Tiềm ẩn rủi ro
Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 20/06/2012
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hợp đồng nhập khẩu gạo được ký kết từ trước đó với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị phía thương nhân Trung Quốc hủy bỏ. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cảnh báo, các DN xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cần có giải pháp, tránh rủi ro và không để ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu gạo chung và thương hiệu gạo Việt Nam.
Thu mua gạo để xuất khẩu.Ảnh: Trùng Dương
Đối diện nhiều rủi ro
Theo VFA, đến thời điểm này các DN Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu trên 5 triệu tấn gạo, giao được 2,7 triệu tấn. Trong tháng 6, dự kiến sẽ giao 700.000-750.000 tấn gạo. Sáu tháng qua các DN xuất khẩu gạo Việt Nam giao khoảng 3,3-3,4 triệu tấn, thấp hơn 3,8 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện thị trường nhập khẩu gạo thế giới đang có nhiều biến động, do vậy theo VFA, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi các thị trường khác giảm số lượng nhập khẩu thì Trung Quốc lại tăng mạnh lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc mua tới 1,2 triệu tấn gạo từ Việt Nam (cả năm 2011, Trung Quốc nhập 250.000 tấn gạo của Việt Nam).
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, thương gia Trung Quốc mua gạo Việt Nam không mở tín dụng thư (L/C). Hầu hết hình thức mua bán hiện nay giữa các DN, nông dân Việt Nam với thương nhân Trung Quốc là hình thức CT, nghĩa là hàng tới cảng Trung Quốc thì tiền mới được giải ngân. Hình thức thanh toán này tiềm ẩn rủi ro lớn nên các DN xuất khẩu gạo Việt Nam cần có những giải pháp, tránh rủi ro, tổn thất. VFA đã đi trước một bước là thành lập Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp Việt Nam, mở các chi nhánh ở một số tỉnh lớn của Trung Quốc, trực tiếp giao dịch mua bán gạo với nước này bằng con đường chính ngạch. Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Phong, dù Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã thông qua quy chế, nhưng chính sách mua gạo của thương nhân Trung Quốc rất khó hiểu. Họ không công bố con số nhập khẩu chính thức dù đang là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, đồng thời liên tục thay đổi quyết định: Dừng mua, rồi lại đột ngột mua trở lại. Cách làm này nhằm hạ giá gạo xuống mức thấp nhất làm mất ổn định thị trường lúa gạo ảnh hưởng đến sản xuất.
Bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam
Bên cạnh những chính sách mua hàng bất thường, gần đây nhiều thương nhân Trung Quốc còn yêu cầu DN Việt Nam trộn gạo trắng vào gạo thơm. VFA cho biết, với giá gạo trắng khoảng 8.000-8.500 đồng/kg, nếu trộn 50% vào với gạo thơm và bán dưới mác gạo thơm thì thương nhân Trung Quốc sẽ lợi 1/3 giá. Việc làm này hết sức nguy hại bởi nó không chỉ đơn thuần là trục lợi kinh tế mà còn hạ thấp uy tín, chất lượng gạo Việt Nam. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất gạo chất lượng cao, gạo thơm của Việt Nam, đồng thời phá thị trường gạo Việt Nam tại Trung Quốc. Trước kia ngành chè Việt Nam cũng đã điêu đứng chịu tiếng sản xuất chè "bẩn" khi đáp ứng những yêu cầu của một số thương nhân Trung Quốc. Hiện VFA đã yêu cầu DN không làm tổn hại đến việc xuất khẩu gạo Việt Nam, nghiêm cấm hành vi trộn gạo theo yêu cầu từ phía thương gia Trung Quốc.
Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát Lâm Anh Tuấn cho rằng, một số thương nhân Trung Quốc mua gạo không "nghiêm chỉnh, sòng phẳng" như một số đối tác khác. Hiện nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đã bị hủy với nhiều lý do khác nhau. Một số hợp đồng thương nhân Trung Quốc ký trước đây có giá cao thì nay muốn hủy hợp đồng do mặt bằng giá thế giới xuống thấp. Hơn nữa, họ thường ồ ạt sang mua với khối lượng lớn với hình thức giao miệng, khi nông dân và DN gom hàng rồi họ lại "biến mất". Đây là thị trường ẩn chứa nhiều rủi ro, bất ổn nên các DN cần đặc biệt lưu ý khi giao dịch. Nhiều năm nay thương nhân Trung Quốc mua gạo của Việt Nam qua đường tiểu ngạch mà không qua hình thức thanh toán quốc tế, chỉ theo kiểu "tiền trao cháo múc". Thương nhân Trung Quốc mua đủ loại gạo, kể cả gạo 5%, 25%, gạo thơm, tấm nhưng mua nhiều là gạo 5% và tấm.
Các DN xuất khẩu gạo Việt Nam cần đặt lợi ích chung lên hàng đầu, tránh vì lợi nhuận, làm mất thương hiệu gạo Việt Nam. Kinh nghiệm nhãn tiền về ngành chè vẫn còn đó các DN xuất khẩu gạo cần coi đó là bài học quý.
Theo VFA, sản lượng lúa vụ hè thu 2012 sẽ đạt hơn 8,6 triệu tấn có khoảng 2,5 triệu tấn gạo hàng hóa cho xuất khẩu. Vụ thu đông năm 2012, dự kiến sản lượng lúa khoảng 3,3 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 11,9 triệu tấn lúa, quy ra 3,5 triệu tấn gạo hàng hóa xuất khẩu. Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho rằng, dù kế hoạch xuất khẩu từ 6,5-7 triệu tấn gạo trong năm 2012, nhưng nếu được mùa dư gạo thì chúng ta vẫn xuất khẩu chứ không giới hạn ở mức kế hoạch. |