.

Mặc dù đã có sự vào cuộc kiên quyết của các cơ quan chức năng, sự đề cao cảnh giác của người dân nhưng tình hình an ninh trật tự tại các bến xe buýt, các trạm trung chuyển vẫn diễn biến phức tạp.

Một đối tượng và tang vật bị tổ công tác 142 bắt giữ.

Muôn kiểu móc, lừa, xin đểu...

Trên một diễn đàn, có bạn sinh viên đã đưa ra lời cảnh báo: Vì thường xuyên phải đi xe buýt từ khu vực Cầu Giấy đến Thanh Xuân nên tôi quan sát thấy một thanh niên dáng gày gò, thường đội mũ xùm xụp, lúc nào lên xe cũng ca bài ca hết tiền để vừa "đe dọa" vừa "xin xỏ" nhân viên xe buýt cho đi nhờ vì lỡ rơi mất ví. Thấy anh ta mè nheo, cũng có người tốt bụng mua giúp hộ cho chiếc vé xe. Chỉ đợi có thế, anh ta cũng tận thu luôn lòng tốt của những người xung quanh bằng cách vờ xin dăm ba chục nghìn đồng, nhưng khi khổ chủ loay hoay rút hầu bao thì "như có phép màu" chiếc điện thoại hay những vật dụng đắt tiền của người tốt bụng đã biến mất từ lúc nào khi anh này xuống xe.

Thực tế đi khảo sát trên các chuyến xe buýt dọc ngang thành phố thời gian qua, PV Báo Hànộimới đã trực tiếp chứng kiến còn có nhiều thủ đoạn như vờ đổi tiền để đánh tráo tiền giả có mệnh giá lớn đến bán hàng rong trên xe buýt gây tập trung chú ý để đồng bọn giở thủ đoạn "hai ngón" trộm cắp đồ đạc của hành khách. Cũng dễ dàng nhận ra, các băng nhóm trộm cắp, móc túi trên xe buýt thường được tổ chức ít nhất 3 đến 4 tên. Một tên trực tiếp móc đồ và nhanh thoăn thoắt như ảo thuật lợi dụng nhịp lăn bánh của chiếc xe khi chuẩn bị dừng đỗ bến để ra tay. Lấy được món đồ rồi, thường là ví tiền, điện thoại tên này nhanh chóng thực hiện màn "ảo thuật" truyền qua đồng bọn. Đi "có hội có thuyền" như thế nên chúng dễ dàng vừa "ăn cướp vừa la làng" khi bị phát hiện. Ngang nhiên hơn có nhóm trộm còn dùng dao rạch cả ba lô, túi xách của hành khách.

Trung tá Lê Kim Đồng, Đội phó Đội 5, Phòng CSHS cho biết, nhiều đối tượng hành nghề trộm cắp tại các bến xe buýt là con nghiện ma túy và nhiễm HIV giai đoạn cuối nên rất manh động. Chúng thường lấy mác "nhiễm HIV", sử dụng cả bơm kim tiêm có dính máu để uy hiếp người dân. Hành khách phải cảnh giác bởi các đối tượng thường lợi dụng khi xe phanh người ào về phía trước để móc túi…

Bạn Lại Nam Hà, sinh viên sư phạm - một nạn nhân đã bị móc điện thoại trên xe buýt than thở: "Nhớ lại lần bị mất điện thoại, lúc đó xe buýt rất đông, có cảm tưởng mỗi người chỉ còn đứng được một chân dưới sàn. Thời điểm xe giảm tốc độ đột ngột để đón trả khách, bị xô đẩy nên theo phải xạ em phải bỏ hai tay ôm khư khư chiếc túi suốt dọc đường ra tóm lấy móc trên nóc. Dù ngay sau đấy cảm nhận ngay có ai đó thò tay vào túi móc trộm đồ nhưng không làm gì được". Còn trong chuyến khảo sát tuyến số 201 đi thị xã Sơn Tây, PV Báo Hànộimới đã nghe anh Hùng - một phụ xe kể về thủ đoạn khá bất ngờ của những người mang danh một tổ chức từ thiện đi giới thiệu về sản phẩm thuốc cổ truyền. Những người có khuôn mặt khả kính này có chiêu tiếp thị vô cùng "độc" khi phát đơn thuốc cho một số người, ông ta nói "để thử lòng mọi người có tin vào thuốc nam không nên sẽ bán 2.000 đồng/tờ đơn thuốc, ai tin thì mua". Do giá tiền quá rẻ nên hầu như tất cả mọi người trên xe tò mò, ai cũng mua một tờ. Sau khi bán hết đơn thuốc với cách này, người đàn ông này bất ngờ trả lại tiền cho mọi người vì nói đây chỉ là phép thử. Được trả lại tiền sòng phẳng dĩ nhiên ai cũng tin, nhưng chính vào thời điểm này người đàn ông sau khi giả vờ phát miễn phí một vài vỉ thuốc nói là số lượng có hạn bất ngờ tuyên bố sẽ thử lòng mọi người bằng cách thu 25.000 đồng để lấy một vỉ thuốc. Trong khi cả xe tưởng sẽ được trả lại tiền như lần trước thì gã bán thuốc dạo đã cao chạy xa bay từ lúc nào. Nhưng cú lừa này vẫn chưa ngoạn mục bằng "tiết mục" đổi tiền của các kiều nữ xinh đẹp ăn mặc sành điệu tự nhiên bất ngờ xuất hiện trên một chuyến xe buýt vốn chật chội và đầy cảnh giác. Rất lịch sự, khi nhân viên bán vé còn chưa lên tiếng kiều nữ đã mạnh dạn móc hầu bao rút ra một tờ bạc mệnh giá lớn (thường là 500 nghìn đồng) để trả tiền vé. Không hiểu sao, trong những trường hợp này, chẳng anh phụ xe nào có tiền lẻ để trả mà phải đề nghị kiều nữ đi đổi tiền. Thường thì với "mỹ nhân kế" khá hoàn hảo như vậy phi vụ đổi tiền nào cũng thành công và người bị đổi tiền chỉ phát hiện ra tiền giả khi sử dụng sau đó.

Có "142" mà vẫn phập phồng... lo!

Để tập trung đấu tranh trấn áp loại tội phạm này, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác đặc biệt gọi tắt là "tổ công tác 142" sử dụng tất cả các cách thức nhằm chủ động phát hiện, bắt giữ, xử lý kiên quyết, triệt để các băng nhóm tội phạm hoạt động trên các tuyến vận chuyển hành khách công cộng. Đã có 10 tổ công tác được thành lập và hoạt động từ ngày 20-10-2011. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, nhiều đối tượng đạo chích "sừng sỏ" ở Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên đã bị bắt quả tang như Phùng Bá Thi ở Ba Vì, Hà Nội; Đào Văn Tú, 22 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên. Gần đây nhất, ngày 5-6 vừa qua tổ trinh sát hóa trang Phòng CSHS làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm tại điểm dừng đón xe buýt trước cửa Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, bắt Nguyễn Văn Quang (SN 1982, trú ở ngõ 132 Quan Hoa, Cầu Giấy) và Nguyễn Văn Thêu (SN 1960, trú Phú Diễn, Từ Liêm) khi chúng đang trộm cắp.

Ngoài việc bắt giữ, trấn áp các đối tượng, việc triển khai thực hiện biện pháp mạnh này còn góp phần tuyên truyền đến quần chúng nhân dân, cán bộ các công ty vận tải hành khách đặc biệt là các lái và phụ xe có ý thức cảnh giác, phòng ngừa đấu tranh với tội phạm; góp phần kiềm chế hoạt động của các loại tội phạm trên các địa bàn công cộng nói chung và trên các tuyến vận tải hành khách công cộng nói riêng, không để các đối tượng công khai, lộng hành, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân như thời gian trước đây và nhờ vậy đã tạo được lòng tin, sự yên tâm đối với hành khách khi đi lại trên các tuyến vận tải hành khách công cộng. Đại tá Đào Thanh Hải - Trưởng phòng CSHS cho biết, trong thời gian ngắn, 10 tổ công tác đã xử lý gần 150 người về các tội danh cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại các bến xe, nhà ga, và tội phạm trộm cắp tài sản chiếm phần đông trong số này.

Tuy vậy, dù bị các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp trấn áp khá quyết liệt, nhưng hoạt động tội phạm trên các tuyến xe buýt mới chỉ tạm lắng xuống. Hễ có dịp như sinh viên về thi, nhập học, ngày lễ, tết... lợi dụng nhu cầu đi lại bằng xe buýt tăng đột biến, bọn lưu manh, côn đồ lại hoành hành, khiến tất cả khách đi xe buýt luôn trong tâm trạng phập phồng lo lắng!

Qua 6 tháng đầu năm 2012, thực hiện kế hoạch đấu tranh các tổ công tác đã bắt giữ 104 vụ, 145 đối tượng trong đó bắt giữ trên các tuyến xe buýt và tại các điểm đỗ xe buýt 87 vụ - 123 đối tượng; tại các bệnh viện 8 vụ - 10 đối tượng; tại Siêu thị Big C 8 vụ - 9 đối tượng; tại Văn Miếu Quốc Tử Giám 1 vụ - 3 đối tượng. Tang vật thu giữ trên 20 triệu đồng tiền mặt, 64 điện thoại di động, 3 máy ảnh, 11 thẻ ATM, 3 dao nhọn, 1 kìm sắt... đã lập hồ sơ truy tố 16 vụ - 16 đối tượng.

Triệu Dương