Nhọc nhằn đường ra thế giới
Văn hóa - Ngày đăng : 08:09, 24/06/2012
Tín hiệu mở đường
Lâu nay, bạn đọc quá quen với việc sách văn học nước ngoài vào Việt Nam, điều đó bật ra câu hỏi: Làm thế nào đưa sách văn học Việt tiếp cận với bạn bè quốc tế?
Bìa tác phẩm “The black diamond”.
Như "nàng công chúa ngủ trong rừng", bấy lâu nay văn học Việt khá im lìm trên thị trường văn học thế giới. Trong thực tế, chỉ có vài nhà văn có sách được NXB nước ngoài mua bản quyền và xuất bản ở nước họ, như Tô Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần… Diện mạo văn học nước nhà, qua số ít ỏi ấy, thật khó nói là đã đầy đủ.
Vài năm gần đây, bắt đầu xuất hiện tác phẩm văn học Việt Nam được chính NXB và giới làm sách trong nước chuyển ngữ sang tiếng Anh, ấn hành trong nước. Đầu tiên, phải kể đến tác phẩm văn học thiếu nhi từng giành giải thưởng quốc tế "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" của Nguyễn Ngọc Thuần. Tác phẩm được nhà báo, dịch giả Trương Tiếp Trương chuyển ngữ sang tiếng Anh dưới cái tên "Open the window, eyes closed", NXB Trẻ ấn hành vào đầu năm 2011. Đây được coi là một sự kiện của xuất bản, báo hiệu động thái trở mình của "công chúa văn học Việt". Trả lời báo giới khi ấy, đại diện NXB Trẻ thừa nhận đó mới chỉ là động thái thăm dò thị trường dù nằm trong chủ trương khẳng định giá trị văn học Việt Nam cả ở trong nước và trên thế giới. Có lẽ, phải 5 năm tới mới có thể có chương trình chuyển ngữ, xuất bản nhiều tác phẩm văn học Việt bằng tiếng nước ngoài.
Thế nhưng, đáng mừng là chỉ một năm sau, bạn đọc lại thấy "Oxford thương yêu" của Dương Thụy được NXB Trẻ tung ra dưới dạng tiếng Anh với cái tên "Beloved Oxford". Sản phẩm được bày ở vị trí "hot" ngoài hiệu sách, được nhân viên bán hàng tiếp thị đến nơi đến chốn dù… không biết người đọc có "sài" được bản tiếng Anh hay không. Có lẽ, giác quan làm sách nhạy cảm của NXB đã nhận thấy sức hấp dẫn và lượng tiêu thụ đáng nể của ấn bản tiếng Việt có thể làm đòn bẩy cho bản tiếng Anh?
Chia sẻ với Hànộimới về điều này, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ cho rằng: "NXB không chỉ đi mua đồ tốt của nước ngoài về phục vụ bạn đọc trong nước mà luôn mong muốn giới thiệu tác phẩm tốt của nhà văn trong nước ra nước ngoài. Nhưng thực hiện việc này khó lắm, nó tùy thuộc vào cơ hội, vào dịch giả và người ta muốn chuyển ngữ tác phẩm nào? Dịch xong rồi phải hiệu đính tốt để giữ được chất văn, chứ không phải cứ chuyển ngang như sách kiến thức. Vì vậy, NXB Trẻ theo đuổi thực hiện việc này nhưng không thể vội vàng".
Chịu lỗ để tìm cơ hội
Tác phẩm văn học Việt Nam gần đây nhất được xuất bản trong nước bằng tiếng Anh là "The black diamond" của nữ tác giả trẻ DiLi. Đây là lần đầu tiên một công ty truyền thông tư nhân bỏ tiền ra in một cuốn sách mà khả năng thu lãi là rất khó. Làm sách phải có mục tiêu, với đơn vị tư nhân thì sự cân nhắc đầu tiên vẫn cứ là lời lãi. Tuy nhiên, lý do để "The black diamond" ra đời, ngoài cái lẽ tác giả của nó đã khá quen thuộc thì còn là mong mỏi có cái gì đó cầm tay mang đến các hội chợ sách quốc tế. Cũng dễ hiểu, bởi lâu nay tình trạng xuất bản Việt Nam "tay không" đến hội chợ sách quốc tế là khá phổ biến. Có nhiều trường hợp ta giới thiệu sách với bạn bè nhưng không hiệu quả do bản in bằng tiếng Việt, chất lượng lại không đúng tiêu chuẩn quốc tế. Đây là một điều thiệt thòi, bởi cho đến nay nhiều người nước ngoài vẫn nghĩ văn học Việt Nam chỉ có chiến tranh, nông thôn, lũy tre làng…
Chuyện DiLi ra sách tiếng Anh, mừng cho tác giả nhưng nhìn rộng ra thì phía trước còn lắm nhọc nhằn. Dễ thấy là phần lớn nỗ lực dịch thuật thuộc về tác giả, mà dịch tiếng Việt sang tiếng Anh, nhất là với một tác phẩm văn học là điều không dễ dàng. Mặc dù đã nhờ cậy đội ngũ người dịch, hiệu đính gồm đông đảo nhà văn, giảng viên nước ngoài nhưng, như DiLi chia sẻ, nhiều khi đọc bản dịch thấy rất buồn cười, không phải vì trình độ mà là vì dịch giả nước ngoài khó có thể hiểu hết tác phẩm. Trao đổi, thảo luận, chỉnh sửa… là yêu cầu tất yếu để có một bản dịch tương đối hoàn hảo. DiLi cho biết cuối năm nay chị sẽ tham dự Hội nghị các nhà văn Châu Á - Thái Bình Dương tại Thái Lan. Và "The black diamond" sẽ được mang theo để chào hàng với nhà văn các nước.
Mừng vì thấy xuất bản trong nước rục rịch tự chuyển ngữ và ấn hành tác phẩm văn học Việt bằng tiếng nước ngoài. Nhưng xét cho cùng, đó mới chỉ là nỗ lực lẻ tẻ của tác giả và một vài đơn vị xuất bản. Muốn mang văn học Việt ra thế giới đúng nghĩa thì cần nhiều hơn thế.