Cả DN và người lao động cùng chủ quan

Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 21/06/2012

(HNM) - Tai nạn lao động(TNLĐ), bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, trong các lĩnh vực có nguy cơ tiềm ẩn cao như ngành xây dựng, khai khoáng và hóa chất… đang có xu hướng gia tăng.

Công nhân làm việc trong lĩnh vực xây dựng bị TNLĐ nhiều nhất. Ảnh: Trung Kiên


Hiện nay có 95% DN vừa và nhỏ trong tổng số hơn 540.000 DN, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động thì có 66% cơ sở sản xuất bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 30% cơ sở bị ô nhiễm tiếng ồn; 60% DN không tổ chức khám bệnh cho NLĐ. Báo cáo của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ,TB&XH) cho thấy công nhân làm việc trong lĩnh vực xây dựng trên toàn quốc (gần 1,3 triệu người ) bị TNLĐ nhiều nhất, trong 5 năm trở lại đây số vụ TNLĐ trong lĩnh vực này chiếm 51,11% tổng số vụ TNLĐ chết người. Số vụ TNLĐ của ngành xây dựng chiếm 34,43% tổng số vụ việc; ngành khai khoáng là 12,7%; cơ khí chế tạo là 7,8% và sản xuất vật liệu xây dựng là 8,3%. Riêng ngành khai thác than, giai đoạn năm 1996-2005, có 182 NLĐ đang khai thác mỏ hầm lò bị chết trong tổng số 114 vụ TNLĐ. Tính bình quân, để khai thác được 1 triệu tấn than thì có 3 người thiệt mạng…

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân thì DN mắc nhiều lỗi lớn về công tác ATVSLĐ, né tránh những quy định của pháp luật về lao động. Tuy nhiên, đáng trách từ chính NLĐ khi họ xem thường sự an toàn của bản thân. Ông Phạm Minh Huân cũng khẳng định là chắc chắn sẽ còn rất nhiều vụ TNLĐ chưa được báo cáo. Và NLĐ sẽ còn tiếp tục bị mất quyền lợi khi mà các cơ quan chức năng không có hành động cụ thể. Bộ LĐ-TB&XH đã và đang xem xét, bổ sung, sửa đổi những văn bản pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của NLĐ, DN. Nếu DN cố tình vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, sẽ kiến nghị UBND địa phương rút giấy phép của DN, kiến nghị nâng mức xử phạt, thậm chí đề nghị ngành công an vào cuộc nếu DN để xảy ra TNLĐ nghiêm trọng. Với NLĐ, Bộ cũng tăng cường cán bộ thanh tra giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở… Được biết việc sửa đổi này sẽ trình Chính phủ vào cuối năm 2012, năm 2014 trình Quốc hội để có thể có hiệu lực vào năm 2015.

Trước đó, Chính phủ đã dành 700 tỷ đồng cho ATLĐ để hy vọng giảm được 5% số vụ TNLĐ dẫn đến chết người trong các ngành khai khoáng, xây dựng, sử dụng điện, cơ khí và hóa chất; giảm 10% NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp, 80% NLĐ làm việc tại các cơ sở có nguy cơ mắc bệnh cao được khám bệnh trong giai đoạn 2011- 2015. Và mới đây nhất, trung tuần tháng 6-2012, Bộ LĐ-TB&XH đã ký kết với Tổ chức Lao động quốc tế ILO để thực hiện dự án "ATVSLĐ trong các ngành có nguy cơ TNLĐ cao ở Việt Nam" do một tổ chức của Nhật Bản đầu tư. Với mục tiêu tăng cường khung pháp lý để phòng ngừa tai nạn trong các ngành có nguy cơ cao; nâng cao vai trò thanh tra và dịch vụ tư vấn; xây dựng mạng lưới để nhân rộng, cập nhật thông tin; củng cố cơ chế báo cáo… những cán bộ thực hiện dự án kỳ vọng sẽ hạn chế, phòng ngừa những mối nguy cơ và độc hại do amiăng và các hóa chất khác gây ra đối với sức khỏe của NLĐ... Những người làm công tác ATVSLĐ, NLĐ, người sử dụng lao động, các DN vừa và nhỏ, khu vực kinh tế phi chính thức và nông thôn tại 5 tỉnh Bắc Kạn, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Đồng Nai là những đối tượng thực hiện dự án.

Với rất nhiều quyết sách đặt ra, nhiều chương trình, hành động cụ thể, hy vọng trong năm nay và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ giảm đáng kể những vụ TNLĐ gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Kim Vũ