Trương Uyên: Một nhà báo tận tâm với nghề

Văn hóa - Ngày đăng : 06:18, 21/06/2012

(HNM) - Hơn 40 năm làm việc với nhau ở Báo Thời Mới, rồi Hànộimới, tôi vẫn nhớ cái hình ảnh về Trương Uyên: một chàng trai có mái tóc cắt cao, chải mượt, để ria mép, quần áo phẳng, cổ đeo cà vạt, nghiện cà phê, thuốc lá, thích nhảy đầm.

Ông chuyên làm tin trong nước và thế giới, viết chính luận, còn được giao vẽ makét 4 trang báo. Sống kín đáo, hầu như ông không bao giờ nói về mình nên những gì tôi biết về ông không nhiều. Mãi tới khi Báo Hànộimới làm sách Kỷ yếu 40 năm xuất bản hằng ngày, tôi tham gia nhóm biên soạn, mới có dịp đọc bài của ông.


Trương Uyên tên thật là Tô Úy, xuất thân trong một gia đình nho học, quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Cụ thân sinh đỗ cử nhân khoa Canh Tý nhưng không ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học, làm thuốc. Vì thế, ông vào nghề báo rất sớm, chỉ với mảnh bằng tú tài triết học phần thứ nhất và cái năng khiếu bẩm sinh: viết và vẽ. Ngay cuối năm 1946, ở tuổi 18, ông đã thử sức cùng mấy bạn hữu gồm họa sĩ Mạnh Quỳnh, các nhà văn Xuân Thiêm, Nguyễn Hoài ra tuần báo Thiếu nhi và được cử làm Thư ký Tòa soạn. Nhưng báo xuất bản mới được 8 tháng, ra khoảng 60 số thì kháng chiến toàn quốc.

Rời Hà Nội, ông về quê, viết cho Báo Bãi Sậy ở đồng bằng khu 3 một thời gian. Năm 1949, ông trở ra Hà Nội làm cho tờ Thời Báo ra hằng ngày, trụ sở ở Hàng Than. Tới đầu năm 1950, tuần báo Gió Lốc ra mắt bạn đọc Hà thành, đóng trụ sở ở 191 phố Huế, do ông làm Chủ nhiệm kiêm Quản lý. Là báo trào phúng, Gió Lốc vạch trần âm mưu đen tối của bọn xâm lược và ngụy quyền tay sai, chống văn hóa nô dịch, dâm ô, đả kích những tên tai to, mặt lớn tham nhũng, hại nước, hại dân.

Và danh tiếng nhà báo Trương Uyên nổi lên trong Nghiệp đoàn Ký giả Bắc Việt. Tiếng lành đồn xa. Năm sau (1951) Tam Lang - tên thật: Vũ Đình Chí - trước khi vào làm báo ở Sài Gòn, liền tìm gặp và giới thiệu ông ở tuổi 24, đến thay làm Chủ bút Báo Giang Sơn ra hằng ngày, trụ sở ở 28 Lê Thái Tổ. Tại đây, ông có dịp thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, cái tâm trong sáng của một ký giả sống giữa lòng địch. Trong một chuyên mục đặt ở trang 4, ký tên Búa Đanh, Trương Uyên thẳng tay phê phán những chuyện xấu xa trong xã hội tạm chiếm, được độc giả đón đọc hằng ngày. Cũng thời điểm này, ông bắt được liên lạc với cán bộ hoạt động bí mật ở nội thành, nhận nhiệm vụ lấy tin vô tuyến điện, mua giấy nến và mực in gửi ra vùng kháng chiến. Công việc bí mật ấy tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi một đầu óc tính toán chặt chẽ mới thực hiện trót lọt.

Đến tháng 7-1954, chủ báo Giang Sơn bỏ vào Nam. Báo bị ngụy quyền rút giấy phép. Ngày giải phóng Thủ đô lại tới gần. Để thể hiện tấm lòng mình vẫn hướng về chế độ mới, ông cùng anh em công nhân góp tiền, mua lại cái máy in cà tàng và thuê luôn giấy phép của một chủ nhà in để ra báo hằng ngày, lấy tên Báo Mới. Số ra ngày 9-10-1954, Báo Mới đăng trên trang nhất "10 điều kỷ luật tiếp quản Thủ đô" và số ra ngày 10-10-1954, tường thuật cuộc đón tiếp đại quân từ 5 cửa ô tiến về Hà Nội, cuộc tiếp xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô, cùng những chính sách ở vùng mới giải phóng. Báo in không kịp, bao nhiêu bán cũng hết, các chú "báo ơ" bán báo đến tận chiều cuối. Đây chính là điều nhà báo Trương Uyên sung sướng nhất.

Năm 1956, Trương Uyên sang làm Báo Thời Mới ra hằng ngày, chuyên trách đưa tin trong nước và thế giới, sau cùng họa sĩ Khánh Phú thiết kế ma két 4 trang báo. Tháng 1-1968, Báo Thời Mới hợp nhất với Báo Thủ đô Hà Nội thành Báo Hànộimới. Ông tiếp tục làm việc ở Ban Thư ký Tòa soạn, ngoài việc đưa tin, còn phát huy sở trường, viết nhiều chuyên mục và chính luận ở các ấn phẩm mới ra đời trong thời kỳ đổi mới với các bút danh Nguyễn Xuân, Nguyễn Công Tâm, Thái Hà, Hồng Trần, Trà My…

Tháng 3-1990, nhà báo Trương Uyên nhận quyết định nghỉ hưu nhưng vẫn được Ban Biên tập mời ở lại làm thêm. Với lòng yêu nghề, say mê với công việc hằng ngày của một tòa soạn, ông vẫn chăm chỉ đạp xe tới cơ quan làm việc. Tới giữa mùa thu năm 2002, ông bị tai biến mạch máu não, phải nghỉ hẳn để dưỡng bệnh... Và hôm nay, khi những đồng nghiệp thế hệ hậu sinh của ông đang tất bật chuẩn bị cho ngày trọng đại kỷ niệm 55 năm Hànộimới ra số hằng ngày đầu tiên - tờ báo mà ông đã gắn bó gần như cả cuộc đời làm báo, thì ông lại vĩnh viễn ra đi.

Trong giờ phút đau buồn này, nghĩ về ông, chúng ta tiếc thương một nhà báo say mê, tận tụy với nghề, ngày đêm làm việc cần cù, không nghỉ, cống hiến từ thuở thanh xuân đến phút cuối của cuộc đời cho sự nghiệp báo chí.

Thôi, xin vĩnh biệt cố nhân yên giấc ngàn thu…

Thọ Cao