Phải thực sự là “bà đỡ” của nông dân
Xã hội - Ngày đăng : 06:29, 22/06/2012
Cán bộ HTX NN và xã viên xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) trao đổi, đánh giá năng suất và chất lượng vụ lúa xuân. Ảnh: Bá Hoạt
Năm 2011, HTX NN Liên Thôn, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai đã mạnh dạn đưa vào gieo sạ giống lúa BG1 trên các xứ đồng Cửa Hang, Bạc Na với tổng diện tích 7ha. Chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất tăng gấp 1,5 lần so với các giống lúa truyền thống như Q5, Khang dân 18. Đến nay, diện tích lúa BG1 được mở rộng lên tới 13ha, thay thế dần giống lúa Khang dân 18 đã được trồng nhiều năm. Ông Hoàng Văn Nhân, Chủ nhiệm HTX NN Liên Thôn cho biết, vụ xuân năm 2012 là vụ thứ ba HTX gieo cấy giống lúa mới này. Do được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung nên lúa không bị lẫn, gạo ngon, sản xuất theo đúng quy trình hướng dẫn của Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng và phân bón Từ Liêm và đã được thu mua toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch. Dự kiến vụ tới địa phương mở rộng từ 20-25% diện tích để trồng giống lúa này.
Chủ nhiệm HTX NN Phụng Châu, huyện Chương Mỹ Nguyễn Kim Huân cho biết, vụ xuân này năng suất cao hơn vụ trước, bình quân ước đạt trên 65 tạ/ha. Riêng giống lúa BC15 cho năng suất 66 tạ/ha. Đây là giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với đồng đất Phụng Châu. Tương tự, nhiều HTX cũng đạt năng suất cao nhờ việc tiếp nhận bộ giống mới, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất như HTX Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, HTX Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, HTX An Mỹ, huyện Mỹ Đức…
Hà Nội hiện có 975 HTX NN, nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn như quy mô nhỏ, thiếu vốn, tài sản ít, khả năng cạnh tranh thấp, chậm đổi mới, năng lực nội tại yếu; đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế về trình độ, lại không ổn định… Điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HTX. Hiện nay, nhiều HTX hoạt động cầm chừng, một số HTX mới chỉ làm được dịch vụ đầu vào, còn bỏ trống khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp tín dụng cho xã viên, chưa thực hiện được việc liên doanh, liên kết để mở thêm nhiều ngành nghề mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều HTX NN vẫn thể hiện được vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và hiệu quả kinh tế góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhiều HTX đã tham gia cung ứng dịch vụ thiết yếu cho xã viên, cụ thể: 72% số HTX làm dịch vụ thủy lợi, 43% cung ứng vật tư, 38% làm dịch vụ khoa học kỹ thuật, 15% làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm…
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An, HTX NN có vai trò rất quan trọng. Điều này thể hiện rõ dưới các góc độ: làm tốt dịch vụ cho người dân, đưa tiến bộ về giống, khoa học kỹ thuật đến với nông dân nhanh nhất, hiệu quả nhất. Kinh nghiệm quốc tế và bài học thành công về HTX trong nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội là minh chứng sinh động rằng, HTX NN là con đường mà các hộ nông dân, những đối tượng chiếm số đông nhưng tiềm lực yếu, năng lực cạnh tranh thấp cần lựa chọn. HTX NN là mô hình tổ chức kinh tế phù hợp nhất với người nông dân, do vậy cần có các biện pháp để thúc đẩy quá trình củng cố, đổi mới HTX cả về tổ chức, quản lý và hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, tạo động lực mới ngay trong từng HTX...