Làng Vạn Long
Xã hội - Ngày đăng : 09:00, 02/04/2004
Vạn Long (tên Nôm là làng Dâu) thời phong kiến là một thôn của xã Nghĩa Đô, huyện Từ liêm, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Làng nằm ven sông Tô Lịch, có vùng bãi rộng, màu mỡ, thuận tiện cho việc trồng dâu nuôi tằm, đi kèm với dệt lụa, là những nghề sống chính của dân làng xưa kia. Tên Nôm của làng là “Dâu” cũng có nguồn gốc từ đó.
Nghề dệt lụa là nghề phổ biến của các làng vùng Bưởi, do một người họ Thái ở Trung Quốc sang truyền nghề đầu tiên ở làng Bái Ân, rồi sang Vạn Long, Trung Nha, Trích Sài…Sản phẩm của nghề dệt là lĩnh trơn, lĩnh hoa, lụa trơn và lụa hoa. Hàng năm, Vạn Long cùng các làng khác trong vùng Bưởi làm lễ giỗ tổ nghề dệt vào ngày 18 tháng Giêng.
Trước Cách mạng Thángg Tám 1945, Vạn Long chỉ là một làng nhỏ, chừng trên 40 hộ với trên 100 suất đinh, thuộc các dòng họ : Nguyễn, Đoàn, Bùi, Hoàng, Ngô Trịnh, trong đó, họ Nguyễn Đức vốn gốc từ Linh Đàm (huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Hoàng liệt, quanạ Hoàng Mai) chuyển lên vào đầu thế kỷ XVII; họ Đoàn của tiến sĩ Đoàn Nhân Thục (đỗ năm 1502) từ làng Trung Nha chuyển sang.
Làng Vạn Long có chung một ngôi đình với làng An Phú thờ quan Thái giám, Chi hậu nội nhân là Nguyễn Bông. Chuyện kể rằng thời Vua Lý Thánh Tông trị vì (1054 - 1072), một hôm quân cấm vệ trong kinh thành đem voi của nhà vua ra chăn ở xã Nghĩa Đô, không may voi ăn lá có kiến gió, lăn ra chết. Tướng chỉ huy quan cấm vệ xin trị tội dân Nghĩa Đô vì đã đầu độc voi của nhà vua. Lý Thánh Tông sai quan Chi hậu nội là Nguyễn Bông điều tra. Qua xét hỏi, Nguyễn Bông thấy rõ sự thự, bèn làm sớ xin bãi bỏ việc trị tội dân xã Nghĩa Đô và được Vua Lý Thánh Tông y cho. Về sau, vào năm 1063, Nguyễn Bông bị một số quan trong triều vu khống là đã làm điều vô lễ với Nguyên phi ỷ Lan, khi Nguyên phi cùng vua Lý Thánh Tông đi cầu tự tại chùa Thánh Chúa (xã Dịch Vọng). Nguyễn Bông bị chém ở cánh đồng trước cửa chùa nên về sau cánh đồng này có tên là đồng Bông. Nhân dân xã Nghĩa Đô vừa thương tiếc, vừa biết ơn Nguyễn Bông, đã xin đem xác và đầu ngài về chôn trên cánh đồng làng, xây lăng gọi là quán Mả Giang. Sau Nguyên Phi ỷ Lan sinh ra Thái tử là Càn Đức, tức Vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128). Nhà vua biết sự thật câu chuyện về Nguyễn Bông, nên đã hạ chỉ minh oan và sắc phong cho ngài là "Đô Thiên Quảng Đức Cương Nghị hùng đoan"… "Đương cảnh thành hoàng thượng đẳng thần Đại Vương", cho nhân dân Nghĩa Đô phụng thờ.
Làng Vạn Long có chùa Phúc Ân, theo văn bia còn lưu thì chùa là “danh lam cổ nhất của làng, có thời Trần”. Chùa đã bị cháy trong năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1947). Đến năm 1954, nhà sư Quang Khách vận động dân ba làng Vạn Long, An Phú và Trung Nha dựng lại chùa nên kiến trúc chàu hiện tại rất đơn giản. Song trong chùa còn quả chuông đúc vào tháng Sáu năm Quý Mão đời Thiệu Trị (1843).
Xưa làng Vạn Long có nền nếp sinh hoạt nên được vua phong biển “Mỹ tụ khả phong”, cùng với làng An Phú mở hội từ mồng 10 đến 14 tháng Hai và có tục rước giảo hiếu với các làng bên. Ngày 11, cùng với làn An Phú rước sắc và biển “Mỹ tục khả phong” (từ đình của mỗi làng) lên đình làng Trung Nha (làng Nghè). Ngày 13, tiếp đón cuộc rước bài vị của làng Trung Kính Thượng (xnay thuộc phường Trung Hòa) lên rồi lại cùng rước lên đình làng An Phú. Ngày 14, làng lại cùng làng An Phú rước bài vị thần xuống làng Trung Kính Thượng. Sở dĩ có tục này là do Nguyễn Bông quê ở Trung Kính Thượng và quan Tá Lý công thần, Hoàng giáp Nguyễn Nhật Tráng là tổ chi họ Nguyễn làng An Phú được làng Trung Kính thượng thờ làm thành hoàng ở ngôi miếu trên bờ sông Nhuệ.
Những năm thật phong đăng hòa cốc thì mở đại hội, có thêm cuộc rước từ đình ra Mả Giang, tế lễ, trong tế lễ có tục gọi đầu, với ý nghĩa tưởng nhớ Nguyễn Bông bị chém bêu đầu.
Tiến sĩ Bùi Xuân Đính