Điều động, luân chuyển cán bộ - kinh nghiệm từ Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 25/06/2012

(HNM) - Thành ủy Hà Nội vừa quyết định điều động, luân chuyển 23 cán bộ thuộc Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Đây là đợt luân chuyển cán bộ lớn thứ tư kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (1-8-2008).


Trước đó, đã có 89 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được điều động, luân chuyển công tác từ khối các cơ quan Đảng, đoàn thể sang chính quyền và ngược lại, cũng như từ các sở, ban, ngành của thành phố về công tác tại các quận, huyện, thị xã và ngược lại. Về sự kiện quan trọng này, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: Nhiều năm nay, Hà Nội đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, xác định đây là khâu đột phá, có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Đáng lưu ý, cũng vào thời điểm này, Bộ Chính trị (khóa XI) có kết luận "Về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo". Điều đó cho thấy, trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, việc quy hoạch, điều động và luân chuyển cán bộ được xác định là một chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng trong chiến lược cán bộ của Đảng. Từ Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 6-1997), Nghị quyết về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước" đã được thông qua, trong đó nêu rõ: "Thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các vùng, các ngành, các cấp nhằm sử dụng có hiệu quả và tạo nên sự đồng đều trong đội ngũ cán bộ;
bồi dưỡng toàn diện cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức". Tới Đại hội toàn quốc lần thứ IX, X và XI của Đảng, chủ trương đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo quy hoạch ở các ngành và các địa phương tiếp tục được khẳng định.

Tuy nhiên, như trong kết luận của Bộ Chính trị (khóa XI) đánh giá, thời gian qua công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Cụ thể là việc xây dựng và thực hiện quy hoạch ở một số địa phương, đơn vị chưa căn cứ chủ yếu vào đánh giá cán bộ, chưa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và năng lực thực tiễn của cán bộ, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, dẫn đến nhiều đề án quy hoạch còn hình thức, thiếu tính khả thi. Chất lượng quy hoạch cán bộ chưa cao, chưa đồng đều và hầu hết các đề án quy hoạch chưa có tầm nhìn xa, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…

Trong bối cảnh ấy, Hà Nội là một trong số ít các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ, được Trung ương đánh giá cao. Từ năm 2002, thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ và Thông báo 127 của Bộ Chính trị (khóa IX và khóa X), Hà Nội có 531 cán bộ lãnh đạo, quản lý được Ban Thường vụ Thành ủy quyết định bổ nhiệm, điều động, luân chuyển; các quận, huyện ủy, thị ủy thực hiện luân chuyển, điều động 636 cán bộ. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội tiếp tục xác định, công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ là việc làm vừa cần thiết trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài. Ngày 25-12-2008, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch 11-KH/TU về công tác luân chuyển, điều động cán bộ để tăng cường cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2006-2010) và lần thứ XV (nhiệm kỳ 2011-2015) cũng đã lựa chọn công tác cán bộ là một trong hai khâu đột phá nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tập trung trí lực, vật lực để thực hiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ và chăm lo, bồi dưỡng cán bộ là một công việc trọng yếu của Đảng. Người đã chỉ ra rằng "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém". Quán triệt quan điểm đó, Đảng bộ thành phố Hà Nội đặc biệt coi trọng việc chăm lo, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ để thực hiện sự nghiệp phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, là "trái tim của cả nước". Chú trọng đổi mới đồng bộ công tác cán bộ, nhất là đổi mới tư duy, cách làm trong từng khâu, từng phần việc, Hà Nội đã từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Từ đó, việc quy hoạch, luân chuyển cán bộ được thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, bài bản, gắn với đánh giá, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ. Các đợt điều động, luân chuyển cán bộ quản lý ở Hà Nội đều đạt kết quả tốt: Cán bộ trưởng thành; các khâu yếu trong công tác cán bộ ở sở, ban, ngành, quận, huyện được bổ sung, củng cố; tuyệt đại đa số cán bộ được điều động, luân chuyển phát huy được khả năng của mình; tăng cường thêm sức mạnh cho cấp ủy, chính quyền cơ sở…

Chất lượng cán bộ là kết quả tổng hợp của tất cả các khâu của công tác cán bộ, trong đó điều động, luân chuyển cán bộ là một trong những giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, để thực hiện việc luân chuyển cán bộ là không dễ dàng. Về mặt tâm lý, cán bộ được luân chuyển, điều động không tránh khỏi suy nghĩ e ngại, băn khoăn khi phải rời khỏi môi trường công tác quen thuộc cùng sự thành thạo nhất định trong công việc được giao, bên cạnh đó là những mối quan hệ xã hội cùng nhu cầu cá nhân đã được xây dựng và định hình… Bên cạnh đó không phải không có những "địa chỉ", những con người cụ thể vì tư tưởng cục bộ, khép kín, động cơ cá nhân mà cản trở, gây khó khăn, làm giảm uy tín của cán bộ được điều động tới công tác hoặc lợi dụng việc luân chuyển cán bộ để "đẩy" những người thẳng thắn, có năng lực nhưng không thuộc ê kíp, làm việc không hợp với mình hoặc có mâu thuẫn với mình đi nơi khác… Tình trạng này đã từng xảy ra ở một số địa phương khác.

Nhằm mục đích bảo đảm hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ, ở Hà Nội sự cấp thiết, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc luân chuyển cán bộ đã được quán triệt, phổ biến sâu rộng trong cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cấp, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên để có sự thống nhất từ nhận thức tới quá trình thực hiện. Phân tích tình hình thực tế cũng cho thấy, trong quá trình sắp xếp tổ chức, dù số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Hà Nội sau khi hợp nhất là khá đông song chưa phải là mạnh, bởi ở một số vị trí còn thiếu kinh nghiệm thực tế khi chưa đảm đương những vị trí lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở quận, huyện, thị xã; một số khác khi phân công nhiệm vụ chưa phù hợp với năng lực chuyên môn nên hiệu quả công tác chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính vì lẽ đó mà một số địa phương, đơn vị, sở, ban, ngành chưa xây dựng được chiến lược quy hoạch cán bộ vì không tạo được nguồn cán bộ kế cận, xuất hiện tình trạng hụt hẫng, bị động và trì trệ trong công tác cán bộ…

Hà Nội thực hiện tốt việc điều động, luân chuyển cán bộ đã góp phần tích cực thúc đẩy hiệu quả công việc cũng như sự phát triển chung của từng ngành, đơn vị, địa phương; mặt khác, qua đó thực hiện chính xác, khách quan hơn trong đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ. Có thể thấy, các đợt điều động, luân chuyển cán bộ ở Hà Nội đều theo hướng: Những người có khả năng phát triển, được luân chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác để đào tạo, bồi dưỡng phục vụ cho quy hoạch cán bộ; những người có kinh nghiệm quản lý, chuyên môn sâu được phân công phụ trách những lĩnh vực phù hợp; những người có năng lực, trình độ không phù hợp với công việc đang được phân công cũng được điều chuyển làm công việc khác; đối với cán bộ luân chuyển, đây cũng là điều kiện để có bước trưởng thành, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện, nâng cao nhận thức và có phương pháp lãnh đạo toàn diện; đối với các ngành, đơn vị, địa phương, từng bước đáp ứng nhu cầu về "chuẩn hóa" đội ngũ cán bộ chủ chốt; góp phần tích cực ổn định nội bộ; khắc phục tình trạng "xôi đỗ" nơi thừa, nơi thiếu cán bộ hoặc đặt cán bộ vào những vị trí chưa đúng sở trường, năng lực; và quan trọng hơn là tạo ra được động lực tu dưỡng, phấn đấu ở từng cương vị công tác, từng vị trí công việc được giao…

Kinh nghiệm của Hà Nội được đúc rút từ thực tế là cùng với đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng thì việc điều động, luân chuyển cán bộ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, để chủ trương luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả cao phải có một kế hoạch chủ động, được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá đúng cán bộ, đúng nhu cầu nơi đi và nơi đến. Cần kết hợp luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để đào tạo, bồi dưỡng, phục vụ lâu dài với việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn, chuyên gia giỏi trên từng lĩnh vực. Có như vậy mới đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

Hà Nội đã và đang tiếp tục làm như vậy.

Lê Hoàng Anh