Lợi nhuận ngân hàng chỉ ở mức trung bình
Kinh tế - Ngày đăng : 15:31, 22/06/2012
Theo báo cáo của các TCTD, lợi nhuận sau thuế năm 2011 của toàn hệ thống TCTD tăng 15,1% so với năm 2010, thấp hơn tốc độ tăng lợi nhuận của các năm trước, trong đó có gần 50% các TCTD có lợi nhuận giảm so với năm 2010. |
Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, lợi nhuận của ngành Ngân hàng Việt Nam chỉ ở mức trung bình và thấp hơn năm 2010. Lợi nhuận của năm 2011 tăng 15,1% so với năm 2010, trong khi tốc độ tăng vốn chủ sở hữu 22,85% và tốc độ tăng quy mô tài sản có 18,55%. Hai chỉ số quan trọng nhất phản ánh hiệu quả kinh doanh và tỷ suất sinh lời của các TCTD là chỉ số ROA (lợi nhuận so với tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu) năm 2011 ở mức thấp hơn năm 2010: ROA đạt 1,09% và ROE đạt 11,86%, các chỉ số này của năm 2010 (lần lượt là 1,29% và 14,56%). So sánh 2 chỉ số này của ngành Ngân hàng với 10 ngành khác của nền kinh tế theo thống kê theo phân ngành cấp 1 các doanh nghiệp niêm yết cho thấy ROE ở mức trung bình (thứ 6/10) và ROA ở mức thấp nhất.
Điểm đáng lưu ý về lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2011 là có sự chênh lệch khá lớn giữa một số TCTD. Cơ quan này cho biết, lợi nhuận của hệ thống tăng chủ yếu do sự tăng trưởng của một số ngân hàng có quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lớn, có năng lực điều hành và quản trị rủi ro tốt, hoạt động an toàn, hiệu quả. Trong khi nhiều TCTD thuộc nhóm có quy mô nhỏ, quản trị điều hành yếu kém, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường nên thường phải huy động với lãi suất cao cộng với nợ xấu gia tăng mạnh nên đã có kết quả kinh doanh rất thấp, thậm chí lỗ lớn trong năm 2011.
Cũng theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, số liệu lợi nhuận của các TCTD tại thời điểm 31/12/2011 chưa phản ánh đầy đủ các chi phí của TCTD.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của NHNN được thực hiện theo quý, riêng đối với quý IV, trong thời hạn làm việc 15 ngày của tháng 12. Như vậy, phần chi phí tại thời điểm 31/12/2011 chưa thể hiện đầy đủ số dự phòng rủi ro phải thực hiện trong cả năm.
Lợi nhuận ngân hàng chưa chính xác |
Các khoản nợ được phân loại, trích lập dự phòng rủi ro mới chỉ bao gồm các khoản cấp tín dụng, trong khi nhiều tài sản tiềm ẩn rủi ro tín dụng khác như các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp... lại chưa được phân loại và trích lập dự phòng; Quy định hiện hành về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng cho phép khấu trừ giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản khi trích dự phòng là 50%. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản biến động mạnh và suy giảm liên tục trong thời gian qua, trong khi giá trị bảo đảm là bất động sản không được định giá lại dẫn đến việc trích lập dự phòng cho các khoản dư nợ cho vay có bảo đảm bằng bất động sản chưa sát với thực tế.
Ngoài ra, một số TCTD hạch toán các khoản có tính chất cấp tín dụng vào các tài khoản khác, ví dụ tài khoản phải thu, mua trái phiếu doanh nghiệp và từ đó thực hiện việc trích lập dự phòng không đầy đủ...
“Những vấn đề trên đã góp phần làm cho số liệu lợi nhuận công bố của các TCTD chưa phản ánh đầy đủ và chính xác thực trạng kết quả kinh doanh’”-Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nhấn mạnh.
Cũng theo cơ quan này, ngoài những yếu tố trên, đóng góp vào tăng lợi nhuận của các TCTD trong năm 2011 còn có yếu tố mở rộng thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm mới như dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thẻ thanh toán các loại, dịch vụ gửi giữ, kinh doanh ngoại hối.
Như vậy, “nhìn chung xu hướng lợi nhuận năm 2011 của các TCTD tăng phù hợp với quy mô tài sản, nguồn vốn chủ sở hữu, khả năng trình độ quản trị điều hành của từng TCTD và tình hình khó khăn chung của nền kinh tế”-Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng kết luận.
Cơ quan này cho biết, quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng, xử lý rủi ro của các TCTD đang được NHNN nghiên cứu sửa đổi, những bất cập trong quy định hiện hành sẽ được khắc phục và loại bỏ, lúc đó số liệu về lợi nhuận của các TCTD sẽ được phản ánh đầy đủ và chính xác hơn.