Rác thải y tế: Gánh nặng cho môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 25/06/2012
(HNM) - Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng dịch vụ y tế được nâng lên, số giường bệnh gia tăng, sự thay đổi trong việc thực hành các kỹ thuật y tế… đã kéo theo hệ quả tất yếu là lượng chất thải y tế cũng gia tăng nhanh chóng. Nguy cơ ô nhiễm môi trường và tác động tới sức khỏe cộng đồng do chất thải gây ra ngày càng trở thành vấn đề "nóng".
Chất thải y tế là loại khó xử lý nhất trong nhóm chất thải độc hại hiện nay. |
Chất thải y tế gia tăng
Theo số liệu điều tra mới nhất của Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng), mỗi ngày, các cơ sở y tế thải ra hơn 350 tấn chất thải rắn, trong đó 40,5 tấn là chất thải rắn nguy hại phải được xử lý bằng những biện pháp phù hợp. Hiện nay, đã có 95,6% bệnh viện (BV) thực hiện phân loại chất thải. Tuy nhiên, tồn tại hiện tượng phân loại nhầm, một số loại chất thải thông thường được đưa vào chất thải y tế nguy hại đã gây tốn kém trong việc xử lý. Thùng đựng chất thải theo đúng quy định cũng không nhiều: có 63,6% BV sử dụng túi nhựa làm bằng PE, PP nhưng chỉ có 29,3% BV sử dụng túi có độ dày bảo đảm yêu cầu. Tại 90,9% BV, chất thải rắn y tế đã được thu gom hằng ngày, song chỉ có 53% số cơ sở vận chuyển rác trong xe có nắp đậy và 45,3% có nơi lưu giữ chất thải y tế đạt yêu cầu.
Chất thải rắn y tế sau thu gom được xử lý bằng nhiều cách, chủ yếu là đốt. Ngoài hầu hết BV trung ương, 73,3% BV tuyến tỉnh, huyện đã xử lý chất thải y tế nguy hại bằng lò đốt nhưng chỉ có 42,7% đơn vị có lò đốt 2 buồng đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường. Số còn lại hoặc đốt ngoài trời hoặc chôn lấp. Về chất thải lỏng, hiện có khoảng 74% BV tuyến trung ương, 40% BV tuyến tỉnh và 27% BV tuyến huyện có hệ thống xử lý nước thải. Tính chung trên toàn quốc, đến nay 56% số BV chưa có hệ thống xử lý nước thải và 70% hệ thống xử lý nước thải hiện có không đạt tiêu chuẩn.
Theo tính toán, con số 350 tấn chất thải rắn và 150 mét khối chất thải lỏng phát sinh từ các cơ sở y tế hiện nay sẽ tăng lên 600 tấn và 300 mét khối mỗi ngày vào năm 2015. Chất thải y tế gia tăng nếu không được xử lý tốt sẽ trở thành gánh nặng đối với sức khỏe con người và môi trường.
Cốt lõi là công nghệ
Đây là nhận định của các đại biểu tham dự hội nghị triển khai đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và hội thảo giới thiệu về công nghệ xử lý được tổ chức ngay sau đó. Hiện có hai công nghệ xử lý chất thải y tế và những ưu, nhược của mỗi loại đã được phân tích đầy đủ. Công nghệ đốt đang được đa số cơ sở y tế dùng là xử lý triệt để, loại trừ được các mầm bệnh trong các chất thải lây nhiễm, giảm tối đa thể tích chôn lấp sau khi xử lý. Tuy nhiên, trong thành phần chất thải rắn y tế có lượng lớn chất hữu cơ và thường có độ ẩm tương đối cao, chất nhựa chiếm khoảng 10% nếu đốt không đủ nhiệt có thể phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí. Thêm nữa, chi phí đầu tư xây dựng và quản lý vận hành cao. Còn công nghệ không đốt thì chi phí thấp nhưng không loại trừ hoàn toàn mầm bệnh, không giảm được thể tích rác cần chôn lấp sau khi xử lý. Đối với việc xử lý nước thải y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, mỗi BV cần lựa chọn công nghệ phù hợp để đạt được những tiêu chí như hiệu quả xử lý nước thải tốt, chi phí đầu tư xây dựng, vận hành bảo dưỡng hợp lý, tác động đối với môi trường cảnh quan ít; có khả năng vận hành, chuyển giao công nghệ và có thể bố trí trong khuôn viên BV.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đề án "Nghiên cứu khoa học nhằm tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội" đang được nghiên cứu hoàn thiện. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đang xúc tiến triển khai dự án hỗ trợ xử lý chất thải BV, thực hiện trong 6 năm (2011-2017) với tổng vốn đầu tư 155 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới là 150 triệu USD, nhằm cải thiện hệ thống chính sách liên quan đến quản lý chất thải y tế; hỗ trợ đầu tư xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng ít nhất cho 150 BV tuyến trung ương và địa phương; nâng cao năng lực quản lý, vận hành, quan trắc, kiểm định hệ thống xử lý chất thải BV.
Hy vọng, với sự vào cuộc của các bộ, ngành, rác thải y tế sẽ không còn là nỗi lo của cộng đồng.
Để các cơ sở y tế lựa chọn công nghệ phù hợp, Bộ Y tế đã tạm thời đưa ra các tiêu chí: Công nghệ đã được áp dụng trên thế giới hoặc Việt Nam, có các báo cáo kết quả thử nghiệm công nghệ ít nhất phải đạt các tiêu chuẩn và quy chuẩn về chất thải của Việt Nam; phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam; có chi phí đầu tư phù hợp với định mức đầu tư của dự án; vận hành đơn giản; đối với công nghệ xử lý chất thải rắn y tế tập trung vào công nghệ không đốt và các giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý và sau xử lý. |