Từ đường hướng tới thực tiễn

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 25/06/2012

(HNM) - Thường trực Thành ủy hai thành phố lớn khu vực Đồng bằng sông Hồng là Hà Nội và Hải Phòng vừa có buổi làm việc, bàn cách phối hợp tổ chức Năm Du lịch quốc gia khu vực Đồng bằng sông Hồng 2013.


Thoạt nghe, có thể nghĩ đơn giản là chương trình nghị sự liên quan đến việc tổ chức một kỳ cuộc mang tính lễ lạt, như thể là lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia ở một khu vực. Nhưng không phải vậy, thông tin chính thức cho thấy đó là một buổi làm việc liên quan đến định hướng phát triển du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng, bao gồm nhiều tỉnh, thành phố, trong đó điểm nhấn là Hà Nội và Hải Phòng. Có việc bàn thảo ấy là bởi lâu nay du lịch từng nơi trong khu vực mắc cùng một "bệnh" là mạnh ai nấy làm, có phối hợp cũng chỉ mang tính mùa vụ, trong từng việc cụ thể chứ chưa nâng lên tầm chiến lược!

Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng đáng kể, đáng nói là số khách từ những thị trường giàu tiềm năng đến Hà Nội ngày một nhiều hơn. Tuy thế, thấp thoáng trong bản "sơ kết" có những số liệu mà nghĩ kỹ, có lẽ đem lại sự băn khoăn nhiều hơn. Chẳng hạn, trong 6 tháng qua, trung bình một lượt khách quốc tế lưu lại Thủ đô 2,1 ngày; với khách nội địa, con số là 1,6 ngày. Đó là số liệu đáng khích lệ chứ chưa đem lại sự hài lòng, đặc biệt là so với tiềm năng du lịch của địa phương có bề dày truyền thống như Thủ đô Hà Nội.

Tình hình ở các tỉnh, thành phố khác cũng không khá hơn, dù là thành phố biển như Hải Phòng, Quảng Ninh… hay Bắc Ninh, Hải Dương… cận kề Hà Nội vốn có ưu thế nhất định. Sự thể đặt ra yêu cầu tiên quyết để phát triển du lịch là phát huy thế mạnh từng nơi dựa trên sự kết nối du lịch toàn vùng. Mục tiêu chung là các địa phương trong khu vực cùng khai thác tiềm năng, thế mạnh, rõ trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, na ná về loại hình dịch vụ, sản phẩm. Tức là không "đá" nhau mà chung lưng cùng tiến, rõ tính chuyên nghiệp, đa dạng, hiện đại, đủ để giữ khách dài ngày, khách đến một lần rồi thì muốn quay trở lại.

Định hướng là vậy, nhưng để biến mục tiêu thành hiện thực lại là một chuyện khác. Từ lâu nay, "bệnh" thiếu liên kết không chỉ có ở vùng Đồng bằng sông Hồng mà còn có thể thấy ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và ngay cả ở nơi hội đủ điều kiện thuận lợi để liên kết bền vững như Huế - Đà Nẵng. "Bệnh" ấy đã được chỉ ra từ lâu, đã có bao hội thảo, hội nghị bàn cách "chữa" nhưng sự thể không xoay chuyển được bao nhiêu.

Ở mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng về du lịch. Nơi có điều kiện phát triển loại hình du lịch khám phá, nơi dễ dàng tạo ra nhiều diểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… Nếu liên kết tốt thì không chỉ tạo ra sự đa dạng mà còn hình thành "quả đấm mạnh" toàn vùng, tạo dựng phong cách chuyên nghiệp. Mà một khi sự làm ăn vào guồng bài bản thì nạn chặt chém khó có cửa tồn tại, tính mùa vụ được chăng hay chớ giảm đi, dễ làm vừa lòng khách.

Tính quan trọng của sự liên kết đã rõ nhưng muốn mong ước thành hiện thực cần có hành động bài bản, có nơi đứng ra điều phối chung theo cấp độ toàn quốc - vùng - địa phương kèm theo mục tiêu, tiến độ cụ thể. Ở cấp độ cao nhất, cơ quan điều phối không chỉ hướng đến mục tiêu liên kết mà còn bao hàm khả năng cung cấp điều kiện phát triển cho những địa phương còn thiếu nguồn lực phát triển, đủ năng lực và quyền giám sát trên bình diện chung, làm tốt được mối liên kết này và làm rõ chất lượng các sản phẩm du lịch thế mạnh cũng là biện pháp đưa những đơn vị thích lối ăn sẵn, chặt chém, có gì dùng nấy sớm đi vào khuôn khổ.

Dục Tú