Đồng thuận vượt khủng hoảng nợ
Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 21/06/2012
Sự lựa chọn "ở lại" của Athens vào thời điểm quyết định sự tồn vong của liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới như một cuộc sát hạch niềm tin đầy nghiệt ngã với Châu Âu. Một Hy Lạp tiếp tục đồng hành với Eurozone cũng đã làm dịu bớt không khí nóng bỏng tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 7 khi cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu trở thành chủ đề chính trong cuộc tập hợp tại khu nghỉ mát nổi tiếng Los Cabos của Mexico.
G20 đã đạt được sự đồng thuận chưa từng thấy về giải quyết khủng hoảng nợ Châu Âu với thúc đẩy tăng trưởng làm trọng tâm. |
Trái với những diễn biến không khả quan tại Châu Âu và nhiều phần còn lại của kinh tế thế giới, sự kiện quan trọng bậc nhất với 20 nền kinh tế phát triển nhất toàn cầu vừa khép lại với những kết quả bất ngờ. Không như lần gặp 6 tháng trước tại Cannes (Pháp), các lãnh đạo của tổ chức chiếm tới hơn 80% trao đổi kinh tế trên hành tinh đã đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề then chốt nhưng lại dễ gây tranh cãi nhất trong cuộc vượt "bão nợ" công - cơn bão đang làm chao đảo cả Châu Âu. Thay vì sự do dự và thiếu quyết liệt trong giải quyết cơn khủng hoảng nợ tồi tệ tại Châu Âu - từng làm lu mờ vai trò của G20 trong sự cố chưa có tiền lệ tại Lục địa già - Los Cabos đã trở thành địa danh đánh dấu sự đồng lòng chưa từng có của tổ chức này nhằm đối phó với cơn bạo bệnh ở Eurozone.
Đáp lại sự ủng hộ của G20 với các chương trình cải cách mà Châu Âu sẽ sử dụng thời gian tới, các lãnh đạo Lục địa già đã đồng ý thực hiện kêu gọi của nhiều đối tác về hội nhập hệ thống ngân hàng nhằm hướng tới một cơ cấu tài chính ổn định. Với động thái chưa từng có này, Cựu lục địa đã nhóm lên hy vọng một nền tảng tài chính vững chắc hơn sẽ giúp phá vỡ vòng tuần hoàn nợ nần đang làm rung chuyển Châu Âu.
Trong số 17 quốc gia Eurozone, chỉ có Đức, Pháp và Italia là những bộ phận cấu thành G20. Tuy nhiên, khi khó khăn của 3 thành viên trở thành tâm điểm của hội nghị có sự tham gia của nguyên thủ nhiều quốc gia khắp hành tinh thì rõ ràng cuộc khủng hoảng hiện thời không còn là vấn đề của riêng Châu Âu. Sau hơn hai năm làm mưa làm gió tại Cựu lục địa, thế giới đã có dịp chứng kiến không ít những hệ lụy do cơn "bão nợ" gây ra với con tàu kinh tế toàn cầu. Do vậy, đồng thuận trong hành động với trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng là thông điệp khẳng định một thực tế cấp thiết ngăn chặn đà mở rộng của vòng xoáy nợ không chỉ là nhiệm vụ của Lục địa già mà còn là trách nhiệm của cả thế giới. Sự kiện G20 nhất trí sẽ đóng góp tới 456 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm ứng phó với những khó khăn đang phải đối mặt thể hiện rõ nhận thức đó. Chưa khi nào đạt mức cấp vốn cao như vậy, tiếng nói chung vừa có được ở Los Cabos trong điều kiện tất cả các quốc gia G20 đều gặp những khúc mắc của riêng mình về tài chính cho thấy một tầm nhìn xa hơn, mới hơn để cùng "vượt bão" đã được thiết lập trên cấp độ toàn cầu.
Trên tinh thần đó, cuộc gặp lần thứ 7 của 20 nhà lãnh đạo thế giới cũng đã khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết vấn đề việc làm như một động lực quan trọng - chứ không chỉ "thắt lưng buộc bụng" - để vượt thoát tình trạng cận kề suy thoái như hiện nay. Cảnh báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) rằng nếu nhịp độ tăng trưởng việc làm của các nước G20 tiếp tục chỉ ở mức 1,5% như hiện nay thì, 21 triệu việc làm bị mất đi kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 tới nay sẽ là rào cản đáng sợ đối với sự hồi phục của bất kỳ quốc gia nào.
Thành lập năm 1999, với ảnh hưởng rộng lớn, G20 đã thể hiện vai trò trong giải quyết nhiều vấn đề kinh tế toàn cầu thời gian qua. Thành công mới nhất tại Mexico tiếp tục khẳng định tiếng nói của một diễn đàn liên kết các nền kinh tế lớn nhất hành tinh; đồng thời là cơ sở để dư luận tin tưởng G20 sẽ tạo thêm những nguồn lực quý báu và đúng lúc nhằm đưa thế giới vào quỹ đạo hồi phục.