Liên tiếp rớt giá

Kinh tế - Ngày đăng : 06:39, 25/06/2012

(HNM) - Bộ NN&PTNT nhận định, chưa khi nào nông sản Việt Nam lại rơi vào cảnh


Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, dù giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng song thị trường thế giới xuất hiện nhiều khó khăn, giá nông sản liên tục giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của toàn ngành. Hiện nay, trong số 7 mặt hàng nông sản chính xuất khẩu chỉ duy nhất hạt tiêu vẫn giữ giá. Cao su là mặt hàng có mức giảm giá nhiều nhất, giảm tới 31%. Giá gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng giảm chưa từng thấy từ trước tới nay. Bất lợi về thị trường xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2012 đã kéo giá thu mua lúa của nông dân thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Năm nay, giá lúa IR 50404 dao động ở mức 5.000-5.200 đồng/kg và 6.500 đồng/kg đối với lúa chất lượng cao, giảm mạnh so với mức giá 6.000-6.500 đồng/kg đối với lúa IR50404 và lúa chất lượng cao có giá 7.000-7.300 đồng/kg của năm trước. Ngoài 7 mặt hàng nông sản chủ lực còn nhiều mặt hàng nông sản khác đang đua nhau giảm giá. Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, không chỉ các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính rớt giá mà ngay các mặt hàng xuất khẩu hạng trung cũng thi nhau rớt giá. Các chuyên gia kinh tế nhận định, hàng nông sản Việt Nam với nỗi lo "được mùa, mất giá" đang lặp lại khiến cả doanh nghiệp và nông dân đối mặt với nhiều khó khăn.

Đáng lưu ý là nông sản Việt Nam tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc với một lượng lớn, tuy nhiên, hiện đang xảy ra tình trạng thương nhân Trung Quốc ồ ạt sang đặt hàng nhiều loại nông sản Việt Nam với khối lượng lớn, song cũng "đột ngột" hủy bỏ khiến giá nông sản giảm mạnh, người nông dân lâm vào cảnh khó khăn. Sau mặt hàng cao su, thủy sản, thịt heo… đến lượt hồ tiêu, cà phê trở thành đối tượng mua gom ồ ạt của các thương nhân Trung Quốc bằng xe con, xe du lịch tới tận các vườn tiêu thu mua và vận chuyển qua đường tiểu ngạch. Thương nhân Trung Quốc mua gom thường trả giá cao hơn 1 - 2% so với giá thị trường. Tại nhiều địa phương của Gia Lai, có đến 50% lượng hồ tiêu được thương nhân Trung Quốc mua gom theo hình thức này. Mặt hàng sắn cũng đang được ồ ạt xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng tăng chóng mặt. Tuy mậu dịch Việt Nam - Trung Quốc tăng dần trong thời gian gần đây, đạt hơn 40 tỷ USD vào năm 2011 và tốc độ tăng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng cao hơn, nhưng cách thức làm ăn giữa hai bên có nhiều khác biệt, đang là trở ngại lớn. Cho dù hiện nay hàng nông sản Việt Nam xuất vào Trung Quốc có nhiều thuận lợi khi mà thuế suất đã cơ bản giảm còn 0% trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN. Nhưng việc Trung Quốc không mua trực tiếp từ Việt Nam mà thường mua qua các nhà cung cấp trong nước lúc cần, hàng hóa được đẩy giá lên cao, sau đó lại đột ngột giảm giá hoặc không mua hàng nữa gây nhiều hệ lụy cho sản xuất.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT đang tập trung một số giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường xuất khẩu nông sản. Bộ NN&PTNT sẽ bám sát thị trường, thông tin sớm cho nông dân để điều chỉnh phù hợp trong sản xuất, cả về số lượng lẫn chủng loại. Từ đó định hướng người dân và các doanh nghiệp tập trung sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp. Bộ kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ những mặt hàng nông sản chính, đồng thời sớm điều chỉnh về cơ cấu và quy mô sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp hạ giá thành sản phẩm để nông dân có lãi, Bộ NN&PTNT sẽ chủ động giải quyết các rào cản thương mại, cũng như các doanh nghiệp tích cực khai thác thị trường để tăng khối lượng xuất khẩu, bù lại sự thâm hụt về giá. Bên cạnh đó cần mở rộng khai thác thị trường chọn đối tác làm ăn chủ lực mới thúc đẩy sản xuất phát triển.

Ngoài những yếu tố thị trường thương hiệu nông sản Việt Nam chưa được xây dựng và bảo vệ đúng với thế mạnh, tiềm năng vốn có đã dẫn đến tình trạng giá các mặt hàng nông sản luôn thấp hơn so với các nước khác và không ổn định. Ngành nông nghiệp cần xây dựng chính sách phát triển toàn diện từ quy mô sản xuất, giá trị, chất lượng, thương hiệu và thị trường.

Đỗ Minh