Giảm đầu mối để giảm sai sót

Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 23/06/2012

(HNM) - Chỉ trong 6 tháng đầu năm, từ nguồn thông tin báo chí phản ánh và công tác thẩm định định kỳ, Bộ Tư pháp đã phát hiện 564 văn bản của các bộ, ngành, địa phương sai về thể thức, nội dung trình bày hoặc vượt thẩm quyền ban hành.

Thực tế trên cho thấy, yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay là cần tăng cường giám sát, rút bớt cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để giảm thiểu sự chồng chéo, mâu thuẫn trong thẩm quyền ban hành, hạn chế tình trạng "xé rào" trong việc hoạch định chính sách.

Văn bản chồng chéo gây nhiều khó khăn trong quá trình thi hành. Ảnh: Khánh Nguyên

Sai sót từ thể thức đến thẩm quyền

Hiện nay, pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) ở nước ta đang phân tách thành hai cấp: cấp TƯ và cấp địa phương, tương ứng là hai luật khác nhau. Việc ban hành thông tư của cấp bộ, cơ quan ngang bộ, cho đến Hiến pháp, luật của Quốc hội chịu sự điều chỉnh của Luật Ban hành văn bản QPPL 2008. Việc ban hành văn bản QPPL của chính quyền địa phương (HĐND, UBND tỉnh, huyện, xã) chịu sự điều chỉnh theo Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND 2004. Việc tồn tại hai luật song song, quy định cả 4 cấp đều có thẩm quyền ban hành văn bản với nội dung như nhau nhưng chỉ khác ở cấp độ, dẫn đến hệ thống văn bản ở địa phương trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc và rất khó kiểm soát. Còn thẩm quyền xây dựng văn bản QPPL thì bị xé nhỏ theo phạm vi quản lý nên mâu thuẫn trong công tác ban hành. Đáng chú ý, các quy định về phân cấp, phân quyền giữa TƯ và địa phương chưa rõ ràng, thậm chí còn chồng chéo giữa thẩm quyền của bộ, ban, ngành ở TƯ với cá nhân chủ tịch UBND tỉnh hoặc có sự đối lập về thẩm quyền của HĐND với UBND khiến việc vận dụng không suôn sẻ.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, từ nguồn thông tin báo chí phản ánh và công tác thẩm định định kỳ, Bộ Tư pháp đã phát hiện 564 văn bản của các bộ, ngành, địa phương sai về thể thức, nội dung trình bày hoặc vượt thẩm quyền ban hành gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc thi hành. Trong đó có không ít văn bản QPPL mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí trái với chính sách của các cơ quan nhà nước cấp trên hoặc có những lĩnh vực cần điều chỉnh thì lại chưa có quy định.

Rút thẩm quyền ban hành văn bản cấp huyện, xã?

Khắc phục những bất cập, tồn tại kể trên, đồng thời nhằm nâng cao chất lượng văn bản QPPL, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp cho hay, yêu cầu bức thiết đặt ra là phải đổi mới quy trình xây dựng ban hành văn bản QPPL. Bộ Tư pháp đã "khởi động" rà soát, hợp nhất Luật Ban hành văn bản QPPL 2008 và Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND 2004 thành một luật chung, từ đó loại bỏ những điều khoản mâu thuẫn, đối lập. Sau khi xem xét toàn bộ quy trình ban hành văn bản QPPL theo hướng đơn giản hóa, minh bạch, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, phương án cơ quan này đưa ra là bỏ bớt một số hình thức văn bản QPPL cũng như chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL. Cụ thể, nghiên cứu bỏ hình thức văn bản QPPL liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; bỏ hình thức chỉ thị của UBND các cấp và bỏ thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã…

Có một ví dụ cụ thể là Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực từ ngày 15-10-1993, nhưng sau gần 10 năm, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Tổng cục Địa chính mới phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 01 ngày 3-1-2002 hướng dẫn về thẩm quyền của TAND trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Trong khi đó, năm 2003, Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai mới và Thông tư 01 nói trên vẫn chưa được sửa đổi cho phù hợp. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành làm cho luật chậm đi vào cuộc sống. Các cơ quan tổ chức áp dụng không thống nhất, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Do đó, trong điều kiện "loạn" văn bản hướng dẫn, thiếu cơ quan chịu trách nhiệm chính, định hướng bỏ thông tư liên ngành đồng nghĩa với phần việc của ngành nào ngành đó phải chủ trì, tự ban hành quy định hướng dẫn là "rất mạnh dạn", giảm thiểu tình trạng "cha chung không ai khóc".

Cũng cần lưu ý rằng thu gọn không có nghĩa là cắt hết các văn bản ban hành nên không thể bỏ giám sát hoạt động này. HĐND, UBND là cơ quan thực thi pháp luật, cắt quyền ra công văn, giấy tờ, HĐND vẫn còn quyền ban hành nghị quyết; UBND ban hành quyết định. Riêng việc bỏ thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của VKSND Tối cao, TAND Tối cao cần cân nhắc kỹ vì nếu áp dụng thì ai sẽ ban hành những văn bản trong những ngành này?

Hà Phong - Phạm Hạnh