Bốn đặc sản Hà Nội được đề cử kỷ lục châu Á
Xã hội - Ngày đăng : 09:52, 24/06/2012
Philip Kotler, cha đẻ của marketing hiện đại, đã gợi ý về việc tại sao Việt Nam lại không phấn đấu để có được thương hiệu là “bếp ăn” của thế giới, trong khi Trung Quốc đã trở thành “công xưởng” của thế giới, Ấn Độ thành “văn phòng” của thế giới.
Bún thang Hà Nội
Trong 57 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á, Việt Nam được xem là một trong những nước có văn hóa ẩm thực độc đáo và đa dạng. Sự độc đáo đa dạng ấy có được từ những món ăn truyền thống kết hợp với bí quyết và công nghệ chế biến, đến các sản vật và chế phẩm đi kèm..., kể cả triết lý “âm dương” trong việc kết hợp các nguyên liệu, gia vị của món ăn sao cho hài hòa, đảm bảo dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Ẩm thực được xem là thế mạnh, một trong những yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch đến với Việt Nam. Với ý nghĩa này, từ năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã triển khai Hành trình quảng bá ẩm thực và đặc sản Việt Nam, thông qua việc tìm kiếm kỷ lục ẩm thực và đề cử đến Tổ chức kỷ lục ASEAN, Tổ chức kỷ lục châu Á và Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness, góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn.
Cơm cháy Sài Gòn
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho biết, qua khảo sát bước đầu về các món ăn của 57 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á, và trong danh sách hàng trăm món ăn đặc sản từ các vùng miền Việt Nam, đơn vị này đã chính thức đề cử đợt 1 gồm 15 món ăn nổi tiếng đầu tiên. Tiêu chí: những món ăn duy nhất chỉ ở Việt Nam mới có và so sánh với món ăn của các nước trong toàn khu vực châu Á. Hồ sơ đã được gửi đến Tổ chức Kỷ lục châu Á chuẩn bị cho đợt xét duyệt vào tháng 9 tới.
Trong 15 món ăn đặc sản được đề cử, Hà Nội chiếm số lượng nhiều nhất với 4 món gồm: phở, bún chả, bún thang và chả cá Lã Vọng. TP.HCM có 2 món là cơm tấm và gỏi cuốn. Các món đặc sản còn lại thuộc về các địa phương khác gồm: bánh đa cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, miến lươn Nghệ An, bún bò Huế, mì Quảng, phở khô Gia Lai, bánh canh Trảng Bàng, bánh khọt Vũng Tàu, và bánh cóng Sóc Trăng.
Bánh cóng Sóc Trăng
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam khẳng định đây là những món ăn đặc sản Việt Nam, chỉ duy nhất tại Việt Nam mới có. Các du khách trên toàn châu Á và thế giới có thể thưởng thức những hương vị đặc biệt do các đầu bếp, nghệ nhân nấu ăn Việt Nam thực hiện. Đơn vị này cho biết sẽ tiếp tục khảo sát và đề cử nhiều món ăn nổi tiếng, độc đáo của Việt Nam so với khu vực châu Á trong thời gian tới.
Phở: đã nổi tiếng khắp thế giới. Cuối tháng 7/2011, theo kết quả bình chọn của hãng thông tấn CNN, phở, một trong hai món ăn Việt Nam (món thứ hai là gỏi cuốn) chiếm 2 vị trí 28 và 30 của danh sách 50 món ngon thế giới. Theo mô tả của CNN, phở là một món nước, chế biến từ bún gạo nấu với thịt bò hoặc gà, dùng kèm với vài loại rau thơm: "Mùi vị của nó thì trên cả tuyệt vời, chứ không chỉ đơn thuần là hỗn hợp các thành phần nguyên liệu cộng lại. Phở có mùi vị thơm ngon và hài hòa". Bún chả: Các tỉnh thành Việt Nam đều có những hàng bún chả nhưng Hà Nội là nơi bún chả có mặt ở khắp các nẻo phố, xóm chợ… Trong đó, nhiều tiệm bún chả nổi tiếng như Hàng Mành, Hà Thành... không chỉ người trong nước mà du khách nước ngoài khi đến Hà Nội đều tìm đến thưởng thức. Chả cá Lã Vọng: Phố Chả Cá có một nhà hàng mà nhiều người vẫn mong đến để một lần thưởng thức món ăn đã trở thành “danh bất hư truyền”: nhà hàng chả cá Lã Vọng. Nhà hàng này do gia đình họ Đoàn lập ra đầu thế kỷ 20, bán món cá chiên ăn kèm các loại rau gia vị cùng với bún. Dần theo thời gian, món chả cá đã trở thành đặc sản của Hà Nội. Sự nổi tiếng của món ăn này khiến cho con phố trước đây mang tên Hàng Sơn đổi tên thành phố Chả Cá. Bún thang: Có nghĩa là canh nhưng không phải canh bún riêu cua, canh bún cá rô, cá quả… mà là một món bún không xuất hiện trong ngày thường, không dành cho những ai vội vàng, háu đói. Nó là món cầu kỳ, kỹ càng, công phu, chỉ có mặt trong những tiệc quan trọng, trở thành những món ngon riêng của người Hà Nội và Việt Nam. Cũng như nhiều món ăn khác của Hà Nội, bún thang có mặt ở miền Trung và miền Nam, nhưng ngon nhất vẫn là nơi sản sinh ra nó. |