Đường tới đích vẫn xa

Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 22/06/2012

(HNM) - Hà Nội đang xây dựng nông thôn mới (NTM) tại 19 xã điểm, trong đó có 1 xã của trung ương (TƯ), 3 xã của thành phố và 15 xã của các huyện, thị.


Theo kế hoạch, mô hình điểm của TƯ về đích trước năm 2011, 18 mô hình còn lại của thành phố và huyện, thị về đích trước năm 2012 làm cơ sở rút kinh nghiệm nhân rộng. Đã bước vào giai đoạn nước rút nhưng đường tới đích như vẫn còn rất xa.

Chỉ đạt các tiêu chí đơn giản

Xuân Nộn là xã điểm NTM của huyện Đông Anh. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Doãn Lương, trước khi xây dựng NTM, Xuân Nộn chỉ đạt 2/19 tiêu chí, sau hơn một năm triển khai đã tăng lên 9/19 tiêu chí, 5 tiêu chí cơ bản đạt và 5 tiêu chí chưa đạt gồm nhà văn hóa, thủy lợi, hình thức sản xuất, tỷ lệ lao động và thu nhập. Theo ông Nguyễn Doãn Lương, các tiêu chí thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất và lao động chắc chắn sẽ không hoàn thành trong năm 2012. "Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của xã là 18,6 triệu đồng/người/năm. Theo tiêu chí, đến hết năm 2012, con số này sẽ phải tăng lên 25 triệu đồng/người/năm mới gấp 1,5 lần bình quân thu nhập trong khu vực. Địa phương có "vắt chân lên cổ" chạy cũng không kịp bởi nâng cao thu nhập cần có thời gian và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố" - ông Lương nhận định. Thực hiện xây dựng NTM, Xuân Nộn đã triển khai 6 mô hình sản xuất với kinh phí 45 tỷ đồng gồm dự án hỗ trợ sản xuất rau an toàn, diện tích 44ha, bố trí vốn năm 2012 là hơn 9,3 tỷ đồng; dự án cây ăn quả, diện tích 19,3ha, vốn 8 tỷ đồng; dự án hoa cây cảnh, diện tích 23ha, vốn 10 tỷ đồng; dự án chăn nuôi, thủy sản… nhưng đến nay vẫn còn không ít vấn đề.

Không quá khó khăn như Xuân Nộn, xã Yên Sở (Hoài Đức) được đánh giá có nhiều thuận lợi khi bắt tay xây dựng NTM. "Đây là địa phương nhất xã, nhất làng nên việc chỉ đạo từ xã đến thôn tương đối đồng bộ. Hệ thống đường giao thông liên xã cơ bản được cứng hóa từ những năm trước theo hướng vận động nhân dân đóng góp, ngân sách xã hỗ trợ một phần kinh phí. Trục đường xã được quy hoạch từ những năm 1980 nên khá rộng rãi và thông thoáng" - Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Xuân Kiểm cho biết. Tuy nhiên, nếu như trước khi xây dựng NTM, Yên Sở có 7 tiêu chí đạt thì đến nay mới nâng lên được 14 tiêu chí.

Tiến độ triển khai xây dựng NTM chậm là thực trạng chung ở hầu hết các xã. Ngay tại xã điểm NTM của TƯ là Thụy Hương, theo kế hoạch phải xong trước năm 2011, nhưng đến nay xã mới hoàn thành được 18/19 tiêu chí; đối với xã điểm của huyện, thị, thấp nhất là Sơn Đông (Sơn Tây) mới đạt và cơ bản đạt 12/19 tiêu chí và đều là các tiêu chí đơn giản, dễ thực hiện khi có vốn "rót" về…

Vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Trở lại xã Xuân Nộn, xã có 527ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa chiếm 410ha. "Rất khó vận động nhân dân dồn điền đổi thửa bởi đồng đất không đồng đều. Hơn nữa, trình độ dân trí thấp, khi được chọn xây dựng NTM, người dân hồ hởi nghĩ sẽ được công trình, được cái này, cái kia. Nhưng khi biết sẽ phải tham gia đóng góp thì lại ngại tham gia. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ còn trì trệ" - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Doãn Lương cho biết. Theo đề án, kinh phí xây dựng NTM của xã Xuân Nộn là 287 tỷ đồng bao gồm vốn ngân sách thành phố, huyện, xã và nhân dân đóng góp... Hiện nguồn vốn của thành phố, huyện hỗ trợ đã cơ bản đáp ứng; vốn của xã chủ yếu trông chờ vào đấu giá đất, đến nay vẫn chưa đấu thầu được. Trong số 24 tỷ đồng vốn huy động từ doanh nghiệp, mới có một đơn vị đăng ký hỗ trợ 50 triệu đồng; vốn huy động từ người dân vẫn là số không. Tương tự, xã Yên Sở, triển khai các chương trình, dự án chậm do khó khăn về vốn. "Theo đề án được duyệt, vốn của xã chiếm 22% đề án (33,7 tỷ đồng) nhưng địa phương chưa đấu giá được đất nên chưa có. Vốn doanh nghiệp và nhân dân đóng góp, xã hội hóa là 17,1% (26 tỷ đồng), rất khó huy động đủ vì những năm qua địa phương đã huy động làm đường trong khu dân cư, người dân đã đóng góp nhiều rồi" - Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Xuân Kiểm cho biết.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân, bên cạnh những nguyên nhân khách quan làm chậm tiến độ xây dựng NTM như trên, còn có nguyên nhân từ sự vào cuộc của chính quyền các địa phương chưa thực sự quyết liệt, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Về vốn, các địa phương cần coi trọng tỷ lệ đầu tư, cơ cấu đầu tư, giải ngân nguồn vốn và đặc biệt là phải sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả. Nguồn vốn sử dụng không sai nhưng làm cái gì trước, làm cái gì sau thì phải tính toán rất kỹ. Ông Nguyễn Hoài Nam, Ban Pháp chế, HĐND TP Hà Nội cho rằng, cần tập trung làm trước các tiêu chí không cần phải mất nhiều tiền như xây dựng đời sống văn hóa, không sinh con thứ ba, dồn điền đổi thửa... Đặc biệt, phải đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy nhiệt huyết, thi đua chung sức xây dựng NTM trong mỗi người dân bởi họ mới là chủ thể thực sự của NTM. Đây là điểm yếu của nhiều địa phương trong xây dựng NTM thời gian qua.

Nguyễn Mai