Tháng Sáu, tìm về địa chỉ đỏ
Chính trị - Ngày đăng : 06:43, 21/06/2012
Nơi ấy là huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, cùng An toàn khu (ATK) thời kháng chiến chống Pháp. Một thời gian dài, Bác Hồ, Bác Tôn, các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy đã sống và làm việc ở đây. Cùng ở Định Hóa còn có Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Liên - Việt, Báo Cứu Quốc, Báo Nhân Dân, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam… Nơi đứng chân lâu dài của Trung ương Mặt trận Liên - Việt là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Đoàn Thanh niên Báo Hànộimới thăm Di tích lịch sử quốc gia, Nhà trưng bày địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Nguyệt Ánh
Ngày ấy, đến Điềm Mặc, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Ma Khắc Sơn mừng lắm. Dưới mái nhà sàn, anh kể về những ngày làm Xã đội trưởng, Trưởng Công an, Phó Chủ tịch xã rồi 10 năm làm Chủ tịch xã, ba khóa làm Bí thư Đảng ủy xã. Anh cùng với Đảng ủy, các ban, ngành và Chủ tịch xã Nông Ngọc Thường đoàn kết, từng bước đưa Điềm Mặc đi lên trong bước đi của đất nước. Điềm Mặc có một đảng bộ, 19 chi bộ, 207 đảng viên, 937 hộ với trên bốn ngàn dân thuộc các dân tộc: Tày, Kinh, Dao, Sán Chỉ và Nùng sinh sống. Hệ thống giáo dục, từ mẫu giáo đến cấp II, đã thu hút con em đồng bào các dân tộc đến trường, xóa đi nạn thiếu học của các bản, làng. Trên 900 học sinh các cấp thường xuyên theo học ở 24 lớp cấp I và ba lớp cấp II. Trong số đó, có 11 cháu đang theo học Đại học Việt Bắc và các trường đại học ở Hà Nội. Một bác sỹ và ba y sỹ đã duy trì, phát triển bệnh xá để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Điềm Mặc bây giờ không có hộ đói, chỉ còn 34,4% hộ nghèo, 70% hộ có tivi, 100% hộ có đài bán dẫn với hệ thống điện thoại kéo về tận UBND xã. Đêm đến, điện lưới quốc gia thắp sáng các gia đình đồng bào dân tộc ở các bản, làng...
Câu chuyện Điềm Mặc ở thời kỳ đổi mới khiến các nhà báo chúng tôi vơi đi nỗi day dứt về một thời xa vắng của nơi cội nguồn này. Anh Sơn trầm giọng:
- Những lần họp mặt lão thành kháng chiến, các cụ kể nhiều về chuyện Bác Hồ, Bác Tôn và các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy ở đây. Các cụ nhớ nhất ngày Đại hội nhà báo kháng chiến. Nhà báo về khá đông, Đại hội ở hội trường Mặt trận Liên - Việt do đồng chí Xuân Thủy chủ trì. Nơi đó là bản Roòng Khoa.
Bí thư Đường Khắc Sơn dẫn chúng tôi qua Suối Quần để đến bản Roòng Khoa. Trên đường vào núi Khẩu Goay (tức núi Con Trâu), chúng tôi ghé vào ngôi nhà sàn của cụ Ma Đình Điền, 91 tuổi, nơi ở từ thời kháng chiến chống Pháp. Cụ đang ở cùng con trai cả là Ma Đình Để, 63 tuổi. Ngày đó, cụ Điền làm việc trong xưởng in của Mặt trận Liên - Việt và Báo Cứu Quốc. Cụ nhớ nhà báo Xuân Thủy, nhà báo Nguyễn Thành Lê và nhiều số báo in trong xưởng in kháng chiến. Bác Ma Đình Để ngày đó mới 13 tuổi nhưng hay theo bố vào cơ quan và khi bố làm việc ở xưởng in. Cụ Điền nói: "Cứ tìm nền hội trường Mặt trận, nơi đó đã diễn ra Đại hội nhà báo". Nơi trước đây làm hội trường Mặt trận Liên - Việt, bây giờ là vườn cây mênh mông, trải theo chân núi thoai thoải của dãy Khẩu Goay. Phía trên là ngôi nhà sàn của anh Triệu Đình Quân, con trai ông Triệu Đình Âu, người trông nom hội trường thuở trước. Cùng có mặt để xác định khu nền hội trường thuở trước còn có vợ chồng ông Trần Văn Kiến và bà Triệu Thị Nghì, ông Triệu Đình Lệ. Tất cả đều khẳng định: Đại hội nhà báo ngày đó diễn ra ở nơi này, khoảng tháng 4 năm 1950, khi mùa móc coọc sắp đến. Nhà ông Kiến, bà Nghì được nuôi 5 nhà báo về dự đại hội. Bà Nghì là người được cử giết gà, giết vịt và nấu cơm phục vụ đại biểu. Ông Lệ kể: Hội trường đại hội sau chuyển lên đỉnh núi Khẩu Goay. Sở dĩ phải di chuyển vì có lần Bác Hồ đến thăm, Bác nói với cán bộ mặt trận: Ở nơi trống trải thế này, máy bay giặc đến thì tránh sao được đạn, bom; phải kín đáo để giữ lực lượng… Tất cả gợi nhớ một không khí không thể nào quên của Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (tức Hội Nhà báo Việt Nam) những ngày cuối xuân, đầu hạ hơn 50 năm trước. Những cảnh và người Việt Bắc cùng với ký ức của các nhà báo về dự đại hội, hiện đang còn sống, đã là cơ sở khẳng định nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.
Năm 1999, khi Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản đề nghị Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên xem xét, tìm hiểu về nơi đại hội đầu tiên, tuyên bố thành lập hội, nhà báo Phan Hữu Minh, Chủ tịch Hội và Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đã cử nhà báo Phan Sơn, Ủy viên Thường trực hội chịu trách nhiệm khảo sát, xác định trên thực tế. Hai lần lên Điềm Mặc, nhà báo Phan Sơn đã sưu tầm khá đầy đủ căn cứ để làm cơ sở xác định địa điểm quan trọng này. Trên cơ sở tài liệu do Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cung cấp, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang và Thường vụ Ban Chấp hành TƯ Hội đã hai lần cử đoàn cán bộ lên tận Điềm Mặc khảo sát, sau đó báo cáo Huyện ủy, UBND huyện Định Hóa; Tỉnh ủy, UBND và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng cách mạng tỉnh Thái Nguyên phối hợp giúp đỡ. Đến thời điểm ấy, nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất để thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (tức Hội Nhà báo Việt Nam) đã có những cơ sở vững chắc để khẳng định. Vấn đề đặt ra là cần hoàn chỉnh về mặt thủ tục để cơ quan thẩm quyền quản lý về mặt Nhà nước đối với di tích lịch sử xem xét, công nhận, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng khu di tích, cội nguồn của Hội Nhà báo Việt Nam. Đến nay, Nhà nước đã quyết định công nhận di tích cấp Nhà nước, nơi diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam, với sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp đã hoàn thành bia tưởng niệm và nhà lưu niệm trên xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Tháng sáu năm nay, nhớ buổi lên Điềm Mặc, mùa hè năm 2001, tôi như thấy hiện về hào khí kháng chiến năm xưa với đội ngũ nhà báo - chiến sỹ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp mà lớp viết báo mang tên nhà chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức bên xóm Bờ Rạ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã rèn giũa cho 42 nhà báo tham dự lớp học thành tài, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Họ là những lực lượng nòng cốt tham gia Đại hội lần thứ nhất, tuyên bố thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam ngày 20-4-1950.
Quá khứ không thể là tất cả của tương lai nhưng không nhớ về quá khứ vẻ vang thì không thể có một tương lai vững chắc.