Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân: Vẫn xa rời thực tế!

Đời sống - Ngày đăng : 07:07, 22/06/2012

(HNM) - Sau thời gian dài "trưng cầu dân ý", Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với nội dung gần như giữ nguyên so với dự thảo trước đó. Nếu được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay, Luật Thuế TNCN sửa đổi sẽ chính thức được áp dụng vào năm 2014. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Thuế TNCN sửa đổi dù chưa được áp dụng, nhưng đã sớm lạc hậu và xa rời thực tế.

Ông Tạ Đình Thắng (phường Đức Giang, quận Long Biên):
Không nên cứng nhắc khi xây dựng luật thuế

Theo phương án sửa đổi Luật Thuế TNCN được Bộ Tài chính soạn thảo, trình Chính phủ, một lần nữa mức TNCN phải chịu thuế và mức chiết trừ gia cảnh lại bị "đóng khung" trong luật. Theo đó, mức thuế suất được giảm từ 7 bậc xuống còn 6 bậc (bỏ bậc thuế suất 35%); mức khởi điểm chịu thuế được nâng từ 4 triệu đồng/tháng lên 6 triệu đồng/tháng; mức chiết trừ gia cảnh được tăng từ 1,6 triệu đồng hiện tại lên 2,4 triệu đồng. Cách đây 3 năm, khi Luật Thuế TNCN được áp dụng, do mức khởi điểm chịu thuế và chiết trừ gia cảnh lạc hậu so với thực tế, Quốc hội đã phải cho miễn thuế TNCN trong 6 tháng. Tiếp đó, năm 2011, Quốc hội phải ra nghị quyết về việc miễn giảm thuế cho một số đối tượng và nay là yêu cầu sửa Luật Thuế TNCN do bộ luật này đã lạc hậu so với thu nhập, cuộc sống của người dân. Vậy mà, không hiểu vì lý do gì, dù rất nhiều ý kiến cho rằng nên xây dựng một bộ luật "mở', nhưng cuối cùng Bộ Tài chính vẫn kiên định "cột" mức khởi điểm chịu thuế và mức chiết trừ gia cảnh. Theo tôi, để tránh phải sửa đổi luật, Bộ Tài chính nên lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ xây dựng mức khởi điểm chịu thuế và mức chiết trừ gia cảnh. Khi lương tối thiểu tăng thì mức khởi điểm chịu thuế và chiết trừ cũng tăng theo. Còn nếu cứ giữ cách tính kiểu đóng khung như hiện nay, thì sẽ lặp lại "vết xe đổ" mà Luật Thuế TNCN năm 2007 đã vấp phải. Thật không nên khi mức khởi điểm chịu thuế và chiết trừ gia cảnh hiện hành đã tỏ ra lạc hậu ngay cả với những người có thu nhập trung bình, vậy mà đến năm 2014 mới áp dụng mức thuế mới thì liệu còn lạc hậu đến đâu?

Bà Nguyễn Thị Năm (phường Trương Định, quận Hoàng Mai):
Biểu thuế suất quá dày…

Nếu nhìn qua phương án sửa đổi Luật Thuế TNCN của Bộ Tài chính, nhiều người sẽ tưởng rằng việc bỏ đi mức thuế suất 35% áp dụng cho những người có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng là một "tiến bộ", song thực chất không phải vậy. Việc xóa bỏ mức thuế suất cao nhất chỉ tác động đến số ít cá nhân có thu nhập cao, còn những người có thu nhập ở mức thấp hơn hiện vẫn đang chịu áp lực do biểu thuế suất quá dày. Các bậc thuế được Bộ Tài chính xây dựng quá sát nhau, từ 0 đến 5 triệu đồng/tháng người thu nhập chỉ phải chịu mức thuế 5%, nhưng chỉ vừa tăng thêm vài trăm nghìn đồng, họ đã rơi ngay vào mức thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng và phải chịu mức thuế suất cao gấp đôi (10%). Bỏ mức thuế suất 35% không quan trọng bằng việc nới lỏng khoảng cách giữa các biểu thuế, hoặc giảm mức thuế suất giữa các bậc từ 5% xuống còn 3% để hỗ trợ cho những người nộp thuế. Một bất hợp lý khác là mức chiết trừ gia cảnh. Chưa nói đến những bất cập do việc ấn định cụ thể thời gian áp dụng và mức chiết trừ gia cảnh, việc áp dụng một mức chiết trừ gia cảnh như nhau ở tất cả các vùng, miền từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi… là thiếu thực tế và bất cập.

Bà Nguyễn Bích Hồng (phường Phúc La, quận Hà Đông):
Mới chỉ "nắm" người "có tóc"…

Mười năm trước, khi vừa tốt nghiệp đại học và đi làm ở cơ quan nhà nước, mức lương khởi điểm chỉ hơn 500.000 đồng/ tháng, tôi đã mơ ước và đặt niềm tin phấn đấu có mức thu nhập tiền triệu. Hiện nay, tuy được lĩnh mức lương thuộc diện phải đóng thuế thu nhập, nhưng tôi thấy tiền nong vẫn eo hẹp, bởi chi phí sinh hoạt ngày càng trở nên đắt đỏ, giá cả luôn tăng theo cấp số nhân. Mặt khác, tôi thấy Luật Thuế TNCN vẫn chưa tạo sự công bằng trong các đối tượng nộp thuế, mới chỉ "đánh" được vào người làm công ăn lương ở các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về sổ sách, báo cáo kế toán đầy đủ. Còn những người làm tư nhân, những người kinh doanh tự do có những khoản thu hằng tháng hoặc thu đột biến gấp bao nhiêu lần công nhân viên chức, thì chưa có biện pháp quản lý, bao quát hết...

Bà Đặng Thúy Hằng (kế toán tự do):
Luật để toàn dân thực hiện nghiêm chứ không phải để "lách"

Nhiều năm làm kế toán và quyết toán thuế cho các công ty trách nhiệm hữu hạn, tôi thấy hầu hết các công ty sẵn sàng trả lương cho kế toán cao, với điều kiện phải am hiểu pháp luật để giúp họ "lách" luật. Chẳng hạn, để tránh phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, thì họ sẽ cân đối sổ sách trả lương công nhân cao đến mức phải đóng thuế TNCN để hưởng mức thuế từ 5% đến 10%, dù thực tế người lao động không hưởng thu nhập như vậy. Tức là họ đang "lách luật" để mang lại lợi ích cho chủ doanh nghiệp, mà không ai có thể bắt bẻ được. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần tính toán giảm các mức thuế xuống thấp hơn để các doanh nghiệp có điều kiện nộp đúng, nộp đủ, từ đó hạn chế tiêu cực trong việc tính thuế.

Thùy Ngân - Bảo Nga