Ngành thủy sản đang phát triển thiếu bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 23/06/2012

(HNM) - Những năm qua nuôi trồng thủy sản Việt Nam tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị với mức tăng 8,49%/năm. Nhưng hiện ngành thủy sản đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như công nghệ bảo quản sau thu hoạch thô sơ, sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) tùy tiện, sản phẩm chưa tạo được thương hiệu quốc gia, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế…

Ngành thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thực sự tạo ra được thương hiệu trên thị trường. Ảnh: Huy Hùng

Tại cuộc hội thảo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 22-6, TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản cho biết, ngành thủy sản Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn như công tác tổ chức sản xuất trên biển còn quá nhiều bất cập, đầu vào và đầu ra sản phẩm của ngư dân đều do tư thương quản lý, kể cả nguồn vốn nên tình trạng ép giá thường xuyên xảy ra. Sản lượng khai thác thủy sản (KTTS) giá thấp vẫn chiếm tỷ trọng cao, trên 70% là cá tạp các loại dùng trong chế biến thức ăn và tiêu dùng nội địa. Việc sử dụng các loại hóa chất bị cấm trong NTTS vẫn xảy ra, dẫn tới nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị trả lại; dịch bệnh liên tiếp xảy ra gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Không những gặp khó khăn về NTTS và KTTS, trong chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng còn nhiều tồn tại. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), công nghệ bảo quản sau thu hoạch hiện rất thô sơ, chủ yếu bảo quản bằng nước đá nên tổn thất sau thu hoạch khá cao chiếm 20-25% tổng sản lượng KTTS. Thực tế cho thấy, mặc dù nằm trong tốp 5 các nhà cung cấp thủy sản lớn nhất thế giới, nhưng đến nay Việt Nam còn thiếu chiến lược tiếp thị đồng bộ và lâu dài cho cả ngành thủy sản; thiếu hệ thống cung cấp thông tin đầy đủ, chính thức trước các thông tin sai lệch về chất lượng nên luôn gặp phải rào cản thương mại của các nước EU, Mỹ… Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong DN thường xảy ra, dẫn tới phá giá thị trường. Nhà máy chế biến thủy sản phát triển không theo quy hoạch vùng. Từ năm 2007-2010, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có 190 nhà máy chế biến thủy sản, với công suất thiết kế trên 1,2 triệu tấn/năm. So với năm 2003, số nhà máy tăng gấp 2,3 lần, công suất thiết kế tăng gấp 2,7 lần. Hậu quả là thiếu nguồn nguyên liệu cho sản xuất, các nhà máy hoạt động cầm chừng chỉ đạt 30-50% công suất; thậm chí hiện nay nhiều nhà máy chế biến chỉ chạy 10-30% công suất, có nhà máy đã ngừng hoạt động.

Để quy hoạch tổng thể ngành thủy sản cho những năm tiếp theo, nhiều đại biểu dự hội thảo cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, cần quy hoạch vùng nuôi theo quy mô lớn, tránh nhỏ lẻ, tự phát dẫn tới không kiểm soát được dịch bệnh. Đầu tư cơ sở vật chất cho NTTS, KTTS, chế biến và xuất khẩu; đổi mới khoa học công nghệ để giảm tổn thất sau thu hoạch xuống còn 10% trong năm 2020. Ngành thủy sản phải ưu tiên về giải pháp thị trường, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần chủ động theo dõi diễn biến thị trường, cập nhật các chính sách của thị trường để xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại thích hợp đối phó với tranh chấp thương mại, rào cản kỹ thuật. Đổi mới cách tiếp cận thị trường trong nước để khi thị trường thế giới bị khủng hoảng thì chính thị trường trong nước sẽ giúp các DN tiêu thụ sản phẩm.

Đến năm 2020 sản lượng NTTS đạt 4,5 triệu tấn, tăng trưởng bình quân 5,2%/năm. Tổng sản lượng KTTS đạt 2,4 triệu tấn; sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu đạt 2 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 10,5-11 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%/năm. Nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng đạt trên 60%.

Quỳnh Dung