Giá dầu không dễ đột biến

Thế giới - Ngày đăng : 06:00, 25/06/2012

456 tỷ USD để Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)


Nhích lên đôi chút từ ngưỡng giảm sâu nhất kể từ đầu năm đến nay do một trận bão lớn được dự báo sắp đổ bộ vào vùng vịnh Mexico, các hợp đồng giao dịch dầu tuần qua đã kết thúc ở mức 80,110 USD/thùng. Nhưng cú ngược dòng này không thể xua tan sự u ám chưa từng thấy trên các sàn giao dịch dầu thô khắp thế giới những ngày gần đây. Nỗi lo sợ về tương lai bất định của nền kinh tế toàn cầu ngự trị khiến "vàng đen" tuột mất sự hấp dẫn vốn có. Do vậy, giá dầu dù có đi lên khi có những tác động tích cực nhưng rất khó duy trì vì sức khỏe nền kinh tế thế giới vẫn đưa ra những chỉ dấu thiếu lạc quan.

Cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu đã nhấn chìm thị trường nhiên liệu toàn cầu.


Kết quả cuộc bầu cử nghẹt thở tại Hy Lạp với chiến thắng thuộc về các lãnh đạo chủ trương ủng hộ "thắt lưng buộc bụng" để nhận cứu trợ từ Liên minh Châu Âu (EU) và các tổ chức tài chính quốc tế từng được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn với thị trường. Thế nhưng, phiên tăng nhẹ khi Athens tạm thời không là nhân tố đe dọa sự tồn vong của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã nhanh chóng kết thúc. Giá các mặt hàng năng lượng lập tức đổ đèo vào thời điểm Tây Ban Nha và Italia đồng loạt gây chấn động thị trường với mức lợi suất trái phiếu lập những kỷ lục mới. Madrid hiện đã phải trả lãi tới 7% cho trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm trong khi con số này với Italia cũng đã leo lên mức trên 6%. Chi phí vay mượn tăng cao đồng nghĩa với lòng tin của các nhà đầu tư vào một quốc gia đó ngày càng xuống thấp. Gói giải cứu 100 tỷ euro mà xứ sở Bò tót nhận được từ Châu Âu được đánh giá chỉ là một liều thuốc cấp thời mà không thể trị được tận gốc căn bệnh của nền tài chính ốm yếu. Ở góc độ rộng hơn, khi nền kinh tế lớn thứ 4 Eurozone nối dài danh sách nạn nhân của nợ công đã khẳng định, cơn bão mà Lục địa già phải đối diện đã mở rộng vòng xoáy và lên một cấp độ mới.

Không phải bất kỳ yếu tố nào khác, nỗi lo sợ từ Châu Âu đã nhấn chìm thị trường dầu và lấy đi của "vàng đen" tới 21% giá trị từ đầu năm đến nay. Tất nhiên, như vậy cũng không phải là những bộ phận khác của kinh tế thế giới đang sống lạc quan. Tuyên bố từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết, sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản siêu thấp 0 đến 0,25% nhằm kích thích chi tiêu, hạ dự báo tăng trưởng phản ánh thực tế là nền kinh tế số 1 thế giới vẫn đang ở vùng "thời tiết" xấu. Cùng với tỷ lệ thất nghiệp trên 8% vừa được Mỹ công bố và lượng dầu nằm kho tại quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất hành tinh lên cao nhất 22 năm qua, mọi chỉ báo đều dẫn các nhà đầu tư tới nhận định: Nhu cầu dầu mỏ thời gian tới rất khó có thể được cải thiện.

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ cách đây 4 năm, chưa khi nào thị trường nhiên liệu phải trải qua cơn chao đảo như hiện nay. Mọi thông tin từ những trụ cột lớn của kinh tế toàn cầu báo về đều không ủng hộ cho sự đột biến của giá dầu. Trong những ngày tới, thời hạn cấm vận dầu mỏ (1-7) do Châu Âu áp đặt với Iran có thể sẽ là một "điểm đến" tác động tới các giao dịch nhiên liệu. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy yếu tố này không mấy tác động đến tâm lý thị trường. Những thùng dầu Iran không có mặt ở nhiều thị trường quen thuộc sau lệnh cấm toàn diện của Châu Âu dường như sẽ chỉ là sự kiện của riêng quốc gia Hồi giáo. Các sàn giao dịch hàng hóa toàn cầu đang phải "bận tâm" với mối lo khác. Đó là bóng đen suy thoái vẫn đang rình rập đâu đây. Vì lẽ đó, giá dầu thật không dễ có bước đột biến, chừng nào ánh hào quang chưa xuất hiện và dẫn dắt kinh tế thế giới đến những miền sáng mới.

Vân Khanh